Nhiều áp lực vì giá xăng, dầu tăng cao
Doanh nghiệp “nặng gánh”
Chưa kịp hồi phục sau khi trải qua bốn đợt dịch đầy rẫy khó khăn, các doanh nghiệp vận tải cho biết đang khốn đốn vì giá xăng dầu tăng cao trong thời gian ngắn. Ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta tính toán, trong vận tải đường bộ, 40% cước phí là chi phí nhiên liệu, nên việc giá xăng, dầu tăng trong thời gian ngắn đang ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Đơn cử như sau hai lần điều chỉnh, giá xăng, dầu lên khoảng 13% thì chi phí vận tải đường bộ ước tính sẽ bị đội lên từ 4% - 5%.
Theo ông Nghĩa, trong ngắn hạn doanh nghiệp không có biện pháp nào để có thể đối phó với chi phí xăng dầu tăng một cách bất ngờ như hiện nay. Dù rằng sẽ cố gắng cắt giảm tối đa chi phí, thương lượng với khách hàng để điều chỉnh biểu giá cước vận tải, nhưng điều này không phải dễ dàng và cần thời gian dài, bởi lẽ giá đã được quy định trong hợp đồng. Trước mắt, doanh nghiệp chấp nhập hoạt động với tỷ suất lợi nhuận thấp đi và tính toán lại kế hoạch đầu tư trong trung và dài hạn.
![]() |
Ảnh minh họa |
Không chỉ các doanh nghiệp vận tải, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đang phải gồng gánh chi phí đầu vào tăng cao theo giá xăng dầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất. Ông Trương Chí Cường - Phó tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết, cơ cấu giá thành bán ra không thay đổi, trong khi đó chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu đã tăng do tác động của giá xăng dầu. Doanh nghiệp tìm mọi cách để cắt giảm chi phí, thậm chí chịu lỗ để ổn định giá sản phẩm. Tuy nhiên, có thể trong tháng tới, nếu giá nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tiếp tục tăng, có thể công ty sẽ phải xin điều chỉnh giá bán ra.
Các chuyên gia đánh giá, việc giá xăng, dầu leo thang trong bối cảnh hiện nay sẽ có ảnh hưởng nhất định đến chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, còn có thể giảm hiệu quả, thậm chí “vô hiệu hoá” chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% vốn đang tạo ra những tác động tích cực, thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Cân nhắc điều chỉnh thuế xăng dầu
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2022.
Bộ Tài chính cũng cho biết đã phân công Vụ Chính sách thuế và Tổng cục Thuế nghiên cứu phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, tác động của tăng giá xăng dầu đã được tính toán và dự báo trong kịch bản điều hành giá từ đầu năm, cơ quan quản lý giá sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt dự báo, điều hành linh hoạt giá xăng dầu, tránh tác động bất lợi lên lạm phát.
Đại diện Bộ Công thương cũng khẳng định nguồn cung xăng dầu trong tháng ba vẫn sẽ ở mức thấp song tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung - cầu cân bằng trở lại. Hiện các thương nhân đầu mối đã đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước.
Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành gần đây, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 200-400 đồng/lít.
Chuyên gia kinh tế PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc điều chỉnh giá xăng, dầu thông qua việc sử dụng quỹ bình ổn chỉ là một “tấm đệm giảm sốc”, Nhà nước cần hướng tới việc hỗ trợ giảm các loại phí khác cho doanh nghiệp như phí đường bộ, kiểm định… đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải, từ đó cũng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác.
Về phía doanh nghiệp cũng cần nỗ lực tái cấu trúc, sắp xếp lại hoạt động của mình để cắt giảm tối đa chi phí, hạn chế thấp nhất tình trạng chạy xe rỗng một chiều, xem xét ký kết lại các hợp đồng để đàm phán lại với bạn hàng, phù hợp với hoàn cảnh giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay.
Tin liên quan
Tin khác

Sáng 14/4: Giá vàng thế giới tiếp đà tăng

Giá vàng thế giới tuần tới: Căng thẳng địa chính trị tiếp tục là động lực chính

Sáng 11/4: Giá vàng thế giới tiếp tục được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản vững chắc

Hà Nội mở bán một dự án nhà ở xã hội, giá bán chỉ từ 13,7 triệu đồng/m2
![[Infographic] Giá xăng dầu giảm mạnh, xăng RON 95 thấp nhất kể từ 2021](https://tbnhnew.mastercms.vn/stores/news_dataimages/2025/042025/10/15/10-420250410155228.jpg?rt=20250410155230?250410035943)
[Infographic] Giá xăng dầu giảm mạnh, xăng RON 95 thấp nhất kể từ 2021

Sáng 10/4: Giá vàng thế giới tăng hơn 3% sau quyết định hoãn áp thuế của Mỹ

Sáng 9/4: Giá vàng thế giới bị kìm hãm bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ

Sáng 8/4: Giá vàng thế giới chịu áp lực trước sự phục hồi của USD
![[Infographic] Tiêu dùng nội địa khởi sắc, giá cả ổn định](https://tbnhnew.mastercms.vn/stores/news_dataimages/2025/042025/06/23/hoang-long20250406235705.jpg?rt=20250406235708?250407061122)
[Infographic] Tiêu dùng nội địa khởi sắc, giá cả ổn định
