Ngành Ngân hàng Lạng Sơn đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển kinh tế địa phương
Đây là bộ phận có vai trò quan trọng trong quá trình phân phối, lưu thông hàng hóa, cung ứng dịch vụ, góp phần ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tích cực tham gia quá trình phát triển kinh tế - xã hội; góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Theo đó, trong những năm gần đây, Lạng Sơn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế phát triển ổn định, duy trì được đà tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, huy động các nguồn lực đầu tư đáp ứng được yêu cầu mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế, tiềm năng thế mạnh của tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2010-2019 đạt 6,85% (giai đoạn 2015-2019 đạt trên 7%). GRDP bình quân đầu người (giá thực tế) năm 2019 đạt 43,4 triệu đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2010 và gấp 1,6 lần năm 2015, đời sống nhân dân được cải thiện...
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp của tỉnh Lạng Sơn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ; qui mô sản xuất, kinh doanh còn nhỏ bé; đa số các doanh nghiệp còn yếu về trình độ quản lý thiếu thông tin, khả năng tiếp cận và thâm nhập thị trường còn hạn chế, các dịch vụ kinh doanh tại địa phương chưa phát triển cho nên năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung còn thấp. Nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp đang đặt lên vai chính quyền địa phương các cấp, các sở - ngành Lạng Sơn.
Lạng Sơn phấn đấu đến 2025 có khoảng 300 doanh nghiệp có mức vốn trên 100 tỷ đồng, trong đó có 8-10 doanh nghiệp có mức vốn từ 500-1.000 tỷ đồng; tỷ lệ vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp trong tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh đạt trên 40%. |
![]() |
Một góc TP. Lạng Sơn |
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các chương trình, kế hoạch và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chính sách hỗ trợ về mặt bằng, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ pháp lý... Ngoài ra, hàng năm tỉnh tổ chức Hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã đầu xuân; Hội nghị đối thoại doanh nghiệp với chính quyền... qua đó nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh để đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Đồng hành cùng với các giải pháp của cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhằm đóng góp một phần cho sự phát triển của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các tổ chức tín dụng nỗ lực thực hiện các giải pháp hỗ trợ về vốn và dịch vụ ngân hàng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Theo đó, đẩy mạnh thực hiện chính sách cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thấp hơn 1-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường (hiện nay là 6,5%/năm); thực hiện chính sách cho vay trong nông nghiệp, nông thôn, cho doanh nghiệp, hợp tác xã vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% để phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn từ 0,5%-1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp gắn với Chương trình bình ổn thị trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ phương án, dự án sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các giải pháp đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn còn thực hiện ký Quy chế phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy hoạt động tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp - một trong những cách làm đổi mới, thiết thực của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp.
Hàng năm, Chi nhánh cũng xây dựng kế hoạch, trực tiếp làm việc với một số doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền các huyện trên địa bàn để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp nói chung và đánh giá tình hình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nói riêng; đồng thời tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp để có cơ sở đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với ngân hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
![]() |
Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn, tháng 7/2019. |
Đưa “vốn rẻ” đến với doanh nghiệp
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn, các chi nhánh tổ chức tín dụng đã chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp cho khách hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng; thực hiện các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, các chi nhánh tổ chức tín dụng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa các hình thức cấp tín dụng, tạo thêm giá trị gia tăng cho doanh nghiệp thông qua các dịch vụ tiện ích phong phú; quy trình, thủ tục cấp tín dụng đối với doanh nghiệp ngày càng đơn giản, rõ ràng, minh bạch phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn dễ dàng; Tiếp cận, làm việc với khách hàng nói chung, doanh nghiệp nói riêng để nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhu cầu vốn vay, để tư vấn, thống nhất trong quá trình đầu tư vốn, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng.
Các ngân hàng thương mại cũng luôn tích cực dành nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp. Dòng vốn giá rẻ này giúp cho cộng đồng doanh nghiệp tận dụng lợi thế để tập trung phát triển sản xuất kinh doanh.
Đơn cử như Sacombank triển khai gói cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng đồng thời nhiều sản phẩm dịch vụ của ngân hàng; VietinBank ban hành nhiều chương trình tín dụng thúc đẩy tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Chương trình tín dụng Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Gói tín dụng “Cho vay linh hoạt cùng lãi suất cố định”, Chương trình ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp khởi nghiệp. BIDV triển khai chương trình tín dụng trung dài hạn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất từ 8%/năm, thời hạn vay đến 7 năm…
Tính đến 30/11/2019, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn là 30.823 tỷ đồng, tăng 2.698 tỷ đồng (tăng 9,6%) so với 31/12/2018. Toàn địa bàn có 973 doanh nghiệp quan hệ tín dụng với ngân hàng, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với các loại hình doanh nghiệp là 10.540 tỷ đồng, chiếm 34,2% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn, tăng 119 tỷ đồng (tăng 1,4%) so với 31/12/2018.
Cũng trong năm 2019, các tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay 29 món với số tiền là 73 tỷ đồng, trong đó có 14 món vay của khách hàng doanh nghiệp với số tiền 38 tỷ đồng; có 28 khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng mức lãi suất ưu đãi theo quy định tại Quyết định số 1425/QĐ-NHNN ngày 7/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với dư nợ cho vay ngắn hạn là 94 tỷ đồng, chiếm 0,32% tổng dư nợ toàn địa bàn; và có 242 khách hàng doanh nghiệp được các ngân hàng áp dụng các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi với dư nợ đạt 1.319 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 5 chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn cam kết cho 3 doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường vay với tổng số tiền 116 tỷ đồng; doanh số cho vay từ đầu năm là 10 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 22 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến từ 6-7,5%/năm, lãi suất cho vay trung hạn là 10%/năm.
Với những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn trong việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh và sự tham gia tích cực của các chi nhánh tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, ngành Ngân hàng trên địa bàn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DDCI) của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn năm 2018 đứng thứ 6 trên tổng số 21 sở, ban, ngành được đánh giá đã phần nào phản ánh được những tác động tích cực của ngành Ngân hàng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. |
4 định hướng hoạt động của ngành Ngân hàng Lạng Sơn
Tuy nhiên, để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, vượt qua các rào cản phát triển do thiếu điều kiện tài sản thế chấp; trình độ quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất thấp, máy móc thiết bị lạc hậu, dẫn đến chất lượng sản phẩm và năng suất thấp; thiếu thông tin thị trường... thì đòi hỏi các sở, ngành, chính quyền địa phương cùng ngành Ngân hàng phải có những giải pháp thiết thực hơn nữa. Riêng về phía ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn đã đưa ra 4 định hướng trong thời gian tới.
Một là, nghiên cứu, hướng dẫn các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, xem xét áp dụng các điều kiện vay vốn ưu đãi; Tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cung cấp dịch vụ theo hướng đơn giản, bớt phiền hà; Chủ động tìm hiểu nhu cầu khách hàng, tuyên truyền và hướng dẫn cho doanh nghiệp để nắm rõ các quyền lợi, nghĩa vụ khi thực hiện các giao dịch với ngân hàng.
Hai là, chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, những bất cập trong triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ có hiệu quả hoạt động doanh nghiệp phát triển; Thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công tại Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025.
Ba là, tiếp tục phối hợp với Quỹ đầu tư phát triển tỉnh để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn của Chính phủ; Phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh… theo định hướng và ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bốn là, chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, Chương trình bình ổn thị trường...
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
