agribank-vietnam-airlines

Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ

 - 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 25/2/2025 phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ.
aa
Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ- Ảnh 1.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ mới được bổ nhiệm.
Nguyên tắc phân công và quan hệ công tác giữa Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ

1- Thủ tướng Chính phủ tạm thời phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng phụ trách cơ quan, lĩnh vực công tác tại Quyết định này.

2- Thủ tướng Chính phủ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; lãnh đạo toàn diện và điều hành công tác của Chính phủ, các Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công việc lớn, quan trọng, những vấn đề có tính chiến lược, khó, nhạy cảm, tác động lớn đến phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.

3- Phó Thủ tướng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ; giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo, xử lý các công việc thường xuyên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong từng lĩnh vực công tác của Chính phủ; thay mặt Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện, mọi mặt trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về quyết định của mình và nhiệm vụ, lĩnh vực, cơ quan được phân công theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm tiến độ và chất lượng công việc. Thủ tướng Chính phủ không xử lý những nhiệm vụ, lĩnh vực, công việc đã phân công cho Phó Thủ tướng.

Những công việc liên quan đến các Phó Thủ tướng khác thì Phó Thủ tướng được phân công chủ trì chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả cùng giải quyết, nếu còn ý kiến khác nhau giữa các Phó Thủ tướng thì Phó Thủ tướng chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4- Các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ động, tích cực trong việc chỉ đạo thực hiện ba đột phá chiến lược (hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại) và cải cách hành chính thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; trực tiếp đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, hỗ trợ các Bộ trưởng, trưởng ngành được phân công phụ trách.

5- Trong phạm vi các lĩnh vực được phân công, Phó Thủ tướng có trách nhiệm và quyền hạn thay mặt Thủ tướng Chính phủ:

- Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị các nội dung công tác cấp bách, đột xuất, cần thiết, báo cáo Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Xây dựng cơ chế, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, địa phương đúng tiến độ, hiệu quả và bảo đảm chất lượng.

- Chủ trì xử lý kịp thời những vấn đề cần phối hợp liên ngành và xem xét, xử lý những kiến nghị của các bộ, ngành và các địa phương thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi được phân công.

- Ký thay Thủ tướng Chính phủ các văn bản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ trong phạm vi các lĩnh vực công tác, công việc được Thủ tướng Chính phủ thống nhất phân công.

- Theo dõi, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền những vấn đề về công tác cán bộ, công tác nội bộ của các bộ và cơ quan được phân công theo quy định của Đảng và Nhà nước.

6- Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm Phó Thủ tướng thường trực hoặc một Phó Thủ tướng khác thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ.

7- Trong trường hợp xét thấy cần thiết hoặc khi Phó Thủ tướng vắng mặt thì Thủ tướng Chính phủ trực tiếp hoặc phân công các Phó Thủ tướng khác chỉ đạo xử lý kịp thời công việc đã phân công cho Phó Thủ tướng.

8- Các Phó Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm và chủ động chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và trực tiếp xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, ách tắc hiện nay về mặt thể chế, tổ chức thực hiện của các bộ, ngành được phân công phụ trách, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền.

9- Căn cứ tình hình thực tế trong tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung việc phân công công tác của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng tại Quyết định này hoặc công việc đột xuất cấp bách khác mà Thủ tướng thấy cần thiết để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời, thông suốt, hiệu quả.

Nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ

Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ- Ảnh 2.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Đảng ủy Chính phủ.
1- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Đảng ủy Chính phủ

a) Lãnh đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.

b) Theo dõi, chỉ đạo: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

c) Trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác sau đây:

- Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

- Chiến lược, chính sách tài chính, tín dụng, tiền tệ quốc gia; định hướng sử dụng ngân sách nhà nước.

- Chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại và công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Công tác cán bộ; tổ chức bộ máy; cải cách hành chính; địa giới hành chính; những vấn đề chung về công tác thi đua, khen thưởng.

- Quan hệ phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

d) Làm nhiệm vụ: Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo nhà nước về Biển Đông - Hải đảo; Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử; Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt; Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân; Trưởng Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia; Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Chủ tịch một số Hội đồng, Ủy ban quốc gia và Trưởng các Ban Chỉ đạo khác.

Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ- Ảnh 3.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Chính phủ
2- Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Chính phủ

a) Làm nhiệm vụ Phó Thủ tướng thường trực.

b) Theo dõi, chỉ đạo: Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

c) Thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:

- Phòng, chống tội phạm.

- Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Những vấn đề thường xuyên về thi đua - khen thưởng, cải cách hành chính.

- Đặc xá.

- Cải cách tư pháp. Phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Lao động, việc làm, người có công, bình đẳng giới.

- Các nội dung liên quan đến Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

- Xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đã tồn đọng kéo dài trên phạm vi cả nước (việc xử lý các dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (chuyển cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước đây) do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc theo dõi, chỉ đạo).

- Chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý phát sinh của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.

d) Làm nhiệm vụ: Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm; Trưởng Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng kéo dài trên phạm vi cả nước; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch theo lĩnh vực liên quan.

đ) Thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các công việc của Chính phủ khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt và được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm.

Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ- Ảnh 4.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ.
3- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ

a) Theo dõi, chỉ đạo: Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

b) Thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:

- Giao thông vận tải; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

- Xây dựng.

- Tài nguyên và môi trường; biến đổi khí hậu.

- Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

- Xóa đói giảm nghèo.

- Các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.

- Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.

- Cơ chế, chính sách chung về đấu thầu (việc giải quyết công việc liên quan đến đấu thầu thuộc các lĩnh vực chuyên ngành do các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực chỉ đạo).

- Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

- Chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý phát sinh của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.

c) Làm nhiệm vụ: Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga; Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch theo lĩnh vực liên quan.

d) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.

Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ- Ảnh 5.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ
4- Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ

a) Theo dõi, chỉ đạo: Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

b) Thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:

- Xây dựng thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Xử lý tranh chấp, khiếu kiện quốc tế.

- Giáo dục, đào tạo; giáo dục nghề nghiệp.

- Các vấn đề xã hội. Công tác quản lý về cai nghiện ma túy. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

- Y tế, dân số, gia đình và trẻ em.

- Chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý phát sinh của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.

c) Làm nhiệm vụ: Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực; Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh Trung ương; Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch theo lĩnh vực liên quan.

d) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.

Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ- Ảnh 6.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ.
5- Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ

a) Theo dõi, chỉ đạo: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi.

b) Thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:

- Kế hoạch đầu tư; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

- Tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng; thị trường vốn, thị trường chứng khoán; các nguồn đầu tư tài chính; dự trữ Nhà nước.

- Chi ngân sách nhà nước, sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước, Quỹ dự trữ tài chính, Quỹ dự trữ ngoại hối và các Quỹ khác của Nhà nước; phát hành công trái, trái phiếu Chính phủ.

- Chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội.

- Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

- Cơ chế, chính sách chung về quản lý tài sản công (việc giải quyết công việc liên quan đến quản lý tài sản công thuộc các lĩnh vực chuyên ngành do các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực chỉ đạo).

- Chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý phát sinh của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.

c) Làm nhiệm vụ: Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại; Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch theo lĩnh vực liên quan.

d) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.

Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ- Ảnh 7.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ.
6- Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ

a) Kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

b) Theo dõi, chỉ đạo: Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương.

c) Thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:

- Ngoại giao và quan hệ đối ngoại.

- Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vận động vốn vay ưu đãi.

- Viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài.

- Hội nhập quốc tế; theo dõi, chỉ đạo đàm phán và thực hiện các cam kết quốc tế song phương, đa phương.

- Quan hệ của Việt Nam với các tổ chức quốc tế và khu vực.

- Công tác biên giới và các vấn đề Biển Đông - Hải đảo.

- Công tác người Việt Nam ở nước ngoài và các vấn đề người nước ngoài ở Việt Nam.

- Các vấn đề về nhân quyền.

- Phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

- Công nghiệp; thương mại - xuất nhập khẩu; dự trữ và cung ứng xăng dầu, dịch vụ logistics.

- Bảo đảm năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý phát sinh của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.

d) Làm nhiệm vụ: Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc; Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền; Trưởng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng; Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch theo lĩnh vực liên quan.

đ) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.

Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ- Ảnh 8.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ.
7- Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ

a) Theo dõi, chỉ đạo: Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

b) Thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:

- Khoa học và công nghệ; đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số.

- Phát triển các loại hình doanh nghiệp. Kinh tế tập thể, hợp tác xã.

- Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

- Các nội dung liên quan đến công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)...

- Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

- Chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý phát sinh của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.

c) Làm nhiệm vụ: Chủ tịch Hội đồng quy hoạch quốc gia; Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Phụ trách Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch theo lĩnh vực liên quan và quy hoạch chung quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch cấp tỉnh.

d) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

đ) Giúp Thủ tướng Chính phủ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên phạm vi cả nước và ở nước ngoài.

e) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.

Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ- Ảnh 9.
Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ
8- Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ

a) Theo dõi, chỉ đạo: Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

b) Thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:

- Dân tộc, tôn giáo.

- Văn hóa; du lịch; thể dục, thể thao.

- Truyền thông, báo chí, xuất bản.

- Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xà hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

- Chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý phát sinh của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.

c) Làm nhiệm vụ: Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch theo lĩnh vực liên quan.

d) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định số 401/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/2/2025.

Quyết định số 401/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 1460/QĐ-TTg ngày 6/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 28/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ và các quy định trước đây khác với Quyết định này.

baochinhphu.vn

Tin liên quan

Tin khác

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Trưa 14/4, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 14-15/4, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường.
Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi chiều 13/4, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ nghị định thay thế Nghị định 114/2021/NĐ-CP và Nghị định số 20/2023/NĐ-CP về quản lý, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi trước ngày 30/4/2025.
Hội nghị thượng đỉnh P4G: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Hội nghị thượng đỉnh P4G: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Nhân dịp Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về các nội dung liên quan đến Hội nghị.
Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết "CHUNG TAY MỞ RA KỶ NGUYÊN PHÁT TRIỂN MỚI CỦA QUAN HỆ HỮU NGHỊ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC" của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thủ tướng: Thể chế là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất để chuyển đổi trạng thái

Thủ tướng: Thể chế là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất để chuyển đổi trạng thái

Sáng 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025 để xem xét, cho ý kiến về 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; các thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Thời báo Ngân hàng trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII, ngày 12/4/2025.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam có ý nghĩa chiến lược

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam có ý nghĩa chiến lược

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ 14 - 15/4. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa chuyến thăm này.
Từ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, nghĩ về tư duy hội nhập trong kỷ nguyên mới

Từ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, nghĩ về tư duy hội nhập trong kỷ nguyên mới

Hội nhập quốc tế đã trở thành một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển quốc gia kể từ công cuộc Đổi mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đòi hỏi tư duy về hội nhập cũng phải được cập nhật và nâng tầm trong kỷ nguyên mới. Bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm là một chỉ đạo quan trọng, thể hiện cách tiếp cận mới của Đảng về hội nhập trong điều kiện đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Tạo thêm nguồn lực phát triển đất nước từ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Tạo thêm nguồn lực phát triển đất nước từ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

“Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) cần phải thực hiện thường xuyên hàng ngày và không thể lơ là, đi vào trong tiềm thức, ý thức của từng cán bộ ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh THTK, CLP trong ngành Ngân hàng để tạo thêm nguồn lực phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn và nhiều người nghèo cần hỗ trợ”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nói tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác THTK, CLP trong ngành Ngân hàng năm 2025 sáng 11/4.

Mở ra "cánh cửa thép" trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ

Với việc Việt Nam, Hoa Kỳ thống nhất tiến hành đàm phán thỏa thuận thương mại song phương trong đó có nội dung thuế quan, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng đoàn công tác đặc biệt Việt Nam, đã mở "cánh cửa thép", hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mục tiêu mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó.
AI
B - Edu
B - Finance
B - Data