Nhiều giải pháp phát triển cây tiêu bền vững
![]() | Gỡ khó để cây hồ tiêu phát triển bền vững |
![]() | Vốn ngân hàng hỗ trợ cây tiêu phát triển |
![]() |
Cần phát triển cây hồ tiêu theo đúng quy hoạch |
Liên kết để tạo chuỗi giá trị
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu nước ta tăng nhanh, đến năm 2017 cả nước có khoảng 151,9 ngàn hecta, tăng 196% so với năm 2010, tăng 22% so với năm 2016 và vượt định hướng phát triển trên 100 ngàn hecta. Từ năm 2018, diện tích hồ tiêu bắt đầu giảm xuống còn 149,8 ngàn hecta và dự kiến năm 2019 giảm còn 140 ngàn hecta.
Nguyên nhân giảm diện tích do khi tiêu được giá, nông dân đầu tư trồng tiêu trên nhiều loại đất khác nhau, chăm bón nhiều phân vô cơ, phân bón lá, kích thích sinh trưởng, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật… để cây sinh trưởng nhanh, tạo năng suất cao.
Tuy nhiên, khi giá tiêu giảm mạnh nông dân đã hạn chế hoặc không chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh dẫn đến cây suy kiệt, giảm sức chống chịu với dịch bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi… Trong năm 2018 và đầu 2019, diện tích hồ tiêu chết tại các tỉnh Gia Lai 5.547ha; Đăk Lăk 2.219ha; Đăk Nông 1.827ha; Bình Phước 962ha; Đồng Nai 831ha.
Trước thách thức đó, tại hội nghị các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội hồ tiêu đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển cây hồ tiêu bền vững trong thời gian tới. Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cây hồ tiêu được phát triển trong thời gian dài nhưng công tác nghiên cứu chọn tạo giống hồ tiêu, các biện pháp kỹ thuật canh tác, các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng giống mới chưa được quan tâm đúng mức.
Do đó, cần khẩn trương tuyển chọn và xây dựng nguồn giống; đồng thời ổn định việc quy hoạch vùng đối với hồ tiêu; đặc biệt dứt khoát không trồng trên diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết; những vườn cây có năng suất thấp khuyến cáo nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác…
Còn ông Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, hiện tại diện tích tiêu được nông dân trồng trên địa bàn tỉnh bị chết không đáng kể. Có được thành công đó chính nhờ sự liên kết chặt chẽ và công bằng giữa DN với hơn 1.500 hộ trồng tiêu của địa phương.
Theo đó, người nông dân thực hiện trồng chăm sóc theo đúng quy trình của DN đưa ra. Đáng chú ý DN không bắt buộc bà con bán sản phẩm cho DN, nếu có DN mua cao hơn người nông dân vẫn có thể bán sản phẩm ra ngoài. Tuy nhiên, do DN thu mua sản phẩm tiêu do người nông dân trồng theo giá cao hơn giá thị trường, nên 100% nông dân trồng tiêu đều bán sản phẩm cho DN sau khi thu hoạch.
Đơn cử như mô hình liên kết của Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam. Mạng lưới của Nedspice có 60 câu lạc bộ sản xuất theo tiêu chí RA và sản xuất theo tiêu chí bền vững, với hơn 1.500 hộ nông dân tham gia, diện tích hơn 2.000ha. Việc liên kết thu mua sản phẩm các hộ dân tham gia mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất. Nedspice Việt Nam hỗ trợ nông dân sản xuất theo chứng nhận, nhưng nông dân có quyền lựa chọn DN để bán sản phẩm.
Đây là một hình thức cạnh tranh lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho DN khác muốn liên kết, đầu tư. Mối liên kết sản xuất giữa DN và nông hộ trồng tiêu dựa trên việc tạo niềm tin lẫn nhau. Trong 5 năm thực hiện dự án từ 2013 đến nay, Nedspice Việt Nam tạo được niềm tin cho người dân về sản xuất hồ tiêu chứng nhận hướng đến chất lượng và giá cả phù hợp. Sản lượng tiêu của vùng dự án và thu mua sản phẩm hạt tiêu cho người dân khoảng 10.000 tấn/năm.
Ngân hàng tạo mọi điều kiện để phát triển cây hồ tiêu
Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành hồ tiêu, đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, những năm qua ngành Ngân hàng tập trung nguồn lực đầu tư nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của ngành, góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu với sản lượng đứng đầu thế giới. Về cơ bản, các chính sách, giải pháp mà Chính phủ, NHNN ban hành trong thời gian qua tháo gỡ khó khăn, đáp ứng được nhu cầu của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hồ tiêu.
Là một trong những ngân hàng có dư nợ cho vay đối với cây hồ tiêu khá lớn, ông Đặng Hoài Đức - Phó tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, riêng hai chi nhánh Vietcombank Gia Lai và Đăk Lăk đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn; trong đó có cây hồ tiêu. Chẳng hạn tại vùng tiêu Gia Lai tại huyện Chư Sê và Chư Pứh, Vietcombank đầu tư hơn 450 tỷ đồng. Tuy nhiên vừa qua do tác động tiêu cực từ nhiều yếu tố, dẫn đến gần một nửa dư nợ này bị ảnh hưởng.
Trước thực tế đó, thực hiện sự chỉ đạo của NHNN về hỗ trợ cho bà con nông dân trồng tiêu, Vietcombank thực hiện việc miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ, cho vay mới để nông dân có điều kiện tái sản xuất; phục hồi vườn cây hoặc chuyển đổi cây trồng khác.
“Không có chuyện ngân hàng bắt ép nông dân trả nợ hoặc xử lý tài sản. Nếu có chỉ là những trường hợp bất khả kháng. Bởi nhiều hộ vay chây ì trong việc thực hiện nghĩa vụ trả lãi, trả nợ cho ngân hàng. Đối với những trường hợp này thì ngân hàng không còn cách nào khác nên buộc phải xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ”, ông Đức khẳng định.
Theo bà Hà Thu Giang – Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN Việt Nam, để tạo điều kiện cho người nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, NHNN phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ trong việc ban hành, triển khai các chính sách đặc thù đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó có chính sách đối với cây hồ tiêu. Trên cơ sở đó, đến nay dư nợ tín dụng đối với ngành hồ tiêu khoảng 17.967 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tập trung tại Tây Nguyên là 12.083 tỷ đồng, chiếm 67,2% tổng dư nợ ngành hồ tiêu trên toàn quốc.
Trước tình hình khó khăn của nông dân trồng hồ tiêu, NHNN đã làm việc với UBND tỉnh Gia Lai và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, địa phương có thiệt hại về hồ tiêu lớn nhất tại khu vực Tây Nguyên về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, xem xét miễn giảm lãi vay, cho vay mới… giúp nông dân khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.
“Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng chủ động rà soát, kiểm tra và phân loại khách hàng, thực hiện các biện pháp hỗ trợ kịp thời như tiếp tục cho vay ngắn hạn để chăm sóc, cho vay trung dài hạn để đầu tư xen canh đối với các khách hàng còn vườn cây. Chủ động phối hợp với nhà nông cơ cấu lại các khoản vay theo hướng cho vay trung dài hạn để chuyển đổi cây trồng hoặc đầu tư thâm canh, xen canh vườn cây đối với những khách hàng có vườn cây bị giảm sút chất lượng”, bà Giang thông tin.
Cùng với đó, cho vay mới để nông dân khôi phục sản xuất với thời gian ân hạn phù hợp. Một số TCTD đã triển khai các gói tín dụng trung dài hạn hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc vườn tiêu bị thiệt hại với lãi suất ưu đãi từ 7% - 8,5%/năm. Theo đó, đến nay, các ngân hàng đã xem xét, áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trồng tiêu thông qua các biện pháp như cơ cấu lại nợ 398,5 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất 248,5 tỷ đồng; cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh 1.032 tỷ đồng...
Khẳng định, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân trồng hồ tiêu, bà Giang cho biết, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung vốn để cho vay kịp thời, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với thời hạn và lãi suất hợp lý...
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - DN, các TCTD chủ động tiếp cận các khách hàng trong ngành hồ tiêu, có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng…
Tuy nhiên, để các giải pháp tài chính phát huy hiệu quả và ngành hồ tiêu phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần có chính sách hỗ trợ, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp từ kiểm soát chất lượng cây giống, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung.
Đồng thời, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, giống cây trồng, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong canh tác. Cùng với đó, nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho người nông dân về đầu ra sản phẩm trong quá trình chuyển đổi cây trồng, bình ổn giá cả nông sản trên thị trường...
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
