Nước Pháp sau khủng bố
Tổng thống Francois Hollande đã tuyên bố nước Pháp đang trong tình trạng thời chiến và đây là cuộc chiến mà Pháp sẽ phải tham chiến trên nhiều mặt trận, trong đó có mặt trận kinh tế.
![]() |
Người dân đặt hoa, nến tưởng niệm những người thiệt mạng ở nhà hát Bataclan |
Họa vô đơn chí
Trước khi xảy ra vụ tấn công, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin dự báo kinh tế Pháp đã “bước sang thời kỳ mới” khi bước ra khỏi giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài, với GDP tăng 0,3% trong quý III/2015. Tuy nhiên, hiện nhiều chuyên gia và giới kinh doanh lo ngại rằng nền kinh tế phục hồi còn mong manh của Pháp sẽ gặp thêm khó khăn sau loạt vụ tấn công vừa xảy ra.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi đầu năm đã khuyến cáo rằng để góp phần giảm nợ công (hiện ở mức tương đương gần 100% GDP) và tạo cơ hội cho việc giảm thuế sau năm 2020, Pháp cần phải "đóng băng" chi tiêu công. Nhưng chi tiêu chính phủ dự kiến sẽ tăng 1,6% trong năm 2015 và dự báo sẽ tăng 1,2% trong năm 2016.
Thất nghiệp hiện là điểm yếu rõ rệt nhất đối với nhiệm kỳ Tổng thống của ông Hollande. Khi ông lên nắm quyền, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 9,8% và ông cam kết sẽ không tái tranh cử 2017 nếu không đảo ngược được xu thế thất nghiệp gia tăng này. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo thất nghiệp tại Pháp sẽ tăng lên 10,4% trong năm 2015 và sẽ duy trì ở mức này trong năm 2016, mà chỉ giảm nhẹ xuống 10,2% vào cuối năm 2017.
Các vụ tấn công mới đây có thể là một động lực để tư duy lại về mô hình kinh tế của Pháp vốn chỉ bảo vệ "những người trong cuộc để rồi những người ngoài cuộc” phải trả giá. Với những người ngoài cuộc, chi tiêu công đã không thể đưa tới một sự gắn kết xã hội cần thiết.
Tuy nhiên, các vụ tấn công khủng bố có thể sẽ mang đến một phản ứng ngược, đó là việc gia tăng sự ủng hộ cho đảng Mặt trận Quốc gia (NF) với quan điểm phản đối EU và ủng hộ việc bảo hộ kinh tế xã hội trong nước lớn hơn.
Tổng thống Hollande cũng đã nói rõ rằng Pháp nhiều khả năng sẽ không đạt được các mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách bởi chi tiêu an ninh và quốc phòng tăng. Điều này có thể mang lại một cú hích cho kinh tế Pháp trong ngắn hạn, nhưng lại khiến sản xuất có thể sụt giảm và trì hoãn việc cắt giảm thuế.
Đồng thời, điều đó cũng gây ra rủi ro là hủy hoại niềm tin vào các nguyên tắc tài khóa của Liên minh châu Âu, bởi với những gì vừa diễn ra, sẽ không ai phản đối Pháp gia tăng chi tiêu.
Du lịch và chi tiêu tiêu dùng dự kiến sẽ bị ảnh hưởng tệ hại nhất từ thảm họa 13/11. Paris là điểm đến du lịch hàng đầu trên thế giới, và đã đón gần 84 triệu lượt khách trong năm ngoái.
Nhà nghiên cứu Agnès Benassy-Queré của Trường Kinh tế Paris cho rằng các vụ tấn công ngày 13/11 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các khách sạn và nhà hàng tại Paris, nhưng tỏ ra lạc quan hơn khi nói Pháp còn nhiều điểm du lịch khác ngoài Paris, và những tác động kể trên chỉ kéo dài trong vài tuần.
Khả năng chống chọi
Dù trước mắt khó khăn vẫn chồng chất, nhưng sau hai tuần kể từ khi xảy ra vụ khủng bố tại Paris, theo đánh giá của một số chuyên gia nghiên cứu, các sự vụ này đã gây ra những hậu quả rất rõ ràng đối với một vài lĩnh vực trong ngắn hạn, nhưng ảnh hưởng sẽ chỉ tương đối hạn chế về dài hạn.
Nếu nhìn vào những sự kiện tương tự trước đây, như vụ tấn công ngày 11/9/2001 tại New York hay khủng bố tại nhà ga Atocha ngày 11/3/2004, có thể thấy bức tranh sau đó không quá ảm đạm, do vậy ảnh hưởng dài hạn của vụ khủng bố vừa qua đối với nền kinh tế Pháp sẽ không đến mức tồi tệ.
Chuyên gia kinh tế Philippe Waechter của Quỹ Đầu tư Natixis Asset Management lý giải nguyên nhân “vụ khủng bố 11/9 đã không đẩy lùi được tăng trưởng kinh tế vì người Mỹ đã đoàn kết lại”. Ông cũng hy vọng điều đó sẽ diễn ra ở Pháp.
Ông Denis Ferrand, Giám đốc phụ trách nghiên cứu bối cảnh kinh tế thuộc Viện COE-Rexecode đánh giá: “Tình hình kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng mạnh hơn” khủng bố. Giới đầu tư đặt cược vào khả năng kinh tế Pháp sẽ chống chọi tốt với thảm kịch vừa xảy ra, mặc dù họ hơi bi quan với một số lĩnh vực gắn với du lịch, như hàng xa xỉ hay vận tải.
Theo Cơ quan du lịch Paris, trong tuần sau khi các vụ tấn công khủng bố đẫm máu diễn ra, tỷ lệ sử dụng phòng bình quân của các khách sạn tại thành phố này đã giảm 24 điểm phần trăm tính theo ngày. Tuy nhiên, mức sụt giảm đã dịu xuống còn 16 điểm phần trăm vào ngày 22 và 23/11.
Trong khi lượng khách hủy đặt các chuyến bay tới Paris hiện cũng đã về mức thông thường trong tuần vừa qua. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron nhận định hiện còn quá sớm để đánh giá những ảnh hưởng của các vụ tấn công đối với ngành du lịch, nhưng thực tế cho thấy lĩnh vực này đang từng bước phục hồi.
Sức hấp dẫn của nước Pháp với giới đầu tư nước ngoài cũng ít có khả năng suy giảm. Bà Muriel Pénicaud, Tổng Giám đốc Business France - cơ quan thuộc chính phủ có chức năng quảng bá hình ảnh nước Pháp ra bên ngoài, nhận định: “Đầu tư vào một nước luôn là một quyết định có tính chất dài hạn, liên quan đến chiến lược của doanh nghiệp”.
Pháp không phải là nước duy nhất phải đối mặt với nguy cơ khủng bố, mà nguy cơ đó còn hiện diện ở rất nhiều quốc gia châu Âu khác. Doanh nghiệp sẽ cân nhắc đầu tư vào một nước dựa trên đánh giá về thị trường, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực - những tiêu chí mà Pháp luôn được xếp hàng đầu thế giới.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
