Nông dân thiệt hại đủ đường
Chưa năm nào khu vực miền Trung và Tây Nguyên chịu sự tàn phá khốc liệt của thiên tai như những tháng cuối năm 2020. Người dân nhiều tỉnh, thành từ Khánh Hòa đến Nghệ An oằn mình chịu sự tác động của nhiều cơn bão gây bão lũ, sạt lở đất. Cùng thời điểm này, khu vực Tây Nguyên, nhất là Kon Tum, Gia Lai bị ảnh hưởng, mưa lớn và ngập lụt tại nhiều địa phương gây thiệt hại đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều nông hộ.
Đơn cử, tại Kon Tum, nhiều nông hộ chấp nhận thu hoạch sớm cà phê để tránh bị mất trắng. Mặc dù cà phê chưa đạt tỷ lệ quả chín, thế nhưng nhiều gia đình phải huy động nhân công thu hái cà phê để chạy lũ.
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo nhiều người dân trồng cà phê tại huyện Đăk Hà (Kon Tum), những ngày qua, do ảnh hưởng mưa bão, mực nước tại các sông dâng cao làm nhiều diện tích cà phê của các nông hộ bị ngập úng cục bộ và bắt đầu xuất hiện tình trạng trái rụng. Việc thu hái sớm, sẽ không đạt sản lượng, chất lượng cà phê nhân nhưng nhiều người dân trồng cà phê ở địa phương này vẫn phải thu hoạch để phòng việc mất trắng nếu tình trạng mưa bão tiếp tục kéo dài và mực nước tại các sông lại dâng cao như những ngày mưa lũ vừa qua.
Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng mưa bão liên tục, không riêng nông hộ có diện tích nằm trên lưu vực các sông suối lớn, hộ có diện tích trồng cà phê ở những khu vực cao hơn cũng tổ chức hái sớm. Người dân đều có chung tâm lý, sợ mưa bão ảnh hưởng, ngã đỗ, rụng trái gây thiệt hại. Theo các nông hộ, mặc dù vẫn biết việc thu hái cà phê có tỷ lệ trái chín chưa cao dẫn đến giảm năng suất và chất lượng. Thế nhưng do diễn biến thời tiết năm nay quá phức tạp, người nông dân không lường hết được nhưng rủi ro đang rập rình nên đành chọn giải pháp thu hoạch sớm. Việc thu hái kịp thời để giảm thiểu rủi ro, hơn là bị mưa gây trái rụng hàng loạt, rồi mưa lũ cuốn trôi, mất cả vốn lẫn công một năm đầu tư chăm sóc…
Bên cạnh người nông dân lo lắng vì thiên tai, bão lũ liên tiếp, những ngày qua, hơn 60 hộ dân ở huyện Đăk Tô và thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) xót xa vì nhiều diện tích cao su, hồ tiêu, cà phê… bị nước dâng cao, làm hư hại do thủy điện Plei Kần lại tích nước.
Mực nước dâng cao khiến hàng chục hecta cao su, hồ tiêu và cà phê của các nông hộ bị ngập. Các hộ dân cho biết, cao su đến vụ mùa thu hoạch, người dân lấy mủ rồi chất đống, để thối dưới gốc cây. Còn cà phê chín đỏ rực đến thối trên cành mà không hái được vì đường vận chuyển nông sản không có. Thủy điện tích nước làm ngập con đường độc đáo dẫn vào rẫy cà phê, người nông dân chỉ biết nhìn nông sản hư hại, một phần thì trôi theo nước lũ.
Gần vùng lòng hồ thủy điện Plei Kần, mặc dù thời tiết hanh nắng nhưng nước lênh láng và bùn non tràn vào nhà dân. Từ thôn làng đến nương rẫy như vừa bị trận lũ lớn quét qua. Kể từ khi thủy điện Plei Kần được xây dựng và đi vào vận hành thử nghiệm, người dân gánh chịu nhiều thiệt hại. Bức xúc người dân địa phương đã kiến nghị lên chính quyền địa phương nhờ can thiệp.
Theo các hộ dân ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, nhiều tháng nay, kể từ khi nhà máy đi vào vận hành thử nghiệm, có khi người dân nửa đêm phải dọn đồ đạc đi chạy lũ. Nhiều rẫy cà phê, tiêu của nông dân bị mất trắng, vì bị nước ngập...
Việc thủy điện tự ý tích nước trái phép, ngày 5/11/2020, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu sở, ngành chức năng vào cuộc kiểm tra. Trong đó, có việc đưa các hạng mục công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về an toàn tính mạng và tài sản của người dân do việc tích nước trái phép gây ra.
Ngày 20/11/2020, UBND tỉnh Kon Tum ra văn bản yêu cầu đánh giá toàn diện việc đầu tư thủy điện Plei Kần. Giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Ngọc Hồi, huyện Đăk Tô cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn diện quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đầu tư. Nhất là cao trình mực nước dâng tối đa cho phép, diện tích đất ảnh hưởng của dự án, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng so với toàn bộ phần diện tích ảnh hưởng của dự án, đánh giá tác động về môi trường dự án. Nếu phát hiện có sai phạm thì báo cáo kịp thời để có hướng xử lý. Tỉnh Kon Tum yêu cầu chủ đầu tư sớm bồi thường thiệt hại cho người dân, nếu không sẽ báo cáo lên Bộ Công thương yêu cầu không cấp giấy phép hoạt động điện lực...
Tin liên quan
Tin khác

Kon Tum đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng

Tiên phong trong nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách

Hà Nội tăng tốc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp
