Phát triển ngành lâm nghiệp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, sau 15 năm thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đó là, tài nguyên rừng được bảo vệ và phát triển ngày càng tốt hơn. Năm 2020, tổng diện tích rừng đạt trên 14,6 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, cơ cấu 3 loại rừng đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh môi trường. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2020 đạt trên 13,2 tỷ USD. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ở vị trí thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á. Dịch vụ môi trường rừng thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững - trở thành một trong 10 thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
![]() |
Ảnh minh họa |
Quyết định 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (chiến lược) và Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 phê duyệt đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" (đề án) cùng với Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn là những văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý, chính sách quan trọng cho lĩnh vực lâm nghiệp trong giai đoạn tới. Đối với đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025", mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm phần nào bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chúng ta phải nâng cao được nhận thức, ý thức của người dân và cộng đồng, xã hội hóa trồng rừng, trồng rừng đi đôi với chăm sóc, kiểm tra để cây phát triển, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. Đồng thời, xác định rừng là thành tố quan trọng trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, trong kế hoạch thực hiện chiến lược, Tổng cục Lâm nghiệp ưu tiên phát triển vùng rừng trồng cung cấp nguyên liệu tập trung, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn. Ngành lâm nghiệp cũng chú trọng đặc biệt đến công tác giống lâm nghiệp.
Chiến lược Phát triển lâm nghiệp đã quán triệt và cụ thể hóa các quan điểm và định hướng phát triển, giải pháp nhằm phát triển lâm nghiệp bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng rừng từ mở rộng diện tích khối lượng sang tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp, ông Hà Công Tuấn chia sẻ.
Được biết, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch triển khai nghị định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược, đề án. Để đề án, chiến lược trở thành hiện thực, theo Bộ NN&PTNT, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cần đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện như xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Kế hoạch thực hiện Chiến lược; Nghị định của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp và Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025".
Đối với Đề án Trồng một tỷ cây xanh, phải nghiên cứu, xây dựng tiêu chí về diện tích trồng cây xanh trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện, xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, tổ chức rà soát, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về giống cây trồng lâm nghiệp và lâm sinh để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Đối với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng yêu cầu phải tham mưu xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai, tổ chức triển khai thực hiện cụ thể Chiến lược, Đề án và Nghị định tại địa phương.
Vấn đề quan trọng đối với lâm nghiệp hiện nay là phải bảo tồn và phát triển. Trong đó, làm thế nào để phát triển nhưng không ảnh hưởng đến bảo tồn và bảo tồn nhưng không phải đóng cửa để vẫn có thể phát triển. Chúng ta cần chứng minh với thế giới rằng, Việt Nam sẵn sàng để phát triển một nền lâm nghiệp có trách nhiệm, không chỉ theo đuổi mục tiêu kinh tế mà còn các yếu tố xã hội, môi trường và hòa nhập vào tư duy phát triển chung của thế giới, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
