Ngành game trực tuyến đang “áo gấm đi đêm”?
Đó là ý kiến được trao đổi tại Tọa đàm trực tuyến “Xây dựng chính sách pháp luật thúc đẩy sự phát triển của trò chơi trực tuyến tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức vào chiều ngày 28/12/2021.
Theo thống kê của Newzoo, năm 2021 có gần 3 tỷ người chơi game trên toàn cầu, tăng 5,3% so với năm 2020. Doanh số thị trường game nói chung ước tính đạt 175,8 tỷ USD năm 2021 và được dự báo có thể tăng lên 218,7 tỷ USD năm 2024.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Trao đổi tại Tọa đàm, ông Dương Vi Khoa, Phó Chủ tịch Hội Thể thao Giải trí Điện tử Việt Nam cho rằng, thời gian qua, ngành game Việt đã bắt đầu khẳng định được vị thế trong khu vực và có bước phát triển đáng ghi nhận. Cụ thể, trong 6 tháng vừa qua, có hơn 100 dự án về game ra đời và đang phát triển trên thị trường. Các doanh nghiệp phát hành trong nước đã bắt đầu liên kết với nhau. Sự phát triển của ngành game rõ ràng đã tạo ra giá trị nhất định cho các lĩnh vực khác như âm nhạc, giáo dục…
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Thành Trung, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Sky Mavis phân tích, game thực chất là một hình thức thực sự hiệu quả để đưa những người ít tiếp xúc với công nghệ đến với những công nghệ mới. Thực tế cho thấy, có những người biết đến game, chơi game và thông qua đó đã biết tới tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Hiện nay, game đã có những bước phát triển mạnh mẽ và lan tỏa tới nhiều lĩnh vực khác như công nghệ truyền thống, tài chính, kinh tế, luật… để đi theo sự phát triển của công nghệ mới.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS dẫn kết quả thống kê cho thấy, cứ 25 game mobile được tải lên kho ứng dụng thì có 1 game của Việt Nam và trong 10 game mobile được nhiều người chơi nhất thì có 5-6 game đến từ Việt Nam. Rõ ràng, tiềm năng của ngành game rất lớn nhưng lại đang đối mặt nhiều rào cản về pháp lý như đăng ký hoạt động, tài sản số, nộp thuế… Chính vì vậy, ngành game hiện còn đang có quy mô rất nhỏ so với nền kinh tế số của Việt Nam, mặc dù đây được đánh giá là một ngành mũi nhọn trong xuất khẩu nội dung số ra nước ngoài.
Bà Trương Kiều Oanh, đại diện Công ty cổ phần Gamota cho biết, việc kiểm duyệt nội dung game tuy có mục đích rất tốt, giảm thiểu những game có ảnh hưởng xấu đến người dùng, tuy nhiên có một con số đáng buồn là 92% người chơi ở Việt Nam chơi game trên thiết bị di động và 70% trong số đó không được kiểm duyệt về nội dung.
Những game có nội dung xấu thường là các game của nước ngoài đổ vào Việt Nam, bởi lẽ hoạt động kiểm soát nội dung của các game xuyên biên giới còn nhiều hạn chế. Điều đó tạo ra một cuộc chơi không công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp game nước ngoài trong vấn đề kiểm duyệt nội dung.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Lan Phương, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho biết, hiện nay, khi một doanh nghiệp nước ngoài muốn cung cấp trò chơi trực tuyến vào Việt Nam thì có hai hình thức, một là thành lập văn phòng, chi nhánh công ty ở Việt Nam hoặc hợp tác kinh doanh với một doanh nghiệp cung cấp trò chơi trực tuyến ở Việt Nam. Điều này cho thấy quy định quản lý các game xuyên biên giới đã có. Tuy nhiên trong thực tế, việc thực hành quy định này còn chưa tốt dẫn đến hiện trạng nhiều game có nội dung xấu vẫn tồn tại trên thị trường.
Chính vì vậy, để phát triển ngành game Việt trong thời gian tới, các chuyên gia đồng tình rằng cần tăng cường thực hiện tiền kiểm, hậu kiểm đối với nội dung game, đối với cả game trong nước và game xuyên biên giới để có thể tạo ra cuộc chơi công bằng cho các doanh nghiệp Việt trên sân nhà.
Bên cạnh đó cần hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là các quy định phù hợp với công nghệ mới trong ngành game trực tuyến như blockchain. Công nghệ blockchain được đánh giá sẽ là chìa khóa để giải quyết và giúp phát huy thế mạnh và khắc phục hạn chế của game Việt Nam. Thông qua blockchain hóa, các studio game sẽ tiếp cận được nguồn vốn mới thông qua tệp khách hàng mới. Với tài chính vững chắc, các sản phẩm game Việt sẽ có những kế hoạch phát triển dài hơi. Các chuyên gia cũng khuyến nghị việc sử dụng cơ chế thử nghiệm sandbox để phát triển các công nghệ mới trong ngành game.
Đại diện một số doanh nghiệp cũng bày tỏ lạc quan khi Việt Nam đang có nhiều yếu tố tích cực để phát triển các công nghệ mới, trong đó có ngành game trực tuyến. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp lo lắng nhất đó là hành lang pháp lý không rõ ràng khiến họ sẽ phải hoang mang, dò dẫm sao cho không sai với luật hiện hành. Do vậy, cần có những chính sách cụ thể, hài hòa hơn để tạo ra hệ sinh thái thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
