Ninh Thuận: Vốn ngân hàng góp phần phục hồi kinh tế
Tiếp sức cho kinh tế địa phương
Trong bối cảnh khó khăn chung của xã hội, thời gian vừa qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã nỗ lực hỗ trợ sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, thời gian qua ngành Ngân hàng Ninh Thuận đã bám sát các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của NHNN và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tập trung chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ phù hợp; phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, góp phần phục hồi, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
![]() |
Mô hình trồng măng tây ở huyện Ninh Phước do Agribank Ninh Thuận hỗ trợ vốn. |
Cụ thể, trong năm qua NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện việc tăng trưởng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo…
Đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19, một trong những hoạt động nổi bật của ngành Ngân hàng trong thời gian qua. Theo đó, các TCTD ở Ninh Thuận cũng đã tập trung cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, giảm áp lực cho khách hàng trong trả nợ vay, tạo điều kiện ổn định sản xuất, kinh doanh. Các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 443 khách hàng với tổng giá trị nợ (bao gồm cả dư nợ gốc và lãi) đã được cơ cấu lại là 551 tỷ đồng. Trong đó, khách hàng doanh nghiệp là 423 tỷ đồng/58 khách hàng. Miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay với tổng giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi lũy kế đạt 56 tỷ đồng với 110 khách hàng. Đồng thời, cho vay mới với doanh số đạt 24.287 tỷ đồng… Bên cạnh đó, NHNN tỉnh còn chỉ đạo các NHTM trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, xác định đối tượng doanh nghiệp đang gặp khó. Từ đó, có biện pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý. Đến 31/12/2022, trên địa bàn có 1.370 doanh nghiệp quan hệ tín dụng với các NHTM, với dư nợ cho vay đạt 11.953 tỷ đồng, chiếm 35,1% dư nợ cho vay của các TCTD...
Nâng cao chất lượng tín dụng
Trong khi đó, thực hiện chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất tại Ngân hàng Chính sách xã hội, theo ông Lê Minh Lộc - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội Ninh Thuận, trên địa bàn hiện có 2.351 doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động liên hệ với đơn vị sử dụng lao động để nắm bắt thông tin, tiếp cận, tư vấn, phổ biến chính sách, hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ vay vốn để cho vay khi có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh. Đến cuối năm 2022, chi nhánh đã giải ngân cho vay 7 khách hàng sử dụng lao động với 1.816 lao động, số tổng số tiền cho vay đã giải ngân là 16,51 tỷ đồng...
Bước sang năm 2023, hoạt động tín dụng trên địa bàn Ninh Thuận tiếp tục được duy trì và có bước tăng trưởng, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế địa phương. Trong đó, để người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo nhu cầu để mở rộng sản xuất, kinh doanh, các TCTD đã tổ chức hội nghị khách hàng để truyền thông các chính sách tín dụng của NHNN trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN Việt Nam về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh...
Để nâng cao chất lượng tín dụng, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện nghiêm quy định về lãi suất huy động vốn và giảm dần lãi suất cho vay theo quy định. Tính đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống huy động vốn đạt 20.500 tỷ đồng, tăng 142,3 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư đạt 14.100 tỷ đồng, chiếm 68,78% trong tổng nguồn vốn huy động. Trong khi đó, tổng dư nợ cho vay đạt 37.200 tỷ đồng, tăng 68,4 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Điểm đáng ghi nhận, số nợ xấu chỉ còn 225 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,6% tổng dư nợ.
Với nhiều nỗ lực, trong đó có sự góp sức từ ngành Ngân hàng, dù còn nhiều khó khăn, song năm 2022 Ninh Thuận vẫn là địa phương có mức tăng trưởng dương. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 23.486 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 7,42%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 3.494 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch. Trong đó, kinh tế biển trở thành động lực phát triển, tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP lên đến 40,71%. Ngành du lịch phục hồi tích cực, số lượng khách du lịch đến Ninh Thuận cao nhất từ trước đến nay với 2,4 triệu lượt khách, vượt 26,3% kế hoạch. Địa phương cũng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng số hơn 8.261 tỷ đồng… Đây là những tín hiệu phục hồi đáng mừng sau đại dịch Covid-19, đối với một tỉnh có điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng không thuận lợi như Ninh Thuận - vùng đất được đánh giá là “nắng như rang, gió như phang”.
Năm 2023, ngành Ngân hàng Ninh Thuận tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tiền tệ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng cũng như các sản phẩm dịch vụ tài chính... Phấn đấu huy động vốn tăng tối thiểu 12%. Đầu tư tín dụng tăng 10 đến 12% so với năm 2022, với lãi suất hợp lý và cơ cấu tín dụng tập trung phục vụ sản xuất kinh doanh…
Để đạt mục tiêu trên, cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hệ thống ngân hàng trên địa bàn sẽ tích cực triển khai các giải pháp huy động vốn tại chỗ trên cơ sở chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất của NHNN, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cho phát triển kinh tế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với định hướng của ngành và nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
