Nhiều yếu tố thuận lợi để thực hiện cam kết COP26
![]() | COP26 giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC |
![]() | COP26: Cam kết 130 nghìn tỷ USD đối phó với biến đổi khí hậu |
![]() | Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 |
Biến cam kết thành hành động
Tháng 11/2021, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cam kết mạnh mẽ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, giảm thiểu khí metan... qua đó, thể hiện mong muốn cũng như tham vọng của Việt Nam trong chuyển đổi nhanh chóng mô hình phát triển từ nâu sang xanh, ít phát thải, thân thiện với môi trường.
Theo ông Phạm Văn Tấn - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại hội nghị đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cam kết của Việt Nam đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển.
![]() |
Thực hiện Net Zero để giảm biến đổi khí hậu |
Cũng theo ông Tấn, Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi để biến những cam kết tại COP26 trở thành hành động cụ thể. Đơn cử như Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 và Dự thảo Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone đã được xây dựng theo hướng tiếp cận các quy định mới nhất trong đàm phán biến đổi khí hậu hoàn toàn phù hợp với các quy định mới nhất vừa được thông qua tại COP26 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động toàn xã hội thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, trong báo cáo “Việt Nam trong cuộc đua tới Net Zero” mới đây do PwC Việt Nam công bố cũng đã cho thấy nhiều hành động cụ thể của Việt Nam để tiến tới các cam kết trong COP26. Cụ thể, Dự thảo Quy hoạch Điện của Việt Nam đã đặt ra lộ trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Trong tổng quy hoạch công suất 129,5 GW cho năm 2030, năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) sẽ chiếm khoảng một phần tư cơ cấu năng lượng; trong khi than vẫn đóng vai trò trọng yếu, chiếm 40,6% với công suất lắp đặt là 39,7GW. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia sản xuất điện than lớn thứ chín trên thế giới. Việt Nam cũng đang tham gia chương trình “Cơ chế chuyển đổi năng lượng” - thực hiện bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Chương trình bao gồm nguồn tài trợ công, tư và từ thiện được thiết kế để thí điểm mua lại các nhà máy nhiệt điện than, đẩy nhanh quá trình loại bỏ dần nguồn nhiên liệu này và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch với giá cả hợp lý.
Ngân hàng Thế giới và các bộ, ngành cũng đang phát triển công cụ định giá carbon cho Việt Nam. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, hợp pháp hóa việc thiết lập định giá carbon dưới hình thức kinh doanh khí thải (ETS) đối với khí nhà kính. Thuế carbon cũng có thể được phát triển theo khuôn khổ của Luật Bảo vệ môi trường.
Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cần đi đầu
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trên con đường tiến tới Net Zero. Tâm lý vì lợi ích trước mắt, bỏ qua lợi ích lâu dài còn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của toàn xã hội. Cùng với đó là khó khăn trong huy động, thiếu nguồn nhân lực, công nghệ. Quan trọng hơn là phải duy trì sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị với quyết tâm kiên định để thực hiện lộ trình chuyển đổi lâu dài, khó khăn này.
Trên con đường đó, báo cáo của PwC chỉ ra cuộc đua hướng tới Net Zero vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh người tiêu dùng đang có sự thay đổi trong thái độ, hành vi tiêu dùng với kỳ vọng doanh nghiệp sẽ có lập trường và cam kết rõ ràng hướng đến mục tiêu Net Zero; nhà đầu tư ưu tiên các công ty trong danh mục đầu tư với các chính sách khí hậu được thiết lập và minh bạch, doanh nghiệp nào sớm cam kết sẽ hưởng lợi thế người tiên phong.
Nhận định, các doanh nghiệp đang nắm giữ cơ hội vàng cho tăng trưởng xanh, ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó tổng giám đốc, Dịch vụ ESG và Kiểm toán, PwC Việt Nam khuyến nghị khả năng ứng phó nhanh và toàn diện sẽ mang lại cho doanh nghiệp các lợi thế của người đi trước như lợi ích tài chính lâu dài, lợi thế cạnh tranh bền vững, sự hài lòng của khách hàng và hiệu quả hoạt động. Khả năng truyền đạt các thông tin về phát triển bền vững thông qua các báo cáo về môi trường, xã hội và quản trị sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy vậy, để hiện thực hoá các cam kết tiến tới Net Zero, Chính phủ cần chung tay cùng doanh nghiệp với vai trò hỗ trợ, thông qua việc thiết lập chính sách và môi trường pháp lý; chia sẻ chi phí, nghiên cứu và phát triển, đổi mới, chuỗi cung ứng và điều phối quá trình chuyển đổi toàn cầu Net Zero.
Nhấn mạnh vai trò đi đầu của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, PGS-TS. Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện Khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chiến lược giảm phát thải thông qua chuyển dịch năng lượng, tăng cường ứng dụng, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo và giải pháp hiệu quả năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm sẽ là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược giảm phát thải dài hạn của Việt Nam.
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cũng nhấn mạnh, cần có những chương trình tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp thuộc nhóm cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, phát thải khí nhà kính trọng điểm để thực hiện tốt công tác kiểm kê và báo cáo. Các ngành liên quan cần nghiên cứu và đưa ra hướng dẫn, định hướng cho các doanh nghiệp liên quan tới lộ trình Net Zero của ngành mình, trong đó cần chỉ rõ những hoạt động nào có thể tự thực hiện và những hoạt động nào cần có sự hỗ trợ của quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách về tài chính - đặc biệt là tài chính carbon cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy triển khai lộ trình Net Zero tại Việt Nam.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
