Nhiều đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp “3 tại chỗ”
![]() | Phát triển doanh nghiệp xanh để sản xuất an toàn giữa dịch Covid-19 |
![]() | Cần giải pháp mạnh để giải cứu chuỗi cung ứng |
Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) đã có văn bản gửi lãnh đạo UBND TP.HCM kiến nghị hỗ trợ các biện pháp thực hiện “3 tại chỗ” tại nhà máy, doanh nghiệp. Theo HBA, tình hình dịch bệnh Covid-19 với biến thể Delta tuy đã được khoanh vùng, giãn cách, cách ly và có dấu hiệu kéo ngang, nhưng xu hướng có thể kéo dài. Tuy nhiên, 18 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao TP.HCM vẫn kiên trì, duy trì thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra, thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm” trong điều kiện ngày càng khắc nghiệt.
![]() |
Doanh nghiệp luôn đặt trách nhiệm chống dịch lên hàng đầu, bảo vệ an toàn cho người lao động |
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch HBA cho biết, đến đầu tháng 8/2021, đã có gần 50% số doanh nghiệp của 17 khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” (682 doanh nghiệp/1.412 doanh nghiệp) với hơn 56.000 công nhân “sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ” (gần 20% tổng số công nhân). Riêng khu công nghệ cao thành phồ gần 90% doanh nghiệp đăng ký “3 tại chỗ”, với hơn 10.000 công nhân viên, kỹ sư và chuyên gia đang làm việc. Qua thực trạng nêu trên và qua thẩm định các nhà máy, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có 589/689 doanh nghiệp (gần 84%) đạt quy chuẩn “3 tại chỗ”. Còn lại 92 nhà máy, doanh nghiệp cần bổ sung các điều kiện cần thiết theo quy định.
Lãnh đạo HBA khẳng định, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” và “3 tại chỗ”, vì nếu đóng cửa nhà máy thì sẽ có những nguy cơ như sau này sản xuất kinh doanh và thương hiệu phục hồi rất khó; sẽ đứt gãy trong chuỗi sản xuất toàn cầu, mất đơn hàng sẽ không lấy lại được kể cả thời “hậu Covid-19”, nhất là đơn hàng chuyển dịch qua nước láng giềng. Ngoài ra, nếu đóng cửa nhà máy, doanh nghiệp sẽ khiến hàng chục ngàn công nhân lâm vào cảnh bế tắc, không việc làm, phát sinh những vấn đề xã hội.
Nhằm mục đích điều trị cho công nhân và giữ cho chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, các doanh nghiệp đã đề xuất HBA thành lập bệnh viện dã chiến tại các khu chế xuất - khu công nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp đã chọn Khu chế xuất Linh Trung 2 với nhà xưởng có sẵn là 1.800 m2 cùng trang thiết bị sẽ được đóng góp từ nhiều phía và kiến nghị UBND TP.HCM cho phép được triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, HBA cũng kiến nghị kịp thời tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho công nhân. Đây là biện pháp phòng, chống dịch tích cực nhất trong điều kiện vắc xin nhập về ngày càng nhiều. Qua 5 đợt tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 1, một trong các đối tượng được tiêm là người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao. Nhưng nay do cách phân cấp, phân quyền thành phố giao quyền chủ động xuống các UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức, do vậy lực lượng công nhân “3 tại chỗ” tại các nhà máy, doanh nghiệp và lực lượng công nhân đang giãn cách tại nhiều khách sạn, nhiều nơi lưu trú chờ quay trở về làm việc cần nằm trong danh sách ưu tiên tiêm “vét” mũi 1 và tiêm mũi 2 cho số công nhân “3 tại chỗ”. Ngoài ra, cần thực hiện sớm các giải pháp hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng cho nhà máy, doanh nghiệp đang gồng mình phòng, chống dịch để sản xuất.
Đồng ý kiến với HBA, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho biết, doanh nghiệp luôn đặt trách nhiệm chống dịch lên hàng đầu, bảo vệ an toàn cho người lao động là bảo vệ tài sản của chính họ. Theo ông Dũng, mô hình “3 tại chỗ” sẽ không thể kéo dài, cần linh hoạt và tập trung tiêm vắc xin dứt điểm cho doanh nghiệp sản xuất trong thời gian sớm nhất và chuyển sang mô hình 5K + vắc xin, giao quyền tự đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho doanh nghiệp… “Đây là phương án khả thi nhất để ổn định sản xuất lâu dài. Ngoài ra, thành phố nên thành lập tổ xử lý nhanh hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, thiết lập đường dây nóng, thực hiện cơ chế giao tiếp thường xuyên giữa lãnh đạo thành phố và đại diện doanh nghiệp để cập nhật xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh”, ông Dũng nói.
Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, Sở Công thương TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM báo cáo Chính phủ xem xét, chấp thuận giảm giá điện sinh hoạt cho công nhân tại những doanh nghiệp tổ chức phương án sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 địa điểm" như đang áp dụng đối với các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng chống dịch Covid-19; Giao UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức tiếp tục nhận đơn đề nghị, khẩn trương tổ chức thẩm định các doanh nghiệp duy trì sản xuất bảo đảm "3 tại chỗ"; hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, trong đó ưu tiên doanh nghiệp lương thực - thực phẩm; hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận chuyển lưu thông hàng hóa, nguyên phụ liệu, thành phẩm... từ nơi sản xuất đến nơi giao hàng và ngược lại.
Sở Công thương TP.HCM cũng kiến nghị UBND TP.HCM ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế và lương thực - thực phẩm được tiêm vắc xin đủ số lượng người lao động…
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
