Phát huy bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam"
Ngay đầu năm 2024, nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Romania Ion - Marcel Ciolacu, từ ngày 16-23/1/2024, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, đồng thời thăm chính thức Hungary và Romania. Đây là sự tiếp nối từ hành trình đầy những điểm nhấn rạng rỡ của ngành đối ngoại - ngoại giao trong năm 2023, với những thành tựu góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Bước chuyển mình mạnh mẽ
Có thể nói, năm 2023 vừa khép lại là một năm vô cùng sôi động của ngành đối ngoại - ngoại giao, với những dấu ấn nổi bật. Qua đó, quan hệ đối ngoại song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng cũng như làm sâu sắc hơn, nhất là quan hệ ngoại giao với nhiều đối tác quan trọng.
Trong năm 2023, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện (mức quan hệ ngoại giao cao nhất) với hai nước, đồng thời nâng tổng số quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao lên 193. Chúng ta đã tổ chức thành công 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống, bên cạnh 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam, cùng hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương. Có những chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử như chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joe Biden. Đó là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay".
![]() |
Ảnh minh họa |
Trong đó, tiến trình làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi quan trọng mới để phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc vững chắc, ổn định và thiết thực hơn nữa.
Không chỉ vậy, với Lào và Campuchia - những nước láng giềng có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt, cuộc gặp cấp cao lần thứ hai sau 30 năm giữa ba đồng chí đứng đầu ba Đảng của Việt Nam, Lào, Campuchia (7/9/2023), các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, giữa các đồng chí Thủ tướng ba nước và Hội nghị cấp cao đầu tiên của Quốc hội ba nước (5/12/2023) đã khẳng định mạnh mẽ truyền thống đoàn kết đặc biệt, sự gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau là một tất yếu khách quan, là quy luật sống còn, nhân tố quan trọng hàng đầu đối với an ninh và phát triển của mỗi nước. Hợp tác kinh tế được xác định là lĩnh vực đột phá và hợp tác quốc phòng - an ninh là trụ cột, đều đạt những tiến triển mới.
Đặc biệt, sự kiện Việt Nam và Hoa Kỳ nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững đã tạo xung lực mới và hành lang rộng mở, để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới. Trên bình diện đa phương, vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam cũng được khẳng định nổi bật tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, tiểu vùng Mê Kông, APEC, AIPA, IPU, UNESCO, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường…
Ngày 19/12/2023, phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” tổ chức tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong gần ba năm qua, đặc biệt là từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên… ngành ngoại giao và đối ngoại cả nước ta đã nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc quán triệt và chung sức, đồng lòng tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua”.
Riêng về khía cạnh phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Công tác đối ngoại và ngoại giao đã đi đầu trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại”. Tổng Bí thư dẫn chứng: Từ năm 2021 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, thương mại thế giới, kinh tế nước ta vẫn là một điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng màu của kinh tế toàn cầu; kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02% và dự báo năm 2023 có thể đạt trên 5%, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; lần đầu tiên GDP của nước ta vượt 400 tỷ USD, đứng thứ ba trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài...
Có thể nói, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao và linh hoạt của Đảng, Nhà nước, ngành đối ngoại - ngoại giao Việt Nam đã và đang thực hiện một chặng chuyển mình đầy ấn tượng, mà kết tụ là hàng loạt thành công trong năm 2023.
Lan tỏa sức bật kinh tế - xã hội
Trên cơ sở quán triệt tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, các hoạt động ngoại giao kinh tế vẫn đã và đang đóng góp quan trọng vào thúc đẩy, nâng cao hơn nữa chất lượng tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu. Năm 2023, nhờ động lực mạnh mẽ từ ngoại giao kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 700 tỷ USD (trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu trên 1 tỷ USD), thu hút được lượng FDI tăng gần 15%, tiếp cận được nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh guồng máy kinh tế toàn cầu vẫn còn đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức.
Thí dụ điển hình cho những đóng góp, tiếp sức, lan tỏa nhằm biến thành tựu đối ngoại thành kết quả phát triển kinh tế - xã hội chính là những vận động xoay quanh việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, nước Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ; kim ngạch thương mại 10 năm qua tăng hơn 4 lần (từ mức 30 tỷ USD năm 2013). Những triển vọng tương lai thậm chí vẫn còn rất giàu tiềm năng, sau hàng loạt chuyến thăm của các quan chức hàng đầu Chính phủ Hoa Kỳ về kinh tế, như Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Đại diện Thương mại Mỹ, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID)…
Bên cạnh nước Mỹ, sự phát triển tốt đẹp trong mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với mọi đối tác, song phương cũng như đa phương, đều là những sự bảo đảm cho đà tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng ổn định xã hội của đất nước.
Đơn cử, kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngày 30/11/2023, tại Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc, đã có thêm 21 hợp đồng kinh tế và thỏa thuận về thúc đẩy xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản, thương mại, logistics, nông nghiệp công nghệ cao… được ký kết giữa các doanh nghiệp hai nước.
Không chỉ tranh thủ các hiệp định thương mại tự do đã ký, Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực tham gia các liên kết kinh tế mới, thúc đẩy hợp tác với nhiều đối tác tiềm năng. Nhờ đó, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt trên 680 tỷ USD, thu hút FDI đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,8%, cùng việc nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam...
Hơn bao giờ hết, thông điệp “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các quốc gia”, cũng như các đặc trưng của “ngoại giao cây tre” đã được chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả, như một mùa quả ngọt bội thu…
Tin liên quan
Tin khác

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Hội nghị thượng đỉnh P4G: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng: Tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế

Thủ tướng: Thể chế là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất để chuyển đổi trạng thái

Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam có ý nghĩa chiến lược

Từ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, nghĩ về tư duy hội nhập trong kỷ nguyên mới
