Nhỏ nhưng phải “có võ”
Hồng Kông (Trung Quốc) là một trung tâm tài chính quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam và Hồng Kông có quan hệ hợp tác gắn bó lâu dài. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hồng Kông. Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Hồng Kông vẫn ổn định, đạt 13,6 tỷ USD tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Hồng Kông đạt 12 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020, chiếm 3,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài.
![]() |
Hồng Kông là thị trường quốc tế, có tính kết nối cao |
Trong quan hệ thương mại với Hồng Kông, Việt Nam xuất siêu các mặt hàng chủ đạo như nhóm hàng chế biến, dệt may, da giày, thủy sản, lương thực thực phẩm... Ngày 5/1/2020, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 07/2020/NĐ-CP biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hồng Kông, Trung Quốc giai đoạn 2019-2022 (thuế suất AHKFTA). Theo đó, hàng hóa nhập khẩu được áp dụng theo thuế suất AHKFTA từ các nước là thành viên của Hiệp định, được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu theo quy định của Hiệp định và quy định của Bộ Công thương.
Bà Bùi Thị Thanh An - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Hiệp định này được thực thi đã thúc đẩy mạnh mẽ việc xuất khẩu của Việt Nam sang Hồng Kông.
Theo bà Vũ Thị Thúy - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (kiêm nhiệm Macao), Hồng Kông là thị trường tự do, không có rào cản về thương mại, không đánh thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hồng Kông chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 4 loại hàng hóa và nhập khẩu phần lớn các sản phẩm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Hiện Việt Nam đang là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 2 sang Hồng Kông, sau Thái Lan.
Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông có nhiều thuận lợi, bởi đây là thị trường mở, quãng đường vận chuyển từ Việt Nam sang Hồng Kông rất ngắn. Cùng với đó, "Người Hồng Kông cũng có khẩu vị giống người Việt Nam. Thị trường này có khả năng tiêu thụ những sản phẩm đặc sản có giá cao. Đây là thị trường quốc tế, có tính kết nối cao", bà Vũ Thị Thúy chia sẻ.
Tuy nhiên, hàng hoá nhập khẩu vào Hồng Kông đòi hỏi vệ sinh an toàn thực phẩm cao. Tuy thủ tục nhập khẩu rất thông thoáng nhưng công tác hậu kiểm lại rất nghiêm ngặt. Ví dụ, "Họ sẽ tham chiếu với các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế khác như Tổ chức nông lương Liên hiệp quốc, Ủy ban chuyên gia của WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA)", bà Thúy cho hay. Hàng hóa của Việt Nam tại đây đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều đối tác lớn như Trung Quốc, Thái Lan.
Ông Ronald Lau - Chủ tịch danh dự Hội đồng Thực phẩm Hồng Kông lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam về khả năng và cơ hội trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, qua đó giúp cho các doanh nghiệp có thể chuẩn bị những tình huống kinh doanh sau dịch Covid-19. Người dân Hồng Kông thường ưa chuộng những loại trái cây, hoa quả, thảo dược... có tác dụng chữa bệnh và tăng cường sức khỏe và tiêu thụ với số lượng lớn.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Ngọc Hà - Giám đốc Công ty Phát triển kinh doanh Viet Kwong cũng chia sẻ thêm, khi xuất khẩu sang Hồng Kông cần chú ý đến khối lượng sản phẩm, các sản phẩm nên có khối lượng nhỏ. Thị trường Hồng Kông thực sự rất khó tính.
Theo bà Vũ Thị Thúy, muốn thâm nhập, tiếp cận thị trường Hồng Kông cần phải tích cực tham gia nhiều hội chợ, triển lãm. Hiện do tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp nên nhiều hội chợ, triển lãm ở Hồng Kông tổ chức các gian hàng ảo có chất lượng cao, chi phí rẻ, thời gian tham gia nhiều hơn.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
