Người dùng đổ xô đi sửa chữa, mua sắm máy tính
Nghe tin cửa hàng máy tính mở trở lại, Nguyễn Huyền, sinh viên năm thứ tư tại Hà Nội, gọi điện từ tối hôm trước để đặt lịch sửa laptop. Dù đến trước giờ hẹn, cô vẫn phải xếp hàng khoảng nửa tiếng do đông khách, trong khi cửa hàng chỉ phục vụ số lượng giới hạn.
Gần một tháng trước, laptop của Huyền bị liệt một số phím do dính nước khi học tại nhà, nên phải gắn bàn phím ngoài để sử dụng. "Tôi mong sửa máy sớm để sắp tới còn mang đi học, đồng thời tránh việc máy dính ẩm lâu lại hỏng thêm. Dù phải chờ đợi, vẫn còn hơn là không sửa được", Huyền nói.
Tại một cửa hàng khác trên đường Thái Hà, Thế Long cũng đang đứng xếp hàng vào mua máy. Long chuẩn bị vào đại học và cần mua máy mới. "Lo dịch bệnh diễn biến phức tạp, linh kiện tăng giá, nên có cơ hội là tôi đi mua ngay. Dù sao đến tận nơi kiểm tra và mang máy về vẫn tốt hơn đặt hàng online rồi chờ đợi", Long nói.
Trong hai ngày mở cửa trở lại, nhiều cửa hàng, trung tâm sửa chữa thiết bị điện tử tại Hà Nội ghi nhận lượng khách đến tăng gấp 2 - 3 lần so với đợt trước giãn cách.
![]() |
Người dùng đi sửa máy tính tại Hà Nội, hôm 22/9. Ảnh: Huy Nguyễn |
Chỉ trong ngày đầu, hệ thống Điện thoại vui, chuyên sửa chữa điện thoại và máy tính, ghi nhận số thiết bị cần xử lý tăng gấp hai lần, chủ yếu là các lỗi cơ bản phát sinh trong quá trình sử dụng điện thoại, máy tính.
Trong khi đó, doanh số của hệ thống CellphoneS cũng trong hai ngày 21 - 22/9 tăng 70%. Các mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất vẫn là thiết bị phục vụ học tập và làm việc, như MacBook, laptop Windows, thiết bị mạng, router Wi-Fi...
"Phần lớn sản phẩm bán chạy thuộc phân khúc văn phòng tầm trung hoặc laptop chơi game. Khá đông người mua là học sinh, sinh viên. Thực ra, đây cũng là xu hướng chung của mọi năm khi mùa tựu trường đến", đại diện hệ thống này cho biết.
Tương tự, hệ thống máy tính An Phát cho biết, ngay khi mở cửa hôm 21/9, cửa hàng đã chứng kiến mức tăng trưởng doanh số gấp ba lần.
"Đặc thù của ngành hàng máy tính, thiết bị gaming là khách thường muốn đến tận nơi trải nghiệm trước khi mua. Trong giai đoạn giãn cách, việc vận chuyển và lắp đặt khó khăn, nên đa số đợi đến khi mở cửa trở lại mới tới mua máy", anh Đức Tiến, đại diện hệ thống An Phát, giải thích. Bán chạy nhất hai ngày qua là máy tính trong phân khúc dưới 20 triệu đồng. Một số sản phẩm chuyên cho nhu cầu chơi game như ghế ngồi, bàn phím, card đồ họa nhanh chóng rơi vào tình trạng cháy hàng.
Theo các chủ cửa hàng, thách thức trong giai đoạn này là vừa đảm bảo phục vụ số lượng khách hàng tăng mạnh, vừa phải tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch. Một số cửa hàng cho biết 100% nhân viên đều đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trong vòng hai tuần, đồng thời cũng tổ chức xét nghiệm nhanh ba ngày một lần. Cửa hàng cũng phải cử người quét mã QR với mỗi khách ra vào.
Tin liên quan
Tin khác

ChatGPT nâng cấp mạnh mẽ với tính năng ghi nhớ toàn bộ lịch sử trò chuyện

Tiffany ra mắt đồng hồ đính 771 viên kim cương, giới hạn chỉ 10 chiếc

Robot Samsung mới được hỗ trợ bởi AI này sẽ theo bạn khắp nhà để trả lời các câu hỏi

Vacheron Constantin ra mắt đồng hồ phức tạp nhất thế giới, giá 8-10 triệu USD

Thúc đẩy phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

Lo thuế quan đẩy giá, người tiêu dùng Mỹ "tính chuyện" mua đồ công nghệ

Chanel ra mắt phiên bản J12 với chất liệu gốm và màu xanh đêm huyền bí

Grab giới thiệu loạt cải tiến công nghệ mới được thiết kế "dành cho mỗi người"

Rolex Land-Dweller 2025: Sự hồi sinh của thiết kế thập niên 1970
