Phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng Đông Nam Bộ
![]() | Vành đai 3 sẽ kích thích kinh tế Đông Nam bộ |
![]() | Tăng trưởng vùng Đông Nam bộ năm nay khó vượt quá 0% |
Đạt nhiều thành tựu song còn bộc lộ khó khăn, hạn chế
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trình bày các tham luận, tập trung đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, huy động nguồn lực, giải quyết các vấn đề nổi lên của Vùng.
![]() |
Trình bày báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tổng kết, thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận số 27, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận số 27, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành ở Trung ương và sự nỗ lực quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong vùng, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng đã có những chuyển biến hết sức tích cực, qua đánh giá sơ bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua nhưng trong quá trình phát triển, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua như: Nhiều chỉ tiêu đặt ra chưa đạt được, nhất là các chỉ tiêu quan trọng về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng đóng góp vào GDP của cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động, thu ngân sách nhà nước; Công nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ; Kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, một số công trình trọng điểm còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra; Hạ tầng xã hội chưa theo kịp sự phát triển; Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế; Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, chưa có tính chiến lược, lâu dài để nâng cao năng lực cạnh tranh vùng…
Tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định trong những năm qua, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của vùng chậm hơn tốc độ phát triển kinh tế và đây là một nguyên nhân dẫn tới tốc độ tăng trưởng của vùng chậm lại. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm bố trí khoảng 120.000 tỷ đồng vốn ngân sách để đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông chiến lược trong vùng và liên vùng, cùng với đó là một số dự án hợp tác công tư (PPP). Tinh thần là địa phương và Trung ương cùng hợp lực để giải quyết vấn đề giao thông của vùng.
Theo đó, từ nay tới năm 2025, sẽ hoàn thành đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ (đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2), tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; thu xếp nguồn vốn để khởi công các tuyến đường Vành đai 4, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Các cơ quan cũng đang triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách mỗi năm; đồng thời quyết liệt thúc đẩy dự án sân bay Long Thành để đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2025 với 25 triệu khách.
Tới đây, các địa phương cần tập trung các nguồn lực để xây dựng các tuyến đường giải quyết vấn đề ách tắc giao thông tại các cảng lớn trong Vùng như Cái Mép - Thị Vải…; nâng cấp luồng hàng hải từ phao số 0 vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, luồng Xoài Rạp; kêu gọi đầu tư các cảng biển, trung tâm logistics Cái Mép Hạ, các cảng cạn trong Vùng để hình thành các trung tâm logistics lớn…
Đẩy mạnh liên kết, phát huy vai trò đầu tàu của TP. Hồ Chí Minh
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá, kết quả thực hiện Nghị quyết 53 đã giúp vùng giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ; là trung tâm tài chính, logistics, đầu mối giao lưu quốc tế lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, vùng đang gặp nhiều thách thức mà nghiêm trọng nhất là việc phát triển dưới mức tiềm năng và chưa phát huy tốt vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước. TP. Hồ Chí Minh đóng góp đến trên 50% vào tăng trưởng của vùng và trong những năm gần đây, việc TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của vùng. Tốc độ tăng trưởng của vùng chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của các nước; vai trò đầu mối xuất nhập khẩu giảm; hiệu quả sử dụng vốn của vùng luôn thấp nhất và đều thấp hơn so với bình quân của cả nước; kinh tế vùng giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế cả nước.
Ông Phan Văn Mãi cho rằng, nguyên nhân một phần do thể chế hiện hành chưa khuyến khích chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng, trong khi đó vai trò của Ban chỉ đạo và Hội đồng vùng chưa được phát huy đúng mức. Quy hoạch vùng và từng địa phương đang tạo nên “lực kéo”, thay vì “lực đẩy” cho phát triển của vùng. Quy hoạch trùng lắp chức năng, dẫn đến cạnh tranh, thiếu liên kết.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, đô thị không theo kịp và đang cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của vùng. Định hướng chiến lược thì tham vọng, nhưng nguồn lực đầu tư hạn chế, và chưa có các cơ chế hiệu quả thu hút nguồn lực từ xã hội… Trong khi đó, sự phát triển chậm lại của TP. Hồ Chí Minh trong nhiều lĩnh vực, và các vấn đề “trục trặc” đặt ra trong quá trình phát triển tác động đến vùng.
Đề xuất các định hướng chính của Nghị quyết mới cho vùng, ông Phan Văn Mãi cho rằng, cần nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ theo quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 15/4/2022. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc; đẩy mạnh liên kết phát triển giao thông Vùng cả về đường bộ, đường thuỷ và đường sắt.
Liên kết trong vấn đề bảo vệ môi trường (bảo vệ các hệ sông; xử lý chất thải công nghiệp, sinh hoạt; thích ứng biến đổi khí hậu…); Liên kết phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thị trường lao động chung của vùng; Liên kết phát triển hạ tầng chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu vùng về kinh tế - xã hội, làm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết vùng; Hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và đầu tư phát triển TP. Hồ Chí Minh để giữ vững vai trò đầu tàu của vùng và cả nước.
Đồng bộ, quyết liệt để tận dụng cơ hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của vùng
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thực tiễn đã khẳng định Nghị quyết 53 và Kết luận 27 là đúng hướng, đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, củng cố niềm tin với Đảng và Nhà nước. Trong tình hình, bối cảnh mới, căn cứ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn, cần xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết mới về phát triển vùng.
Theo Thủ tướng, các ý kiến tại Hội nghị đã khẳng định vùng có tiềm năng rất lớn nhưng phát triển chưa tương xứng, dư địa phát triển còn nhiều… Những nguyên nhân chính là quy hoạch chưa hiện đại; công tác liên kết, phối hợp còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ; cơ chế điều phối vùng và chính sách huy động nguồn lực chưa thực sự hiệu quả để tận dụng tối đa cơ hội nổi trội, tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh…
Thủ tướng cho rằng, các chủ trương, đường lối của Đảng đã rất rõ, vấn đề là phải tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo hướng rõ trách nhiệm, địa chỉ; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; phát huy tính chủ động của các địa phương nhưng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả vùng…
Về các định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng cần tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược (xây dựng và hoàn thiện thể chế; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số…).
Đồng thời, cách thức tổ chức thực hiện liên kết cần chặt chẽ, hiệu quả hơn, cần một cơ chế điều phối, "nhạc trưởng" cho liên kết vùng phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, nâng cao tính tự lực, tự cường của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị…
Các bộ, ngành cần tích cực, chủ động phối hợp, xử lý các vấn đề đặt ra với các địa phương trong vùng, không để các địa phương phải "chạy lên chạy xuống" nhiều lần mà không giải quyết được vấn đề.
Để đạt được các mục tiêu đề ra trong phát triển vùng, Thủ tướng cho rằng trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số định hướng, giải pháp trọng tâm. Theo đó, phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng quy hoạch, phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.
Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xem đây là động lực phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, Thủ tướng đề nghị các địa phương tập trung ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tập trung hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng chỉ định và đánh giá miễn dịch cộng đồng; khắc phục các vấn đề liên quan tới y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhất là bảo đảm thuốc điều trị để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tập trung triển khai các chương trình phục hồi và phát triển, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy các dự án trọng điểm của vùng; hoàn thành dứt điểm công tác quy hoạch; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, chủ động ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra.
Trên cơ sở báo cáo tổng kết, các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đối đa để tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27, hoàn thiện dự thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết mới của Bộ Chính trị, huy động tối đa trí tuệ tập thể, tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kế hoạch.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
