Nhiều động lực đang thúc đẩy thị trường bất động sản
Phát biểu tại Diễn đàn “Bất động sản 2021: Động lực mới cho thị trường” do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2020, Chính phủ, Quốc hội đã quan tâm, có những cơ chế tháo gỡ cho thị trường bất động sản thông qua việc ban hành một loạt các cơ chế chính sách mới. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn đang xảy ra một số tồn tại cần tiếp tục bàn, nghiên cứu.
Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản vẫn còn chưa phù hợp với nguồn cung trong thị trường thời gian qua. Đặc biệt, chung cư cao cấp trở nên nhiều hơn, mặc dù đầu ra không có nhiều thay đổi. Trong khi đó, bất động sản trung bình, giá rẻ phục vụ cho đại đa số tầng lớp có nhu cầu thì chưa phải là phát triển. Giá bất động sản đâu đó đã thiết lập trên một mặt bằng mới mặc dù có đại dịch COVID xảy ra.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, tình trạng đầu cơ vẫn còn diễn ra phổ biến ở các nơi, nhất là các đô thị lớn, các khu vực có chủ trương tách/nhập, nâng cấp, đồng thời đã xuất hiện các tình trạng thổi giá cục bộ.
Một số dự án bất động sản chưa đủ cơ sở pháp lý nhưng sản phẩm vẫn được tung ra thị trường, gây ra các rủi ro, các hoạt động kinh doanh không bình thường cho thị trường hoặc có biểu hiện lừa đảo trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Tính minh bạch từ các hoạt động đầu tư tạo lập, đến các giao dịch mua bán vẫn còn có những điều cần phải tiếp tục nghiên cứu, để quy định chặt chẽ bảo đảm công khai hơn, kịp thời, chính xác hơn.
Bên cạnh những khó khăn trên, một số chuyên gia bất động sản nhận định, thị trường bất động sản trong thời gian tới đang có nhiều cơ hội tích cực. Theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sự quyết liệt của Chính phủ trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã có tác động rất lớn lên nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.
Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp bất động sản đã có nhìn nhận và thích ứng dần với tình hình dịch bệnh. Ngay trong định hướng của các doanh nghiệp hiện nay, không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn, đều đã phải đưa ra tính toán, dự báo trong môi trường biến đổi mới.
Đặc biệt, nguồn cầu về nhà ở vẫn còn rất lớn. Tổng nhu cầu về nhà lên tới hàng trăm triệu mét vuông nhà ở khi tâm lý của người Việt Nam vẫn mong muốn sở hữu nhà ở, đất ở.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lạc quan cho rằng, thị trường bất động sản năm 2021 đang và sẽ tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ một loạt nhân tố.
Đó là sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, về cơ cấu cung - cầu và tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản.
Chính phủ cũng khuyến khích nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và việc có thể thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương… càng tạo xung lực tích cực cho thị trường.
Trong khi đó, dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam và khả năng phục hồi kinh tế sẽ là những xung lực mạnh cho thị trường bất động sản phục hồi. Cùng với xuất khẩu tăng do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đã ký kết, hoạt động du lịch sẽ ấm dần và nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng dần được phép vào Việt Nam.
Bên cạnh đó là các chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô, chính sách tài chính được điều chỉnh linh hoạt… cũng sẽ góp phần thúc đẩy và tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản.
Trong bối cảnh mới, khách hàng có xu hướng ưu tiên cho những dự án chú trọng hơn vào chất lượng và không gian sống. Theo đó, mô hình bất động sản sinh thái được dự đoán sẽ là một điểm sáng bởi gắn liền với yếu tố sống xanh - sạch - lành để hướng đến cuộc sống an yên, khỏe mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho biết, doanh nghiệp bất động sản ở Việt nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn những doanh nghiệp thâm niên từ 10 năm trở lên, có nguồn lực dự phòng để đảm bảo chống chịu qua các đợt khủng hoảng lại không nhiều.
Bà Hương dự báo thị trường những tháng cuối năm không chỉ phụ thuộc vào yếu tố chống chịu của doanh nghiệp, mà phần lớn phụ thuộc vào kịch bản kiểm soát dịch bệnh. Thời gian kiểm soát dịch càng kéo dài thì doanh nghiệp càng giảm sức chịu đựng.
“Trung và dài hạn vẫn có những tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản”, bà Thanh Hương nói, đồng thời nhận định để việc phục hồi nhanh hơn cho các doanh nghiệp ở năm sau hay các năm tới thì những rào cản cần được giải quyết rốt ráo nhất.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Niềm tin người mua nhà được củng cố

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát
