Nợ toàn cầu giảm nhanh, nhưng chưa bền vững
Nợ toàn cầu giảm nhanh
Trong một blog được phát hành cùng với Báo cáo Giám sát nợ toàn cầu, IMF cho biết tổng nợ công và nợ tư nhân đã giảm 10 điểm phần trăm xuống còn 247% GDP toàn cầu vào năm 2021 từ mức cao kỷ lục là 257% GDP vào năm 2020; song vẫn cao hơn khá nhiều so với mức 195% GDP năm 2007, là năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong đó nợ tư nhân, bao gồm nợ của các doanh nghiệp phi tài chính và hộ gia đình, giảm 6 điểm phần trăm xuống 153% GDP vào năm 2021, IMF trích dẫn dữ liệu của 190 quốc gia cho biết. Nợ công cũng giảm 4 điểm phần trăm xuống còn 96% GDP, mức giảm lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Đáng chú ý nợ toàn cầu bằng đồng đôla vẫn tiếp tục tăng dù với tốc độ chậm hơn nhiều, đạt mức kỷ lục 235 nghìn tỷ USD vào năm ngoái. Bên cạnh đó mặc dù tỷ lệ nợ/GDP dự kiến sẽ giảm hơn nữa ở hầu hết các quốc gia vào năm 2022 do tăng trưởng phục hồi khi đại dịch Covid-19 được cơ bản kiểm soát. Tuy nhiên rủi ro nợ toàn cầu sẽ tăng trở lại vào năm 2023 là khá lớn khi mà nhiều nền kinh tế được dự báo sẽ giảm tốc mạnh, thậm chí có thể rơi vào suy thoái, trong khi chi phí trả nợ tăng cao.
Theo IMF, có 3 động lực chính dẫn tới sự biến động lớn bất thường này của cả nợ tư nhân và nợ công toàn cầu. Thứ nhất là do biến động lớn trong tăng trưởng kinh tế. “Khi các nền kinh tế vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, GDP phục hồi mạnh mẽ đã giúp giảm tỷ lệ nợ vào năm 2021”, IMF cho biết.
Thứ hai là do lạm phát cao và biến động hơn. Theo đó lạm phát đã giảm khá mạnh trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch. Tuy nhiên xu hướng này đã bị đảo ngược trong năm 2021. Trong khi các năm 2020 và 2021, hoạt động kinh tế và lạm phát biến động cùng chiều nên đã gây ra những thay đổi lớn về GSP danh nghĩa, qua đó góp phần làm thay đổi tỷ lệ nợ.
Thứ ba là do ảnh hưởng của các cú sốc kinh tế đối với ngân sách của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình. Theo đó nợ và thâm hụt tăng đáng kể vào năm 2020 do suy thoái kinh tế và sự hỗ trợ lớn dành cho các cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên năm 2021, thâm hụt tài khóa đã giảm, dù vẫn ở trên mức trước đại dịch.
Khuyến nghị chính sách
Đáng chú ý theo IMF, động lực nợ rất khác nhau giữa các nhóm quốc gia. Trong khi các nền kinh tế tiên tiến chứng kiến mức giảm nợ lớn nhất, với cả nợ công và nợ tư nhân giảm 5% GDP vào năm ngoái, tiếp theo là kết quả tương tự ở các thị trường mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc. Nhưng các quốc gia có thu nhập thấp chứng kiến tổng tỷ lệ nợ của họ tiếp tục tăng vào năm 2021, do nợ tư nhân cao hơn với tổng nợ lên tới 88% GDP.
Paulo Medas - người giám sát Báo cáo Giám sát tài chính của IMF cho biết, mức nợ ở các nước có thu nhập thấp hiện đang ở mức cao nhất kể từ khi xóa nợ vào những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng trả nợ của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình với ước tính khoảng 25% các quốc gia có thị trường mới nổi và hơn 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang hoặc sắp lâm vào cảnh túng quẫn vì nợ nần.
Trong một blog phát hành hôm 12/12, Vitor Gaspar - Giám đốc phụ trách các vấn đề tài chính của IMF, Paulo Medas và nhà kinh tế cấp cao Roberto Perrelli đã cảnh báo, sẽ ngày càng khó quản lý mức nợ cao nếu triển vọng tiếp tục xấu đi và chi phí đi vay tăng cao hơn nữa.
Theo đó mặc dù mức lạm phát cao tiếp tục giúp giảm tỷ lệ nợ vào năm 2022, đặc biệt khi thâm hụt ngân sách đang quay trở lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên sự phục hồi tăng trưởng tạm thời không thể kéo dài và chi tiêu tài khóa có thể sẽ tăng lên nếu lạm phát cao trở nên dai dẳng, điều này có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư sẽ yêu cầu mức bù lạm phát cao hơn để cho các chính phủ và khu vực tư nhân vay.
Theo các nhà kinh tế này, triển vọng tăng trưởng yếu hơn và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đòi hỏi sự thận trọng trong việc quản lý nợ và thực thi chính sách tài khóa. Từ đó họ khuyến nghị các chính phủ nên theo đuổi các chính sách tài khóa giúp giảm áp lực lạm phát hiện tại và các khoản nợ dễ bị tổn thương trong dài hạn, đồng thời tiếp tục hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất.
“Trong thời kỳ bất ổn và hỗn loạn, niềm tin vào sự ổn định lâu dài là tài sản quý giá”, các chuyên gia này cho biết.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
