Nhóm ngành phân bón có tăng trưởng bền vững?
Thị trường chứng khoán đang trong xu hướng phòng thủ do nhà đầu tư lo ngại những yếu tố bất định như diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và những rủi ro từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng một số nhóm cổ phiếu vẫn tăng, trong đó có thể kể đến nhóm cổ phiếu ngành phân bón.
Tuy nhiên trong mấy tuần qua cổ phiếu ngành phân bón liên tục biến động nên rất khó đoán được xu hướng của nó. Chẳng hạn, phiên ngày 8/3 cổ phiếu DCM giảm 2,1%, nhưng sang ngày hôm sau tăng 5,57%; cổ phiếu DPM cùng thời gian này cũng giảm 3,9% sau đó tăng lên 5,32%. Trước đó sự bất thường của cổ phiếu ngành phân bón còn diễn ra trong tháng đầu năm nay khi đồng loạt giảm, trong khi kết thúc năm 2021 hiệu quả kinh doanh toàn ngành rất tích cực do giá phân bón tăng trong năm qua.
Theo các công ty chứng khoán, cổ phiếu phân bón tăng giá gần đây do thông tin từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Theo đó Nga dự kiến cấm xuất khẩu Ammoium nitrate - một nguyên liệu làm ra phân đạm đến hết tháng 3/2022. Trước đó cuối năm 2021, Trung Quốc và Nga - hai trong số ba quốc gia xuất khẩu phân bón nhiều nhất thế giới, ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu phân bón để ổn định nguồn cung trong nước và kiểm soát lạm phát. Thị trường dự báo quyết định này có thể kéo dài đến hết quý II/2022. Động thái trên của hai quốc gia tác động mạnh đến thị trường phân bón toàn cầu và giá phân bón được dự báo sẽ tiếp tục đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2022.
Tại các cửa hàng bán lẻ phân bón trong nước từ đầu năm đến nay, giá phân bón đã tăng gấp 2-3 lần tùy loại. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho biết, nhu cầu sử dụng phân bón năm nay có thể không lớn do hoạt động sản xuất cây trồng mới đang từng bước phục hồi trong giai đoạn hậu giãn cách xã hội.
Theo một chuyên gia nông nghiệp, mỗi loại cây trồng nhu cầu phân bón khác nhau, nhưng thông thường chi phí dành cho phân bón chiếm khoảng 25% tổng chi phí của một doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Thậm chí đối với những nhà sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải sử dụng các loại phân bón có giá thành cao hơn, chi phí này chiếm khoảng 35% tổng chi phí hoạt động. Tuy nhiên vị chuyên gia này cho rằng đối với doanh nghiệp trồng cây ăn trái, lấy hạt hoặc thu hoạch rau màu thì chi phí nhân công mới chiếm tỷ trọng lớn, chứ không phải chi phí phân bón.
Về phía doanh nghiệp sản xuất phân bón, vừa phải chịu tác động việc thiếu hụt nguyên liệu thô, lại phải đa dạng hóa thị trường đầu ra mới đảm bảo được hiệu quả sản xuất kinh doanh trong năm 2022. Mặc dù Mordor Intelligence dự báo, ngành phân bón trong nước sẽ tăng trưởng khoảng 4,9% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2026. Thị trường xuất khẩu cũng đang có cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước khi Hàn Quốc và Nam Phi đang tìm kiếm những nhà cung ứng mới, nhất là khi Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo nhu cầu trong nước. Tháng 11 năm ngoái Hàn Quốc đã nhập khẩu 10.000 tấn Ure của Việt Nam, dự báo nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của họ sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Dựa vào dữ liệu thị giá cổ phiếu ngành phân bón bốn quý trước, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam đưa ra dự báo, năm 2022 nhóm cổ phiếu phân bón giao dịch với mức P/E (thị giá cổ phiếu trên thu nhập) là 8.8 và P/B (thị giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) khoảng 1.4, nhỏ hơn hệ số P/E trung bình 2 năm là 9.0. Theo KIS, mặc dù mức định giá này có thể chưa hấp dẫn, nhưng lợi ích trong ngắn hạn đến từ sự tăng giá và mất cân đối cung cầu sẽ trở thành điểm sáng cho giá một số cổ phiếu ngành phân bón trong những ngày qua mà nhiều nhà đầu tư không thể bỏ qua.
Song theo KIS, những rủi ro tiềm ẩn của nhóm cổ phiếu ngành phân bón là yếu tố năng suất của các nhà máy phân bón còn hạn chế và chính sách giá cần phải hết sức cân nhắc do phân bón trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn đang là mặt hàng được Chính phủ bình ổn giá.
Thực tế không riêng cổ phiếu ngành phân bón, một số cổ phiếu hàng hóa liên quan đến nguyên liệu đầu vào sản xuất từ hai nước đang xảy ra xung đột như thép, dầu khí cũng đang nằm trong xu hướng tăng. Tuy nhiên, chuyên gia Hồ Quốc Tuấn cho rằng, quan trọng hơn là vẫn phải lắng nghe tiếng nói từ thị trường khi quyết định đầu tư.
Tin liên quan
Tin khác

Chứng khoán toàn cầu hứng khởi vì ông Trump miễn thuế với smartphone

Chứng khoán Mỹ lại “đỏ lửa” vì căng thẳng thương mại

ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 9,5% trong năm 2025

Cổ phiếu toàn cầu phục hồi, nhưng rủi ro thuế quan vẫn còn lớn

Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh sau quyết định hoãn thuế quan 90 ngày của ông Trump

Chứng khoán Mỹ lao dốc phiên thứ 4 liên tiếp vì nỗi lo thuế quan

Sacombank có thể không chia cổ tức trong năm nay

Cổ phiếu châu Á phục hồi, dẫn đầu là Nhật Bản, nhờ lạc quan về thương mại

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc trong phiên đầu tuần do nỗi lo suy thoái, lạm phát
