Nhiều lực đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính
Dữ liệu tín dụng đã bao phủ rộng
Thông tin tại Hội nghị thường niên lần thứ 8 Mạng lưới Phát triển Cơ sở hạ tầng tài chính (FIDN) vừa diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM, ông Đỗ Hoàng Phong - Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) cho biết, đến thời điểm hiện tại, hệ thống thông tin, dữ liệu tài chính, tín dụng của CIC đã gần hoàn thiện và bao phủ hầu khắp các lĩnh vực của nền kinh tế.
Theo đó, hệ thống dữ liệu của CIC đã thu thập được thông tin từ khoảng 43 triệu khách hàng cá nhân và DN cả trong và ngoài hệ thống ngân hàng. CIC đã mở rộng kênh cung cấp thông tin tín dụng mới, sử dụng giao diện kết nối chung cho một ứng dụng đối với hàng loạt NHTM. Từ đó giúp việc kết nối, trao đổi thông tin giữa CIC và các TCTD được nhanh chóng, thuận lợi.
![]() |
Hoàn thiện hạ tầng công nghệ và dữ liệu tài chính giúp gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV |
Việc này đã giúp tốc độ tăng trưởng khai thác thông tin tín dụng từ CIC tăng mạnh mẽ ở mức 200%, tỷ lệ bao phủ thông tin tín dụng ở lĩnh vực tài chính công đạt 60% số người trưởng thành và chỉ số tiếp cận tín dụng năm 2020 của Việt Nam đã tăng 7 bậc so với năm 2019 (xếp thứ 7 khu vực châu Á và thứ 2 khu vực ASEAN, sau Brunei) theo thang điểm xếp loại của Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong năm 2020 vừa qua, để hỗ trợ các TCTD cập nhật và triển khai các sản phẩm dịch vụ tài chính nhằm giúp khách hàng vượt qua dịch Covid-19, CIC cũng đã cập nhật thông tin khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 theo Thông tư 01/2020 của NHNN vào hệ thống, đồng thời triển khai miễn giảm một loạt phí liên quan đến khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin tín dụng. Đặc biệt các tháng vừa qua, CIC cũng đang gấp rút hoàn thành mô hình cung cấp thông tin trực tiếp chuẩn tới tất cả các TCTD có nhu cầu và triển khai thống nhất cổng thông tin kết nối với khách hàng vay trên toàn quốc.
Theo ông Đỗ Hoàng Phong, trong năm 2020 và đầu 2021, CIC sẽ phát triển mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối toàn diện hệ thống hạ tầng tài chính phía Nam. Trong đó tập trung vào các dự án xây dựng Trung tâm dự phòng, Trung tâm dữ liệu, phòng máy chủ chi nhánh TP.HCM và các phần mềm ứng dụng.
Trong khi đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, hiện nay các đề án xây dựng thành phố Thủ Đức (trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức) và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đã được UBND TP.HCM lên kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư. Theo đó, Đại học Fulbright Việt Nam hiện đã được chọn làm đơn vị tư vấn soạn thảo đề cương sơ bộ cho đề án Trung tâm Tài chính quốc tế. Đề án xây dựng TP. Thủ Đức cũng đã chọn được thiết kế quy hoạch từ một công ty có trụ sở tại Mỹ là Sasaki để triển khai theo mô hình đô thị sáng tạo tương tác cao, gắn liền với kinh tế tri thức. Chính vì vậy, trong các năm tới, cơ sở hạ tầng tài chính tại TP.HCM sẽ có sự phát triển mạnh nếu các đề án lớn này thu hút được nguồn vốn đầu tư từ các DN FDI và các tập đoàn công nghệ trong nước.
Cần phát triển hệ thống TCTD phi ngân hàng
Ông Jinchang Lai - Chuyên gia trưởng thuộc Nhóm Tư vấn định chế tài chính châu Á – Thái Bình Dương của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, ngoài việc từng bước xây dựng các trung tâm tài chính thông minh và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối dữ liệu về tài chính, tín dụng thì trong các năm tới TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung cũng cần chú trọng phát triển, đa dạng hóa các mô hình tổ chức tài chính phi ngân hàng để kịp thời tận dụng các nền tảng hạ tầng tài chính, hỗ trợ tối đa khả năng tiếp cận vốn của DN.
Theo ông Jinchang Lai, hệ thống các TCTD phi ngân hàng có thể bao gồm các công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính DN, công ty cho thuê tài chính, công ty bao thanh toán, công ty tài chính trong ngành ô tô, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính tiêu dùng hoặc các Fintech hoạt động trong lĩnh vực cho vay. Hiện thị trường Việt Nam đang thiếu vắng các mô hình TCTD phi ngân hàng hoạt động thương mại thuần túy, ngoại trừ một số ít các công ty cho thuê tài chính hiện hữu. Trong khi đó, ở các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc, các tổ chức phi ngân hàng hoạt động thương mại chiếm số lượng rất lớn và rất đa dạng về quy mô.
Đồng quan điểm, ông Lee Kheng Leong đến từ tổ chức HPD Lendscape cho rằng, thời điểm hiện tại việc mở rộng các chính sách để phát triển các TCTD phi ngân hàng là rất cần thiết nhằm hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch Covid-19. Theo khảo sát của IFC, khoản thiếu hụt tín dụng dành cho các DNNVV khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào khoảng 2,4 ngàn tỷ USD. Trong khi đó, khoảng 50% giao dịch thương mại trên thế giới là qua phương thức thanh toán sau (open account) và khoản phải thu là tài sản đảm bảo tốt nhất mà các DNNVV có thể thế chấp tại TCTD vì chiếm tới 50% giá trị tài sản.
“Hiện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương các tổ chức như Ủy ban Chuyên gia Bao thanh toán Trung Quốc, Hiệp hội bao thanh toán tại các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… đều phát triển rất mạnh với hàng trăm ngàn TCTD phi ngân hàng là thành viên. Vì vậy việc đẩy mạnh phát triển các mô hình tổ chức tài trợ vốn vay không nhận tiền gửi tại Việt Nam hiện nay là rất cần thiết để tận dụng cơ sở hạ tầng tài chính và mở rộng phạm vi tài trợ vốn theo chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Lee Kheng Leong nhận định.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
