Ngành da giày đối mặt thách thức đơn hàng giảm
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2022. Tại thời điểm này, doanh nghiệp thuộc các ngành hàng đều đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu để hoàn thành mục tiêu cả năm. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm khó khăn cho các đơn vị xuất khẩu bởi một số thị trường lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ đang trong bối cảnh thu hẹp nhu cầu tiêu dùng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp sản xuất da giày đang thiếu đơn hàng. |
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu da giày tăng trưởng khá, trong đó các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều giữ được đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang các thị trường có FTA ghi nhận sự phục hồi tích cực, đặc biệt là khối thị trường thành viên EVFTA, CPTPP và thị trường Anh thông qua UKVFTA đều tăng hơn 10%.
Nhờ khai thác thị trường xuất khẩu hiệu quả, 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép - túi xách đạt 23,345 tỷ USD; trong đó túi xách tăng 39,4% so với cùng kỳ và đạt 3,378 tỷ USD, giày dép tăng tới 40,9% và đạt 20,057 tỷ USD.
Mục tiêu xuất khẩu của giày dép - túi xách đề ra từ đầu năm là 25 tỷ USD. Với kim ngạch xuất khẩu trung bình 2,2 tỷ USD/tháng, ngành hàng giày dép - túi xách có thể tạo ra kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD trong chặng đường 2 tháng còn lại của năm, từ đó cán đích năm 2022 với khoảng 27 tỷ USD.
Tuy nhiên từ đầu quý IV/2022, tốc độ xuất khẩu đã chững lại do thiếu đơn hàng và có nhiều tác động tiêu cực từ thị trường trong nước và quốc tế. Lượng đơn hàng mới có xu hướng giảm do tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong khi đó, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao.
Bà Phan Thị Thanh Xuân nhận định, tình hình khó khăn có thể sẽ kéo dài sang năm 2023, nên các doanh nghiệp cần sớm có kế hoạch ứng phó dài hạn, nhanh chóng tiết giảm chi phí sản xuất, mở rộng thêm thị trường, đặc biệt là khu vực còn ổn định, lạm phát thấp.
Trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp, nhu cầu giảm, theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất rất cần khẩn trương đa dạng hóa thị trường, từ nguồn cung nguyên phụ liệu cho đến đầu ra sản phẩm, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống.
Hiệp hội cho biết cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhiều thị trường hơn ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu; đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng tốt lợi thế từ các FTA mang lại.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
