Ngành sản xuất game: "Mỏ vàng" để khai thác
Vẫn tăng trưởng trong đại dịch
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, những năm gần đây ngành game Việt Nam cũng có bước phát triển nhanh và thu nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, đây là ngành vẫn chưa được xã hội khuyến khích, còn tồn tại nhiều quan niệm tiêu cực nên chưa phát huy hết thế mạnh. Theo các chuyên gia, với thị trường Việt Nam rộng lớn thì phát triển ngành game được ví như một "mỏ vàng" cần được khai thác để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường game vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Ngành game Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành ngành xuất khẩu mới, giá trị cao, hỗ trợ quá trình hồi phục kinh tế trong và sau đại dịch. Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2020, doanh thu ngành game của Việt Nam đã cán mốc 12 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi so với năm 2015. Thị trường game đang thu hút 25 nghìn nhân sự, phục vụ 32 triệu người chơi game trong nước. Những con số trên cho thấy lĩnh vực này có nhiều tiềm năng trong tương lai.
![]() |
Ảnh minh họa |
Hiện nay, thị trường game ở Việt Nam cũng đã có nhiều đột phá trên thị trường thế giới. Số liệu nghiên cứu và thống kê từ Adsota cho thấy, Việt Nam là thị trường game đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 27 thế giới về doanh thu trong năm 2019. Năm 2020, ước tính có 40 triệu người chơi game mobile. Riêng thị trường eSports ước đạt 147 triệu USD vào năm 2023, tăng trưởng trung bình 11,3%/năm. Theo bảng xếp hạng của App Annie 2020, các công ty game Việt Nam đứng thứ 7 về lượt game được được tải nhiều nhất trên thế giới. Cứ mỗi 25 game được tải thì có một game do công ty Việt Nam sản xuất. Một trong những yếu tố góp phần làm cho Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn của ngành công nghiệp game chính là tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh đang ở mức cao với hơn 50% dân số sử dụng. Bên cạnh đó, phạm vi phủ sóng internet tốc độ cao, bao gồm cả mạng 4G rộng khắp các tỉnh thành, tạo điều kiện cho người dùng có thể chơi game ở mọi lúc, mọi nơi.
Theo các chuyên gia, đại dịch Covid lại tác động tích cực lên ngành game, các chỉ số về lượt tải, số lượng game và nhu cầu giải trí cũng như số người chơi đều có sự tăng trưởng vượt bậc. Do đó, các nhà phát hành tại Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này bằng việc đẩy mạnh phát hành những game chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Ông Phạm Hồng Quân - Giám đốc Game Studio Onesoft khẳng định, trong những năm gần đây, các studio lớn về game trên thế giới đang ngày càng mở rộng quy mô thị trường tại Việt Nam. Đây là thời điểm vô cùng thuận lợi để các thế hệ trẻ tiến sâu vào ngành công nghiệp giàu tiềm năng này. Chính vì vậy thị trường game là một “mỏ vàng” với nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển ở quy mô toàn cầu.
Khơi thông những “điểm nghẽn”
Mặc dù được đánh giá là ngành kinh doanh giàu tiềm năng, và thực tế đang là ngành duy nhất “xuất khẩu” được sản phẩm nội dung số của Việt Nam ra thế giới, tuy nhiên, ngành game Việt Nam vẫn chưa thể đột phá do những chính sách, những rào cản pháp lý và nhất là nhân lực cho ngành công nghệ này còn đang thiếu và yếu. Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng, hiện ngành game ở Việt Nam chưa nhận được cái nhìn tích cực và thiện cảm từ xã hội. Theo đó, cần gỡ bỏ những rào cản về pháp lý và có những chính sách mang tính khuyến khích tạo những cú hích mạnh thúc đẩy ngành này phát triển.
Theo ông Phạm Hồng Quân, thu nhập của nhân sự ngành game, đặc biệt là ở các công ty phục vụ thị trường quốc tế, đang ở mặt bằng toàn cầu, cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác trong CNTT. Vị trí tuyển dụng cũng rất đa dạng, không chỉ có công việc lập trình, mà còn có xây dựng kịch bản, hiệu ứng chuyển động, đồ họa, biên tập video… mang lại nhiều lựa chọn cho các bạn trẻ đam mê và yêu thích lĩnh vực này. Nhưng do ngành game vẫn chưa được khuyến khích đúng mức nên nhân lực cho ngành này đang thiếu hụt rất nhiều. Hiện các trường đại học không có đào tạo bài bản cho chuyên ngành này. Một số nguồn thống kê nhận định ngành game tại Việt Nam hiện đang thiếu 20.000 - 30.000 nhân sự, trong khi nguồn cung hầu như không đáng kể. Thời gian gần đây, sự hiện diện của những công ty quốc tế như Gameloft càng làm tăng sự khốc liệt trong cuộc cạnh tranh nhân sự giữa các game studio.
Có thể thấy, trong thời điểm cả thế giới đang phải đối mặt với cơn đại dịch Covid, ngành công nghiệp game vẫn trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Thị trường game sôi động mở ra cơ hội cho các studio, nhà phát hành game có cơ hội thể hiện năng lực sản xuất vượt trội của đội ngũ nhân sự người Việt. Đồng thời đang mở ra rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ được tự do phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực yêu thích của mình với nhiều vị trí tuyển dụng đa dạng. Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc phát triển game nếu có sự quan tâm thích đáng từ xã hội, sự đào tạo bài bản chính quy từ các trường đại học, đơn vị giáo dục. Ngay lúc này là thời điểm thuận lợi để các tài năng trẻ Việt yêu thích lĩnh vực game nắm bắt cơ hội, chuẩn bị hành trang kiến thức, kỹ năng để gia nhập vào ngành công nghiệp giải trí đầy triển vọng này, ông Phạm Hồng Quân nhấn mạnh.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh
