Nhiều kỳ vọng từ thuế tài sản với bất động sản
Nghị quyết được nhiều trông đợi
Nghị quyết số 18-NQ/TW mới đây đã đưa ra những vấn đề tồn tại nhiều năm, trong đó có nội dung: “đánh thuế cao vào người có nhiều đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng, bỏ đất hoang” đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh và yêu cầu các bộ, ngành địa phương sớm triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, chính sách đánh thuế tài sản là một chính sách rất phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam. Bởi hiện tại các mức thuế bất động sản ở Việt Nam còn thấp so với thế giới. Khi áp dụng các mức thuế cao hơn đối với tài sản thứ 2, thứ 3 và các diện tích đất chậm đưa vào sử dụng sẽ làm tăng nguồn thu từ đất đai.
Bên cạnh đó, sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ, tích trữ đất đai, giúp nguồn lực đầu tư của nền kinh tế không bị méo mó, dòng vốn không tập trung quá nhiều vào các lĩnh vực không tạo ra công ăn việc làm và các giá trị gia tăng.
![]() |
Áp dụng thuế tài sản nhà đất cao kỳ vọng sẽ tạo ra giá nhà hợp lý cho người dân. Ảnh minh họa |
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, kiến nghị đánh thuế cao đối tài sản bất động sản thứ 2, thứ 3 và các diện tích đất bỏ hoang, chậm đưa vào sử dụng thực tế đã được các hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia kiến nghị từ nhiều năm nay. Mặc dù đến tháng 6 vừa qua đã chính thức được Trung ương Đảng đưa vào Nghị quyết, tuy nhiên đây cũng sẽ là chủ trương lớn và là điểm tựa pháp lý để tạo dựng sự ổn định cho thị trường nhà đất.
Theo đó, khi thuế tài sản được triển khai sẽ tạo nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản. Nguồn vốn này sẽ là cơ sở để đầu tư phát triển hạ tầng nhằm gia tăng nguồn cung cho thị trường.
“Loại thuế này cũng sẽ khuyến khích người sở hữu nhà đất đưa tài sản về đúng giá trị thực, không để tình trạng bỏ hoang đất đai gây lãng phí”, ông Hiển nói.
Từ góc độ thị trường, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định rằng, tăng mức thuế đối với tài sản thứ 2, thứ 3 và các bất động sản bỏ hoang, chậm đưa vào sử dụng sẽ là công cụ hữu hiệu để điều tiết, hạn chế hoạt động găm giữ, đầu cơ, thổi giá đất. Bởi khi đánh thuế cao lợi nhuận của việc “lướt sóng” bất động sản sẽ không còn hấp dẫn sau khi trừ đi các khoản thuế chuyển nhượng. Từ đó thị trường nhà đất sẽ ổn định hơn, người có nhu cầu mua nhà để ở sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các dự án nhà ở và mua được nhà với giá phù hợp, giảm đáng kể các hành vi tạo sóng, thổi giá cục bộ.
Chuẩn bị cho lộ trình thuế lũy tiến
Theo hầu hết các chuyên gia, chủ trương đánh thuế cao đối với người sở hữu nhiều nhà đất và các cá nhân, tổ chức găm giữ hoặc bỏ hoang đất là một chủ trương phù hợp và cần thiết phải đẩy nhanh triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, để thu đúng, thu đủ tiền thuế thì hệ thống pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện và các sắc thuế cũng cần điều chỉnh linh hoạt, áp dụng theo lộ trình phù hợp.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối cho rằng, trước tiên các pháp lý liên quan cần được rà soát để đảm bảo phân biệt được người sở hữu nhiều nhà đất nhưng được sử dụng vào mục đích chính đáng và người sở hữu bất động sản để đầu cơ. Bởi, nếu đánh thuế cao cả hai trường hợp sẽ tạo ra sự bất hợp lý và thiếu công bằng.
Ngoài ra, hiện nay trên thực tế, để tránh đóng thuế cao người đầu cơ đất có thể nhờ người thân, người quen đứng tên trong giấy chứng nhận, rất khó để phân định các trường hợp này. Vì thế, cơ sở dữ liệu về đất đai cần phải tiếp tục hoàn thiện để có thể trích xuất đích danh người sở hữu nhiều nhà đất và thu thuế lũy tiến tăng dần từ tài sản thứ hai trở đi.
Ở góc độ khác, ông Phạm Bá Luật - Chuyên gia tư vấn bất động sản tại TP.HCM cho rằng, giá bất động sản phụ thuộc chủ yếu vào vị trí của mảnh đất. Vì thế, các sắc thuế cần phải được xây dựng trên cơ sở phân tầng phù hợp, có sự phân biệt giữa vùng đô thị và vùng nông thôn. Mức thuế cũng cần căn cứ vào giá giao dịch bình quân của thị trường để xác lập chứ không chỉ căn cứ trên bảng giá đất do nhà nước quy định.
“Nếu doanh nghiệp mua đất ở vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn để phát triển nông nghiệp sạch hoặc du lịch sinh thái thì không thể bị tính thuế cao. Trong khi đó, những trường hợp phân lô bán nền, gom đất đầu cơ, thổi giá ở các vùng ven dự án có thông tin quy hoạch thì cần phải thu triệt để”, ông Luật nói.
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2021 một số địa phương như Hà Nội đã đề xuất phương án đánh thuế hoặc xử phạt với các chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng với mức thuế 5% tổng giá trị (nếu bỏ hoang 3 tháng) và 10% (nếu bỏ hoang 1 năm).
Trong các năm 2020-2021, HoREA cũng đã từng kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên, đồng thời đề xuất mức thuế suất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên để tránh hiện tượng đầu cơ lướt sóng.
Theo ông Châu, hiện nay các quốc gia trong khu vực đều đã áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với các cá nhân, tổ chức sở hữu nhiều tài sản bất động sản. Chẳng hạn, tại Singapore, người dân chỉ được miễn thuế với căn nhà đầu tiên, còn từ 2 căn trở lên mức thuế sẽ được thu bổ sung lũy tiến từ 12-15% giá trị mỗi căn nhà. Hay Hàn Quốc, từ tháng 6/2022 các doanh nghiệp sở hữu từ 3 bất động sản trở lên sẽ phải nộp tối đa 4% tiền thuế, tính trên giá trị đất sở hữu.
Vì thế, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng có thể cân nhắc một mức thuế tài sản bất động sản lũy tiến phù hợp để áp dụng hiện thực hóa chủ trương của Nghị quyết 18/2022.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Báo động mất cân đối cơ cấu nguồn cung nhà ở

Sẽ tháo gỡ triệt để nút thắt về nhà ở xã hội

Hà Nội sẽ xây thêm hầm chui, mở rộng làn đường Hoàng Quốc Việt

Đất nền miền Bắc trỗi dậy mạnh mẽ

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Vista Residence Da Nang: Giá trị thặng dư bền vững hay “cơn sốt” nhất thời?

Ra mắt siêu đô thị Sun Mega City rộng 1690ha - biểu tượng thịnh vượng phía Nam Hà Nội

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực
