Philippines, Trung Quốc bao giờ hết “đồng sàng dị mộng”
Tuy nhiên, có vẻ như mối quan hệ này đã cởi mở hơn sau chuyến đi của Đặc sứ của Tổng thống Philippines, cựu Tổng thống Fidel Ramos, tới Đặc khu hành chính Hong Kong hồi đầu tháng này nhằm cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh.
![]() |
Ông Ramos và bà Phó Oánh, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, ở Hong Kong |
Chuyến đi kéo dài 5 ngày tới Hong Kong của ông Ramos, bắt đầu từ ngày 8/8, được đánh giá là đã gỡ bỏ khá nhiều nút thắt đang tồn tại giữa hai bên. Tại đây, cựu Tổng thống Philippines Ramos đã thảo luận với bà Phó Oánh, người cũng từng là Đại sứ Trung Quốc tại Manila, và gặp gỡ Giáo sư Ngô Sĩ Tồn, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải ở Trung Quốc.
Các cuộc gặp đã diễn ra “trong tình thân hữu giữa những người bạn cũ” để tìm một giải pháp hòa bình và nêu lên bảy chủ đề có thể hợp tác từ “bảo vệ biển cho đến chống buôn lậu”.
Theo đó, hai bên đã bàn về việc thiết lập một cơ chế ngoại giao “hai kênh”, cho phép hợp tác trong một số lĩnh vực, song song với việc giải quyết riêng rẽ “các vấn đề gây tranh cãi” như tranh chấp Biển Đông.
Trong ngoại giao, kênh 1 là kênh giữa các chính phủ, còn kênh 2 là kênh đối thoại không chính thức, chủ yếu là giữa các viện nghiên cứu chiến lược, nhằm thúc đẩy đối thoại trên những vấn đề tranh chấp mà nền ngoại giao chính phủ chưa thể giải quyết được.
Ý tưởng cùng khai thác ngư trường cũng đã được cựu Tổng thống Philippines Ramos đề cập tới khi hai bên thảo luận về vấn đề đánh bắt thủy hải sản. Đây là nội dung liên quan tới mâu thuẫn gay gắt giữa Trung Quốc và Philippines từ năm 2012, khi Trung Quốc đã xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi Bãi cạn Scarborough, chỉ cách bờ biển Philippines 230 km (140 hải lý), nhưng lại cách đảo Hải Nam Trung Quốc đến 650 km.
Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa ông Ramos và bà Phó Oánh, hai nhân vật này cũng đã khẳng định cả Bắc Kinh và Manila sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác trong việc đánh bắt thủy hải sản, bảo vệ ngư trường và các hoạt động du lịch.
Chuyến đi của ông Ramos còn mở ra triển vọng cho cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Duterte với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sắp tới. Ngay sau chuyến đi của ông Ramos, Bắc Kinh đã “bật đèn xanh” cho một cuộc gặp cấp cao hai bên tại Trung Quốc hoặc Philippines.
Như vậy, chính quyền Duterte đang dần dần xây dựng lại các kênh ngoại giao với Trung Quốc, với hy vọng thu hút đầu tư với quy mô lớn từ Bắc Kinh, đồng thời quản lý các tranh chấp ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa án quốc tế cũng như gia tăng các hoạt động tại các vùng biển tranh chấp thì hai bên rất khó đi đến được mẫu số chung. Hiện nay, có lẽ Philippines chỉ đặt ra mục tiêu là giảm căng thẳng và cố gắng tạo ra vẻ bình thường hóa trong quan hệ song phương với Trung Quốc.
Là một lẽ đương nhiên khi bất kỳ quyết định nào được tòa đưa ra cũng sẽ làm lợi cho một bên và làm mất lòng bên còn lại, và phán quyết mà Tòa án quốc tế đưa ra hồi tháng trước liên quan đến các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông không nằm ngoại lệ.
Ở đây, bên hứng chịu “tổn thương” lại là Trung Quốc. Vậy nên có thể coi việc Trung Quốc “mở rộng cửa” chào đón sự hiện diện của ông Ramos là một tín hiệu rất đáng mừng. Ông Ramos ví chuyến đi Hong Kong của mình như một chuyến “đi câu” và nói: “Thực ra chuyến đi của tôi không phải là để làm tan băng, vì chẳng có băng giá nào để mà làm tan ở Hong Kong”.
Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh sau đó cho biết, Trung Quốc hy vọng các trao đổi như chuyến đi của ông Ramos “sẽ giúp Trung Quốc và Philippines quay trở lại bàn đàm phán và cải thiện quan hệ”. Theo bà, “Trung Quốc và Philippines có truyền thống là láng giềng tốt. Cả hai nước nên có những đóng góp chung để cải thiện quan hệ song phương và tái khởi động đối thoại nhằm đảm bảo quan hệ hai nước đi vào trục chính lành mạnh và ổn định…”.
Phó giáo sư Richard Heydarian thuộc Đại học De La Salle tại Manila cho rằng trên nhiều phương diện, ông Ramos là một lựa chọn hoàn hảo cho nhiệm vụ cải thiện phần nào mối quan hệ lạnh giá giữa Philippines và Trung Quốc.
Tuy nhiên, có chắc chắn rằng chuyến đi lần này của ông Ramos nhằm hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh mang lại hiệu quả tuyệt đối, ít nhất là giống như những gì hai bên đã thể hiện? Điểm mấu chốt ở đây có lẽ là tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa ông Ramos và bà Phó Oánh không đề cập trực tiếp tới vấn đề Biển Đông hay phán quyết của Tòa án quốc tế.
Hai bên cũng không nhắc đến lộ trình cụ thể của các cuộc đàm phán. Trong cuộc họp báo, ông Ramos cho biết ông “không đề cập đến tranh chấp biển đảo” trong các cuộc thảo luận với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, mặc dù có nói đến “quyền đánh bắt thủy hải sản”.
Bên cạnh đó, về phía dư luận, một bài báo ngày 13/8 (sau khi ông Ramos kết thúc chuyến đi tới Hong Kong) của tờ South China Morning Post (SCMP) trích dẫn một nguồn tin tin cậy cho biết, Bắc Kinh sẽ thực hiện cải tạo trên bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham) – thực thể rõ ràng nằm trong khu đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines – sau khi hội nghị G20 kết thúc và trước khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu Tổng thống.
Lý do là thời điểm diễn ra G20 không phải là lúc thích hợp để căng thẳng nên Bắc Kinh chắc chắn sẽ kiềm chế cho đến khi hội nghị này diễn ra thành công. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tận dụng thời cơ khi các phương tiện thông tin truyền thông Mỹ tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và không đề cập đến bất kỳ động thái leo thang nào ở Biển Đông, nhờ đó vấn đề Biển Đông sẽ lắng xuống và ít được thế giới quan tâm.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
