Nhiều cơ hội hợp tác đầu tư thiết thực vào Quảng Ngãi
Quảng Ngãi tăng cường đối thoại với doanh nghiệp Quảng Ngãi: Ưu tiên thu hút đầu tư dự án lớn, có tính lan tỏa mạnh mẽ |
![]() |
Nhiều cơ hội hợp tác thiết thực tại Quảng Ngãi |
Ngày 25/10, lần đầu tiên UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị "Giới thiệu Quảng Ngãi" tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, Quảng Ngãi là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là địa phương có mạng lưới cơ sở hạ tầng phát triển, liên thông, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ, đường thủy, đường sắt, cảng biển, hàng không.
Là địa phương có nền kinh tế năng động, với sự phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế biển, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, ngành kinh tế nông - lâm -ngư nghiệp... Quảng Ngãi hiện nằm trong top 20 tỉnh, thành trực thuộc trung ương có quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước. Đồng thời, đây cũng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng.
Với dư địa phát triển dồi dào và định hướng đúng đắn của lãnh đạo tỉnh, Quảng Ngãi sẽ giành được nhiều sự quan tâm, trở thành lựa chọn ưu tiên của các đối tác quốc tế trong thời gian tới, để sớm trở thành trung tâm phát triển của không chỉ khu vực miền Trung mà còn của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các địa phương, trong đó có Quảng Ngãi triển khai công tác ngoại giao kinh tế nhằm đẩy mạnh kết nối đối tác nước ngoài, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu; thu hút các nguồn lực FDI, ODA phục vụ các động lực phát triển của tỉnh như du lịch, kinh tế biển, logistics, thương mại, công nghiệp (hóa dầu, hóa chất, sản xuất kim loại...), Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng bày tỏ.
![]() |
Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, Quảng Ngãi có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng. Đặc biệt, với 130km đường bờ biển và ngư trường rộng 11.000 km2, Quảng Ngãi là cửa ngõ ra tuyến hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương, có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển, nhất là các ngành công nghiệp nặng gắn với Cảng biển nước sâu Dung Quất có khả năng đón tàu trọng tải lớn đến 200.000 DWT.
Quảng Ngãi cũng là nơi hội tụ tinh hoa các nền văn hóa cổ của Việt Nam như văn hóa Sa Huỳnh có bề dày lịch sử khoảng 3.000 năm, văn hóa Chăm-pa, với hệ thống di tích và di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng; danh thắng là tiền đề quan trọng để Quảng Ngãi bứt phá về du lịch, nhất là du lịch biển đảo.
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cân đối ngân sách hàng năm phụ thuộc phần lớn vào sự hỗ trợ của Trung ương. Quảng Ngãi đã khai thác những tiềm năng, thế mạnh để vượt khó vươn lên. Giai đoạn 2021 - 2025, phát triển công nghiệp được tỉnh Quảng Ngãi xác định là nhiệm vụ đột phá.
Tỉnh đã tập trung quy hoạch và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó, nổi bật nhất là Khu kinh tế Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung đến năm 2045. Lĩnh vực công nghiệp hiện đóng vai trò là trụ cột của nền kinh tế tỉnh Quảng Ngãi, với 2 ngành chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép đã đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, đưa Quảng Ngãi trở thành nền kinh tế lớn trong khu vực và cả nước.
Theo đó, năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,69%; quy mô GRDP theo giá hiện hành đạt 121,34 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 4/14 tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành cả nước…
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi sẽ phát triển dựa trên sự hài hòa giữa 3 trụ cột “kinh tế - xã hội - môi trường”, với mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước và là một tỉnh phát triển bền vững và đa dạng. Hình thành 6 vùng không gian kinh tế động lực; chú trọng xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia.
Để khai thác các tiềm năng, lợi thế và những cơ hội trên, Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển mạnh tư duy và hành động theo tinh thần nhân dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận thông tin, chính sách và cơ hội kinh doanh… đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh có môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao trong cả nước, Chủ tịch Đặng Văn Minh khẳng định.
Tỉnh Quảng Ngãi đang hướng tới việc xây dựng chính quyền “phục vụ doanh nghiệp”. Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ Việt Nam, nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi sẽ được hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực... tùy vào từng địa bàn và ngành nghề đầu tư. Riêng đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất, nhà đầu tư được áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất hiện nay của Việt Nam. Tỉnh dành nhiều ưu đãi cho các dự án công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất vật liệu mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo... |
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
