Nhớ về lính đảo
Cột cờ chủ quyền
Tháng 8/2014, tỉnh đoàn Bình Định nhận trách nhiệm xây dựng cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên đảo Nhơn Châu. Đại đội Đ30 được vinh dự phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng và tuổi trẻ trên đảo làm công trình ý nghĩa này.
Khó khăn nhất là khâu vận chuyển nguyên vật liệu. Nếu như một số đảo khác, xe chở vật liệu có thể đưa thẳng đến nơi thì ở Nhơn Châu, phải dùng sức người vác từng bao vật liệu qua chặng đường dốc cao hàng trăm mét. Ngay từ nhát cuốc đầu tiên san mặt bằng cho lễ khởi công đến khi công trình hoàn thành, không mấy khi vắng màu áo chiến sĩ ở bến cảng và chân núi.
![]() |
Cột cờ Tổ quốc ở đảo Nhơn Châu |
Những ngày đầu làm việc, vác từ 10 đến 15 chuyến trong cái nắng hầm hập, đường núi gồ ghề, chân và vai phồng rộp, nhưng cán bộ và chiến sĩ đều động viên nhau vượt qua. Quen dần, không thấy quá sức nữa. Lúc đầu phải hai người khiêng một bao xi măng 50kg, nhưng ít ngày sau, mỗi người đã có thể vác một bao. Mấy tháng ròng như thế.
Khó nhất là đưa 12 tấm đá gra-nít to hơn hai sải tay lên để ốp vào chân cột cờ. Đơn vị huy động 10 anh em cùng khiêng. Đường dốc, đá nặng, chỉ cần sơ sểnh là vỡ ngay, nhưng rồi tất cả đều tốt đẹp. Nhớ đêm cuối cùng chuẩn bị khánh thành cột cờ, mọi người dầm mưa làm đến 8 giờ tối.
Ngày 31/10/2014, bốn anh em trong đại đội vinh dự thượng cờ với sự chứng kiến của hàng trăm người dân trên đảo. Cột cờ cao 22,66m, lá cờ rộng 24m2, gió thổi rất mạnh, anh em phải gồng hết sức. Nhìn lá cờ kéo lên tung bay trong nắng, phía dưới là biển xanh và xóm làng bình yên, những người lính đảo càng thấy Tổ quốc sao mà thiêng liêng, gần gũi...
Biển đảo là nhà
Những ngày biển Đông dậy sóng, tôi thêm yêu và nhớ về những người lính trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Từ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đến Lý Sơn (Quảng Ngãi), Nhơn Châu (Bình Định), Hòn Tre (Khánh Hoà). Mỗi đảo chúng tôi đi qua, đều in dấu bao kỷ niệm.
Đảo Nhơn Châu hay còn gọi là Cù Lao Xanh cách thành phố Quy Nhơn 24 km. Hòn đảo này có trên 2.000 người dân đang sinh sống, nhưng mỗi ngày chỉ có một chuyến ghe chở hàng và khách từ đất liền ra đảo và ngược lại. Chốt trực phòng không Đại đội hỗn hợp Đ30 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định) ở độ cao một trăm mét so với mực nước biển, xung quanh là rừng cây và dãy núi đá nhấp nhô bao bọc.
Khung cảnh thiên nhiên ở đây thật thơ mộng, nhưng để leo lên được nơi đây, ai cũng bở hơi tai. Mùa đông, điều kiện sống càng khó khăn, bởi ngày ngày, những người lính đảo vẫn vượt hơn hai cây số đường đèo dốc để xuống đơn vị lấy thực phẩm.
Có lúc gặp cơn mưa, đường trơn trợt không đi tới nơi, đành trở về tay không, coi như bữa đó, anh em ăn cơm chan nước mắm và lấy vài câu chuyện vui làm quà. Mùa hè đến, nắng cháy như đổ lửa trên những ngọn cây, thảm cỏ. Trên chốt trực phòng không 12,7 mm, các chiến sĩ phải vác từng can nước từ đơn vị lên để uống và thay phiên nhau xuống đơn vị tắm giặt.
Đảo Hòn Tre có Đại đội 90 trấn giữ. So với vài năm trước, doanh trại đã được kiên cố hoá, đường đi lối lại đã phong quang. Nhưng không phải vì thế, người lính đảo ở đây đã đỡ vất vả. Nếu ở đâu “hứng như hứng hoa” thì ở đây “hứng như hứng… rau”, bởi mùa mưa trồng rau cực khó. Những triền dốc cứ chực xói lở, anh em phải làm kè chắn, rồi che phủ đủ kiểu mới giữ được rau.
Không có tủ lạnh do không có điện, việc đi chợ hàng ngày hoàn toàn trên đôi vai người lính. Quân số phân tán, loay hoay 3 ngày lại đến phiên mỗi người. Từ sáng sớm, bếp trưởng đi trước lên thuyền vào chợ Vĩnh Nguyên, Nha Trang mua thực phẩm. Chừng 10 giờ thì 6 chiến sĩ xuống bến đón. Nắng trên đỉnh đầu, 3 sọt hàng nặng trĩu trên vai, quãng đường 4 km đồi dốc gập ghềnh như mỗi lúc một xa.
Hạ chiếc đòn gánh ra khỏi vai thì đã 13 giờ, các chiến sĩ bắt đầu bữa cơm trưa muộn. Ngày nắng tuy có mệt nhưng vẫn còn đỡ hơn mùa mưa. Mưa xối xả quất vào mặt, thổi ngược về chân dốc, đôi chân cứ phải bám chặt mặt đường. Mỗi lần như thế, anh em lại ước về một ngày có điện trên đảo để có thể dự trữ thực phẩm, dù biết rằng ngày đó mình cũng đã ra quân.
Nhớ có lần, đoàn công tác ra đảo Lý Sơn khi sóng cấp 7 đập dữ dội, cứ muốn hất tung con tàu. Trừ một số ít đã quen sóng gió, chịu được, còn mọi người đều mật xanh, mật vàng. Song đối với những người lính ở đảo Lý Sơn thì sóng cấp 7 với họ là chuyện thường ngày. Bão tố càng làm nên nét dạn dày sương gió của người lính đảo, họ xứng danh với “mắt đảo” giữa trùng khơi.
Dù thời tiết gay gắt, những luống rau trong khu tăng gia của Đại đội Pháo mặt đất thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Lý Sơn vẫn xanh non, căng tràn sức sống. Đàn gà, vịt, heo rừng hơn 100 con béo trục béo tròn. Các chiến sĩ cho biết, ngoài giờ huấn luyện lại tranh thủ sản xuất. Nhờ vậy, dù nắng hạn hay mưa bão, đơn vị vẫn không thiếu thực phẩm.
Nhiều lính đảo công tác xa nhà, mỗi năm chỉ về đất liền thăm vợ con được 1, 2 lần, nhưng các anh vẫn luôn bám đảo hoàn thành nhiệm vụ. Tận mắt thấy các cán bộ, chiến sĩ huấn luyện, học tập, tăng gia sản xuất mới hiểu được, các anh không chỉ hết lòng bảo vệ Tổ quốc, mà còn có tài chinh phục sóng gió biển khơi.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
