NHTW Anh sẽ tăng lãi suất nhanh hơn nếu Brexit thuận lợi
![]() | Brexit hoãn đến cuối tháng 10/2019 |
![]() | NHTW Anh giữ nguyên lãi suất do lo ngại Brexit |
![]() |
Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England – BoE) |
Lãi suất có thể tăng nhanh
Cuộc họp chính sách tháng 5 của BoE đã kết thúc hôm thứ Năm tuần trước (2/5) với việc Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) bao gồm 9 thành viên do Thống đốc Mark Carney dẫn đầu đã bỏ phiếu nhất trí giữ nguyên lãi suất ở mức 0,75%.
Đây là cuộc họp đầu tiên của MPC kể từ khi Thủ tướng Anh Theresa May và các nhà lãnh đạo EU đồng ý gia hạn thời điểm Brexit cho đến tháng 10.
Cũng tại cuộc họp này, BoE đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Anh trong năm 2019 lên 1,5% thay vì mức 1,2% như dự báo trước đó. Nguyên nhân do tăng trưởng GDP quý I/2019 được dự kiến sẽ phục hồi lên 0,5% từ mức 0,2% của quý IV/2018, mạnh hơn so với dự báo được đưa ra hồi tháng 2. BoE cũng viện dẫn việc tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng tại Mỹ, EU và Trung Quốc như là lý do dẫn tới sự lạc quan của mình. Tuy nhiên BoE đã hạ dự báo lạm phát trong ngắn hạn.
“Có những tín hiệu lẫn lộn từ các chỉ số về áp lực lạm phát trong nước”, biên bản cuộc họp cho biết. Đồng thời, “việc thắt chặt chính sách tiền tệ liên tục trong giai đoạn dự báo, với tốc độ dần dần và ở một mức độ hạn chế, sẽ phù hợp”.
Quyết định của BoE được đưa ra chỉ một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay qua đêm chuẩn trong mục tiêu từ 2,25% đến 2,5% với lý do áp lực lạm phát yếu.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức sau đó, Thống đốc BoE Mark Carney cho biết, lãi suất có thể phải tăng nhanh hơn so với dự kiến hiện nay của thị trường nếu tiến trình Brexit diễn ra suôn sẻ.
Giai điệu có phần mạnh mẽ này của BoE là rất khác biệt với nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Fed cho biết động thái tiếp theo sau quyết định giữ nguyên lãi suất hôm thứ Tư có thể là tăng hoặc cắt giảm. Trong khi ECB tuyên bố sẽ cung cấp các khoản vay mới để hỗ trợ các ngân hàng. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tháng trước cũng một lần nữa nhắc lại cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục để thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát.
Tuy nhiên theo Carney, chính những thay đổi đó đã giúp nới lỏng điều kiện tài chính toàn cầu, trong khi có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại đã giảm bớt phần nào, các nền kinh tế lớn cũng có dấu hiệu ổn định hơn. Tất cả những yếu tố đó là tích cực đối với Anh. “Nếu diễn biến (kinh tế) thế giới phù hợp với dự báo này, sẽ cần phải rút lại các biện pháp kích thích tiền tệ nhanh hơn so với hiện tại - tuy nhiên đó không phải là yêu cầu trong cuộc họp này”, ông nói.
Lạc quan quá mức?
Fabrice Montagne và Saletala Kochugovindan - các nhà kinh tế cấp cao của Barclays cho biết trong một lưu ý với các nhà đầu tư rằng, giai điệu chung trong biên bản cuộc họp của MPC là khá mạnh mẽ vì nó được hỗ trợ bởi dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế.
Tuy nhiên Barclays vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất sẽ không thay đổi trong năm 2019 và 2020. Định chế này cho rằng, việc BoE nâng kỳ vọng tăng nhanh lãi suất “dựa trên dự báo của mình về tăng trưởng trong 2-3 năm tới đã được lịch sử chứng minh là lạc quan quá mức”.
“Không giống như BoE, chúng tôi thấy không có lý do gì nền kinh tế sẽ đột ngột phục hồi vào năm 2021 và cũng không nhất trí với dự báo của BoE là sẽ dư cầu ở thời điểm đó”, các chuyên gia của Barclays cho biết.
Do đó, Barclays dự báo rằng triển vọng tăng trưởng và lạm phát là “yếu hơn và cho thấy rất ít động lực, dù tăng hay giảm, phản ánh sự trì trệ trong hoạt động kinh doanh xuất phát từ Brexit.
Trong khi đó, Markus Kuger - chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Công ty phân tích và dữ liệu Dun & Bradstreet đã điều chỉnh xếp hạng của Anh thành “ổn định” từ mức “xấu đi” sau khi thông báo của BoE phát đi.
“Mặc dù tăng trưởng GDP thực tế đã bị ảnh hưởng kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, việc làm đã tăng gần 180.000 trong 3 tháng tính đến tháng 2/2019 theo số liệu mới nhất của ONS (Cục Thống kê quốc gia)”, ông nói. “Số lượng việc làm tổng thể đang ở mức kỷ lục 32,7 triệu người và chúng tôi có mức thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử”.
Kuger cho rằng, với việc nền kinh tế được dự kiến sẽ vượt trên kỳ vọng và tiền lương vượt trội so với lạm phát, “có rất nhiều suy đoán rằng ngân hàng (BoE) có thể tìm cách tăng lãi suất”.
Tuy nhiên các chuyên gia đều thống nhất cho rằng rủi ro lớn nhất với Anh hiện nay là tiến trình Brexit. Hiện các cuộc thương thảo giữa chính phủ Anh với đảng Lao động đối lập đang được gấp rút tiến hành nhằm đưa ra một đề xuất thỏa thuận mới, cho thấy kịch bản về một Brexit không thỏa thuận mà nhiều người lo sợ ngày càng khó xảy ra.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
