Olympic Rio 2016 - động lực hay gánh nặng với kinh tế Brazil?
Sức ép về kinh tế
Năm 2009, khi Rio de Janeiro giành quyền đăng cai Thế vận hội Olympic 2016 sau khi vượt qua các thành phố Madrid (Tây Ban Nha), Tokyo (Nhật Bản) và Chicago (Mỹ), vị thế của Brazil lúc ấy đang lên. Dù chưa thoát khỏi những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng Brazil bị thiệt hại kinh tế ít hơn và phục hồi nhanh hơn so với các nước khác.
Với một nền kinh tế đang bùng nổ, Chính phủ liên bang Brazil rất “xông xênh” và Tổng thống đương nhiệm khi đó, Luiz Inácio Lula da Silva đã đưa ra hàng loạt các chương trình xã hội tốn kém, với hy vọng đưa hàng triệu người nghèo Brazil tới một cuộc sống tốt hơn. Tạp chí Economist còn dự đoán rằng Brazil sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, vượt qua cả nước Anh và Pháp.
![]() |
Lễ khai mạc Olympic 2016 tại Sân vận động Maracana, Brazil |
Vào lúc kinh tế đang tuột dốc, GDP được dự báo giảm gần 4% trong năm nay, 12% dân số trong tuổi lao động không có việc làm, Brazil phải dành hẳn 40 tỷ real (11 tỷ euro) cho Olympic Rio - một con số không hề nhỏ.
Theo thăm dò dư luận do Viện Datafolha thực hiện 3 tuần trước lễ khai mạc Olympic Rio, 51% người Brazil được hỏi cho biết họ không quan tâm tới Olympic; 33% cho hay họ ít quan tâm, và có tới 63% người Brazil cho rằng Olympic mang đến “hại nhiều hơn lợi”. Trong khi ba năm trước, một cuộc tham khảo ý kiến tương tự cho thấy tỷ lệ không tán đồng chỉ là 38%.
Dù vậy, một tháng trước lễ khai mạc Olympic Rio, Tổng thống tạm quyền của Brazil, Michel Temer đã khánh thành ngôi làng Olympic, nơi tiếp nhận gần 17.000 vận động viên.
Ông nói Brazil sẵn sàng đi vào lịch sử Thế vận hội với tư cách là quốc gia đầu tiên ở Nam Mỹ được vinh hạnh tổ chức sự kiện thể thao trọng đại nhất thế giới. Brazil huy động 85.000 nhân viên ở mọi cấp để bảo đảm an ninh cho các vận động viên, các nguyên thủ quốc gia, du khách và khán giả, phóng viên từ năm châu tụ họp ở Brazil.
Tham nhũng, giọt nước làm tràn ly
Với thành phố Rio, việc tổ chức Thế vận hội là một thách thức lớn giữa lúc chính quyền cấp tỉnh phải nhanh chóng tìm được 600 triệu euro để trang trải các phí tổn do sự kiện thể thao này. Bang Rio de Jeinero thông báo tình trạng “mất khả năng thanh toán”, thâm hụt ngân sách 5 tỷ euro. Cho dù đây là một cách để cầu viện chính quyền trung ương chia sẻ gánh nặng, nhưng đó cũng là một tín hiệu không vui cho Olympic Rio.
Đời sống đắt đỏ, nạn tham nhũng, những vụ tai tiếng vì giới thân cận với chính quyền được hưởng lợi, là những giọt nước làm tràn ly. Từ đó đến nay căng thẳng trong xã hội Brazil vẫn chưa lắng xuống.
Ba tuần trước lễ khai mạc Olympic Rio 2016, hàng ngàn dân cư địa phương biểu tình kêu gọi tẩy chay Thế vận hội. Trong số đó có rất nhiều giáo viên, công nhân viên chức nhà nước.
Dân chúng không thể hiểu được là chính quyền của thành phố, của tỉnh có ngân quỹ để tài trợ các công trình xây dựng tốn kém, nhưng các giáo viên, công chức, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa thì mãi đến đầu tháng Bảy mới nhận được lương của tháng Năm.
Đó là chưa kể hàng trăm ngàn giờ phụ trội của nhân viên an ninh thành phố để chuẩn bị cho Thế vận hội, tới nay vẫn chưa được thanh toán. Đặc biệt, giới tư pháp Brazil đang điều tra về một vụ biển thủ có thể lên tới 8 triệu euro, đã được rót vào túi các quan chức Brazil trong vụ tổ chức Thế vận hội lần này.
Mối đe dọa mang tên Zika
Mối quan ngại khác đối với ban tổ chức Olympic năm nay là virus Zika, khi mà tới nay Brazil là quốc gia bị tác động nhiều nhất thế giới, với 1,5 triệu ca lây nhiễm. Cuối tháng 5/2016 nước chủ nhà và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định duy trì “cuộc chơi”, nhưng đã có khá nhiều vận động viên từ chối tranh tài. Trong bộ môn đánh golf chẳng hạn, vận động viên số 1, số 4 và số 16 của thế giới đã “bỏ cuộc”.
Cho tới cuối tháng 5/2016, đã có 120 chuyên gia y khoa thuộc 10 quốc gia khác nhau chính thức yêu cầu Brazil và WHO hủy hoặc dời địa điểm tổ chức Olymic 2016, tránh cho 500.000 du khách “một mối rủi ro không cần thiết”.
Mặt khác, nói đến Brazil, ai cũng nghĩ ngay đến những bãi biển tuyệt đẹp với cát vàng. Nhưng vịnh Guanabara, nơi tổ chức các cuộc đua thuyền, 1.400 vận động viên tranh tài, lại là vùng biển bị ô nhiễm vào bậc nhất.
Theo một nghiên cứu được Hãng tin AP công bố năm 2015, mức độ ô nhiễm của nước biển ở khu vực này cao gấp 1,7 triệu lần so với chuẩn của WHO. Vịnh Guanabara đẹp nhưng lại là cửa ngõ để nước thải của 6 triệu dân Rio đổ ra biển. Khi được chỉ định tổ chức Thế vận hội, Brazil đã cam kết lọc nước ở khu vực này.
Trước chừng ấy khó khăn, hy vọng về lượng du khách tăng đột biến trong dịp Olympic cũng khó mà trở thành hiện thực dù số lượng vé xem các trận tranh tài tại Olympic lần này bán ra đã đạt kỳ vọng của Brazil. Thậm chí, với những người bỏ tiền tới Brazil, Capital Economics dự đoán mức chi tiêu sẽ cũng chỉ ở mức trung bình. Vì thế, doanh thu của ngành du lịch Brazil trong năm nay ước chỉ ở mức 0,03% GDP.
Chưa kể đến việc an ninh tại Brazil đang trở thành tâm điểm chú ý của mọi người bởi mặc dù chính quyền nước chủ nhà của Olympic Rio 2016 đã ra lệnh tăng cường bảo an, thắt chặt an ninh trên đường phố để ngăn chặn mối nguy khủng bố tấn công, song ngay tại khu đô thị sầm uất Rio de Janeiro lại xảy ra vấn nạn cướp giật giữa “thanh thiên bạch nhật” mà dường như không ai xử lý.
Sau khi Olympic Rio kết thúc (ngày 21/8), khi các vận động viên và cổ động viên nước ngoài rút hết thì người dân của Rio sẽ phải ở lại để thu dọn “hậu trường” mà họ không hề mong muốn.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
