Nhiều vướng mắc hóa đơn mùa quyết toán thuế
Theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng, trong các tuần từ giữa tháng 3 đến nay, ngành thuế tại hầu hết các địa phương trên cả nước đã rất chủ động trong việc tổ chức các buổi hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân năm 2023.
![]() |
Ở quy mô cả nước, từ 12-14/3, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội nghị hỗ trợ quyết toán thuế trên cổng thông tin điện tử của cơ quan này. Đến nay, đã có hàng nghìn lượt câu hỏi liên quan đến các vướng mắc và cách xử lý các hóa đơn đầu ra, đầu vào để tính mức thuế phải nộp.
Trong khi đó, ở cấp độ địa phương và từng ngành hàng, các vướng mắc chủ yếu của doanh nghiệp liên quan hóa đơn thuế giá trị gia tăng (VAT); thuế nhà thầu; cách xử lý hóa đơn khi người mua hàng trả lại; cách thức kê khai thuế VAT đối với dự án đầu tư xây dựng… cũng được nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi để kịp thời điều chỉnh trong hồ sơ quyết toán.
Chẳng hạn, đại diện Công ty K.L có trụ sở tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho biết, trong năm 2023, doanh nghiệp này có phát sinh hoạt động mua hàng từ các nhà cung cấp trong nước, trong đó có những mặt hàng phải mở tờ khai hải quan để được hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, vì mua số lượng ít, nhà cung cấp không đồng ý khai hải quan mà sẽ xuất hóa đơn chịu giá trị gia tăng 10% hoặc 8%. Nhưng hiện nay, khi quyết toán thuế, doanh nghiệp không biết hạch toán phần chi phí tương ứng với 10% hoặc 8% này như thế nào.
![]() |
Các doanh nghiệp đang nỗ lực hoàn thiện quyết toán thuế năm 2023 theo đúng thời hạn trước 31/3 |
Tương tự, ông Nguyễn Văn Minh, một chủ thầu xây dựng tại quận 8, TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm qua, doanh nghiệp này có nhận xây dựng một công trình cho chủ đầu tư, kéo dài từ tháng 6/2022 và nghiệm thu vào tháng 3/2023. Tuy nhiên, công ty không biết có được hưởng ưu đãi thuế VAT 8% hay không? Ngoài ra, doanh nghiệp có mua một số hàng hóa làm quà tặng, bên bán đã xuất hóa đơn VAT 8% nhưng đầu năm 2023 doanh nghiệp mới tặng cho đối tác nên chưa biết xuất 8% hay 10% là đúng.
Cũng liên quan tới vấn đề xuất hóa đơn, đại diện một doanh nghiệp gia công phần mềm tại khu công nghệ cao (TP. Thủ Đức) phân vân không biết thời điểm xuất hóa đơn thế nào là hợp lý, thời điểm thu tiền hay nghiệm thu bàn giao? Ngoài ra, thời điểm thu tiền cọc, thu tiền tạm ứng, thu tiền trả trước thì doanh nghiệp có cần xuất hóa đơn VAT hay không?
Từ góc độ tư vấn nghiệp vụ thuế, ông Nguyễn Văn Thức, chủ tịch Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, đến thời điểm hiện nay, về cơ bản ngành thuế các địa phương đều đã có hướng dẫn, hỗ trợ về quyết toán thuế. Các vướng mắc cụ thể liên quan đến hóa đơn mà nhiều doanh nghiệp nêu ra tại các hội nghị đối thoại hoặc gửi bằng văn bản đa số đã được các cục thuế, đơn vị tư vấn thuế giải đáp và hướng dẫn triển khai.
Ông Thức cho rằng, về cơ bản, các nghiệp vụ quyết toán thuế năm nay không khác nhiều so với năm trước và ít có sự điều chỉnh, thay đổi bởi các nghị định, thông tư, mới. Vì thế, kế toán doanh nghiệp và người dân cũng không quá vất vả để hoàn thiện hồ sơ quyết toán. Tuy nhiên, hiện các vấn đề liên quan đến hóa đơn (thời điểm xuất hóa đơn, đối tượng xuất hóa đơn, xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, xử lý hóa đơn đối với doanh nghiệp bị cảnh báo rủi ro…) vẫn đang gặp nhiều vướng mắc, chưa có những hướng dẫn cụ thể, thống nhất của ngành thuế.
Chẳng hạn, trong suốt năm 2023 vừa qua, nhiều doanh nghiệp “than phiền” về các hướng dẫn của ngành thuế trong việc triển khai Công văn số 2121/TCT-CS của Tổng cục Thuế (về lập hóa đơn thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP). Tuy nhiên, các cục thuế ở mỗi địa phương lại có những hướng dẫn khác nhau, nơi thì quy định bên bán cần xuất hóa đơn khi hàng hóa đã mua bị trả lại, nơi thì cho phép bên mua xuất hóa đơn, khiến doanh nghiệp tỏ ra lúng túng. Đối với các công ty hoạt động ở nhiều địa bàn việc này cũng gây khó khăn đáng kể cho kế toán.
Hay đối với việc rà soát, xử lý các hóa đơn không hợp pháp, thời gian qua cũng có hàng nghìn doanh nghiệp tỏ ra lúng túng khi Bộ Tài chính công bố danh sách hơn 500 doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn và yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố kiểm tra việc sử dụng hóa đơn của các đơn vị này.
Chính vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân thực thi các quy định về thuế tốt hơn, hạn chế những sai sót về hóa đơn, phải điều chỉnh nhiều lần gây mất thời gian và tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và ngành Thuế các địa phương cần tăng cường nhiều hơn các hoạt động đối thoại, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể và thống nhất khi có các điều chỉnh, thay đổi trong chính sách thuế và từng sắc thuế để các doanh nghiệp, người dân kịp cập nhật, giảm áp lực quá tải khi vào “mùa cao điểm” quyết toán hàng năm.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
