Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu 7 giải pháp để phát triển nhanh và bền vững
![]() | Chính phủ coi doanh nghiệp là trung tâm của kiến tạo |
![]() | Diễn đàn Doanh Nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019: Không khí mới, tâm thế mới |
![]() | VBF 2018: Khắc phục trở ngại đối với doanh nghiệp |
![]() |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại VBF 2019 |
Thành quả và thách thức
Theo Phó Thủ tướng, năm 2019 tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến không thuận lợi, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, là một trong những điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và thế giới.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát và ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Thị trường tiền tệ, ngoại hối và mặt bằng lãi suất khá ổn định, thanh khoản tốt. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện…
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực, Phó Thủ tướng cho rằng nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức xuất phát chủ yếu từ những yếu kém nội tại. Năng suất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ Việt Nam vẫn còn thấp. Trình độ quản trị, hiệu quả kinh doanh, năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ cũng như sự liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế.
Bên cạnh đó, quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng… còn khó khăn; chi phí về vốn, logistics, thủ tục hành chính còn cao; tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp.
Trong bối cảnh đó, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam với mục tiêu phải phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu, giảm khoảng cách với các nước đang phát triển.
Đồng thời, phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện sản xuất và tiêu dùng sạch và bền vững…
Doanh nghiệp cần nêu cao trách nhiệm xã hội
Đánh giá cao chủ đề “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững” của Diễn đàn lần này, Phó Thủ tướng khẳng định, nếu doanh nghiệp gắn lợi ích của mình với cộng đồng, chắc chắn sẽ trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng.
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thể hiện trên 3 khía cạnh: kinh tế, pháp lý và đạo đức. Trong đó về khía cạnh kinh tế, doanh nghiệp cần cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận với đối xử thỏa đáng với người lao động, tạo cơ hội để người lao động phát triển nghề và chuyên môn, thụ hưởng môi trường lao động an toàn, vệ sinh và đảm bảo quyền riêng tư, cá nhân ở nơi làm việc.
Doanh nghiệp cũng cần tận dụng tiến bộ khoa học để phát hiện những nguồn tài nguyên mới, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, phát triển sản phẩm; liên kết mạnh mẽ với khu vực trong nước để cung cấp hàng hoá và dịch vụ đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm và cạnh tranh lành mạnh.
Về khía cạnh pháp lý, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý đối với các bên liên quan thông qua việc tuân thủ những quy định về cạnh tranh, bảo vệ khách hàng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự công bằng và an toàn, cung cấp những sáng kiến chống lại những hành vi sai trái. “Doanh nghiệp không thể tồn tại lâu dài nếu không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm pháp lý của mình” Phó Thủ tướng nói.
Về khía cạnh đạo đức, mặc dù đây không phải là những ràng buộc pháp lý, nhưng khía cạnh đạo đức của doanh nghiệp lại vô cùng quan trọng với cộng đồng. Đây là những hành vi và hoạt động mà xã hội mong đợi ở doanh nghiệp. Do đó, những gì doanh nghiệp quyết định đúng, cùng chia sẻ lợi ích sẽ được xã hội công nhận, tôn vinh và ngược lại.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các bộ cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu những những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế tại Diễn đàn để từ đó, tổng hợp, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn lực, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh.
![]() |
Quang cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ 2019 |
7 giải pháp lớn
Để thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng cho biết về phía Chính phủ sẽ tiếp tục quyết tâm triển khai nhiều giải pháp lớn.
Một là, giữ vững môi trường vĩ mô, ổn định chính trị xã hội. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới biến động, khó lường. Đồng thời là nhân tố quyết định, tạo tiền đề cho phát triển bền vững.
Hai là, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Trong đó, trước hết là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực; phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, phát triển công nghiệp hỗ trợ; tái cấu trúc ngành năng lượng gắn với sử dụng tiết kiệm năng lượng; phát triển hệ thống các đô thị thông minh.
Ba là, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bền vững nhằm tạo ra các kết nối “thông minh”, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế.
Bốn là, khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và sáng tạo đổi mới trong kinh doanh.
Năm là, hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Sáu là, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; hoàn thiện hệ thống thể chế để thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo. Không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Bảy là, tiếp tục đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập khu vực và quốc tế. Đặc biệt là tích cực tham gia các Hiệp định, thoả thuận thương mại tự do thế hệ mới với các khu vực, các quốc gia phát triển. Đây chính là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
