Nhu cầu nhân lực công nghệ số tăng cao
Trong năm qua, lượng nhân sự của Tập đoàn FPT tăng 22,8% so với năm trước, lên mức gần 50.000 người. Sự tăng trưởng này tỷ lệ thuận với tình hình kinh doanh, khi lợi nhuận, doanh thu của khối công nghệ và viễn thông tiếp tục tăng trưởng hai chữ số, giúp FPT vượt kế hoạch lợi nhuận năm đề ra. Chính vì thế, FPT luôn chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp là ngành công nghệ thông tin, bất chấp những khó khăn và biến động do đại dịch Covid-19 gây nên trong thời gian qua.
Ông Chu Quang Huy, Giám đốc Nhân sự FPT cho biết, độ tuổi trung bình hiện tại doanh nghiệp chủ yếu là lực lượng trẻ, khoảng 22% cán bộ nhân viên FPT thuộc Gen Z (thế hệ sinh từ năm 1995-1996 trở về sau). Hiện, không riêng gì FPT, mà nhiều công ty trong và ngoài nước đang có nhu cầu tìm kiếm, tuyển dụng các tài năng trẻ ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật số… vô cùng lớn.
![]() |
Lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) cũng là ngành sôi động trên thị trường tuyển dụng |
Theo Navigos Group - Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam, các vị trí công nghệ thông tin (IT) và bán hàng (sales) đang được những doanh nghiệp tài chính, ngân hàng tuyển dụng với số lượng lớn. Cụ thể, từ cuối quý IV/2021 khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, bắt đầu xuất hiện các dự án tuyển dụng số lượng lớn cho các vị trí IT trong các công ty tư vấn dịch vụ tài chính và sales từ các công ty bảo hiểm, ngân hàng để phục vụ cho việc mở rộng và phát triển kinh doanh năm 2022. Đây cũng là tín hiệu dự báo trong năm nay cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao với quy mô lớn trong mảng tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao. Một số ngân hàng và công ty chứng khoán cũng đang tìm kiếm nhân sự cấp cao cho các vị trí chủ chốt để dẫn dắt chiến lược kinh doanh mới.
Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) cũng là ngành sôi động trên thị trường tuyển dụng. Thực tế, thời gian qua, ICT là ngành không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh nên vẫn sôi động khi các doanh nghiệp tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao. Bắt đầu từ quý IV/2021, các doanh nghiệp có nhiều nhu cầu tuyển dụng nhân sự giỏi trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Chuỗi khối (Blockchain). Tuy nhiên, nguồn cung nhân sự cho các mảng này lại chưa có nhiều nên dẫn đến sự cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Riêng đối với ngành Ngân hàng, nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến công nghệ, dữ liệu và tư vấn cho các sản phẩm cao cấp của ngân hàng tiếp tục “nóng”, trong bối cảnh ngành đang tích cực chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, các ngân hàng, kể cả quy mô nhỏ đến trung bình cũng không thể nằm ngoài “cuộc đua” công nghệ số vì dừng lại có nghĩa sẽ bị tụt hậu. Một phần do các ngân hàng cần phải tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, một phần là do tác động của đại dịch Covid khiến ngân hàng phải đẩy nhanh quá trình thay đổi. Cũng chính vì các ngân hàng tập trung vào đẩy mạnh chuyển đổi số, tự động hóa nên dẫn đến việc tăng nhu cầu tuyển dụng về các vị trí liên quan đến công nghệ thông tin, dữ liệu, kiến trúc giải pháp… Những vị trí này đặc biệt tập trung vào nguồn nhân sự chất lượng cao. Hiện nguồn cung nhân sự chất lượng cao không đủ cầu.
Một số chuyên gia nhân sự nhận định, sức ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã và sẽ tác động mạnh mẽ đến xu hướng ngành nhân sự trong những năm tiếp theo. Cùng với làn sóng CMCN 4.0, sự thay đổi nhân sự là điều tất yếu trong nền kinh tế số. Điều này cũng hoàn toàn đúng với dự báo nhân sự của các nhà nghiên cứu tại Stanford, lực lượng lao động 2025 sẽ biến đổi một cách đáng kể để phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, với 60% nhân sự toàn cầu sẽ được chuyển dịch đến môi trường tự động hóa để làm việc và cống hiến trong một nền kinh tế số.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
