Ngân tín Phú Yên thời chống Mỹ
Vượt Trường Sơn vào Nam
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân năm 1968, thực hiện chủ trương của Đảng, ngành Ngân hàng đã cử một lực lượng cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam (gọi là B68), và tôi vinh dự có mặt trong số đó.
Sau mấy ngày ngắn ngủi tạm biệt gia đình, tôi và một số anh chị em thuộc Ngân hàng tỉnh Thanh Hóa lên đường về điểm tập kết. Tại một khu rừng thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình), tôi được biên chế vào đoàn về tỉnh Phú Yên, đoàn gồm 8 anh em: Võ Phụng Kiến, Võ Đình Hương, Võ Luận, Lê Kim Chua, Trần Quốc Vịnh, Trần Tấn Luân, anh Sanh và tôi ( Nguyễn Anh Sung). 8 anh em đều là bộ đội tập kết ra Bắc làm công tác ngân hàng, có cùng nguyện vọng trở về miền Nam chiến đấu góp phần giải phóng quê hương đất nước.
Sáng ngày 19/5/1968, đoàn xe của chúng tôi lên đường rời nơi tập kết. Tới ngày thứ 2, khi chuẩn bị vượt sông Lam (Nghệ An) thì máy bay địch đánh vào đội hình làm 1 người hy sinh và 2 người bị thương. Sau đêm ấy, Ban chỉ huy quyết định không di chuyến bằng phương tiện cơ giới nữa mà hành quân bộ.
Theo quy định, cứ hành quân 4 ngày là được nghỉ một ngày, mỗi ngày đi từ 10 đến 12 giờ đồng hồ; giao liên dẫn đoàn vào, đi khoảng nửa thời gian thì bàn giao cho giao liên đưa đoàn ra tiếp tục dẫn đoàn vào... Cứ như thế sau hơn 2 tháng ròng rã, vượt mọi thử thách khó khăn băng rừng lội suối, lên thác xuống ghềnh trên đỉnh Trường Sơn khắc nghiệt, đoàn đã đi qua nhiều tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình...
Đến giữa tháng 8/1968, đoàn chi viện cho chiến trường miền Trung và Tây Nguyên đã tới căn cứ của Ban Tài mậu Khu 5 (tỉnh Quảng Nam). Ở đây đoàn được nghỉ 5 ngày, các đồng chí lãnh đạo Ban Tài mậu đến động viên thăm hỏi, phổ biến một số tình hình nhiệm vụ, sắp xếp lại công tác tổ chức...
Đúng 12h ngày 21/10/1968, đoàn đã về đến Phước Tân, huyện Sơn Hòa - trạm giao liên cuối cùng, kết thúc chặng đường đầy khó khăn gian khổ về với miền Nam thân yêu, bước vào cuộc chiến đấu mới.
Hoạt động trong vùng giải phóng
Theo Quyết định của Ban Tài mậu Khu thì các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đều tổ chức các cơ quan Ngân tín trực thuộc Ngân tín Khu. Theo đó, Ngân tín Phú Yên được thành lập vào cuối năm 1968, nòng cốt là những cán bộ được Ngân hàng Trung ương cử về, với biên chế ban đầu là 15 đồng chí do anh Nguyên Văn Câu (từ miền Bắc vào năm 1965) làm trưởng Tiểu ban; anh Võ Đình Hương làm phó Tiểu ban. Tiểu ban Ngân tín Phú Yên là một trong 5 Tiểu ban thuộc Ban Tài mậu tỉnh do đồng chí Nguyễn Hữu Ai làm trưởng ban.
Dưới sự lãnh đạo của Ngân tín Khu, căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn, nhiệm vụ của Ngân tín Phú Yên trong những năm đánh Mỹ là tập trung, khai thác và quản lý các nguồn thu tài chính tiền tệ, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi tiêu của tỉnh. Các hoạt động chính là thu động viên, lạc quyên và các khoản đóng góp khác bằng tiền, vàng, bạc, kim loại quý, đá quý của các tầng lớp nhân dân đang sinh sống trong vùng địch kiểm soát, vay tiền của dân, thu chiến lợi phẩm bằng tiền... và nguồn chi viện từ miền Bắc vào. Ngoài việc đáp ứng các nhu cầu chi tiêu phục vụ kháng chiến, còn cho vay sản xuất ở vùng giải phóng và chi viện bằng đồng Sài Gòn cho hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Từ nguồn đô-la Mỹ được miền Bắc chi viện, qua kế hoạch phân phối của Ngân tín Khu, ngân tín Phú Yên tổ chức nắm bắt tỷ giá giữa đồng đô-la và đồng Sài Gòn ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Nha Trang, Quy Nhơn và thị xã Tuy Hòa, báo về Ngân tín Khu để có quyết định về tỷ giá từng thời kỳ trên từng địa bàn. Cơ sở thu đổi đồng đô-la là những người có quan hệ mật thiết với với lực lượng cách mạng đang sinh sống trong vùng địch kiểm soát, được chính quyền giới thiệu và giao nhiệm vụ với nguyên tắc “việc ai người nấy làm, chuyện ai người ấy biết”, tập trung đồng Sài Gòn từ vùng địch kiểm soát, rồi chuyển bằng nhiều cách khác nhau ra vùng giáp ranh, cán bộ ngân tín tiếp nhận tiền Sài Gòn, giao đồng đô-la.
Trong những thời điểm các cửa khẩu bị địch phong tỏa dài ngày, không tiếp cận được với cơ sở, lượng tiền trong kho thấp, các cán bộ ngân hàng cùng lực lượng bảo vệ phải vào tận xóm làng, vào vùng địch kiểm soát thu gom tiền chuyển về vùng căn cứ.
Việc tiếp nhận đồng đô-la, chuyển đổi sang đồng Sài Gòn đã là cả một quá trình vô cùng gian khó, đầy hy sinh mất mát, nhưng việc cất giữ tài sản trên từ vùng địch kiểm soát chuyển về lại công phu phức tạp, khó khăn không kém; công tác bảo quản tiền và tài sản được giao cho 3 người: 1 đồng chí trưởng Tiểu ban, 1 phụ trách kế toán và 1 thủ kho (gọi là ban quản lý kho). Nơi đặt kho tiền phải bảo đảm bí mật an toàn tuyệt đối, dễ ngụy trang và phải cách xa nơi làm việc từ 100m trở lên.
Hệ thống kho tiền được bố trí tại 2 vùng khác nhau và cách nhau khá xa, kho dự trữ gọi là kho A, kho sử dụng hàng ngày gọi là kho B. Kho dự trữ nằm sâu trong vùng căn cứ, là nơi cất giữ đồng đô-la, kim loại qúy, đá quý và một lượng tiền Sài Gòn. Mỗi kho có một phụ kho, ngoài việc mở sổ sách kế toán cho từng vùng, kho còn mở thêm một sổ thăm kho, cứ 3 ngày một lần, thủ kho phải thăm kho, đây là một quy trình nghiêm ngặt, nếu không thực hiện đầy đủ thì khó phát hiện những hiện tượng bất thường dẫn đến hư hỏng mất mát tài sản vì kho tiền luôn nằm dưới mặt đất.
Phương tiện dùng để cất giữ tiền là ống đạn pháo, thùng đựng đạn đại liên của địch bỏ lại sau những trận càn; các thùng đều được chôn ở một vị trí được đánh dấu phù hợp với sổ theo dõi chi tiết. Nhờ vận dụng tốt cơ chế này mà trong suốt những năm chúng tôi làm việc, không có trường hợp nào xảy ra hư hỏng, mất mát tài sản và tiền bạc của Nhà nước mà Ngân tín Phú Yên quản lý.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng
Ngày 1/4/1975, đoàn cán bộ Ngân tín Phú Yên theo chân các chiến sĩ lực lượng vũ trang tiến vào giải phóng thị xã Tuy Hòa, làm nhiệm vụ tiếp quản tài chính của ngân hàng chế độ Sài Gòn, của ty Ngân khố Phú Yên và làm một số nhiệm vụ khác do ban Quân quản phân công.
Tháng 9/1975, chúng ta thực hiện việc đổi tiền từ tiền Sài Gòn sang tiền giải phóng. Ngân tín Phú Yên cũng đã góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử đó.
Lúc đó, trong tổng số 20 cán bộ còn lại (7 người đã hy sinh trong chiến tranh), gần một nửa được ngành Ngân hàng cử đi đào tạo hoặc làm nhiệm vụ khác; số còn lại cùng các cán bộ do Ngân hàng Trung ương điều về và các cán bộ mới tuyển vào, được đào tạo cấp tốc để hình thành bộ khung Ngân hàng Phú Yên từ tỉnh đến huyện.
Tháng 1/1976, Ngân hàng Phú Yên sáp nhập với Ngân hàng Khánh Hòa thành Ngân hàng Phú Khánh. Đồng chí Trần Tuấn Đức (Phú Yên) được chỉ định làm quyền Trưởng chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh. Công tác tổ chức từ đó từng bước được ổn định, đưa mọi hoạt động nghiệp vụ ngân hàng đi dần vào nề nếp.
… Đã gần 45 năm từ khi chiến tranh lùi xa, trong ký ức của mỗi chúng tôi, những người còn sống hôm nay vẫn luôn nhớ về khoảng thời gian hơn 7 năm khó khăn gian khổ ác liệt mà rất hào hùng. Và trên tất cả, là sự tiếc thương các cán bộ của Ngân tín Phú Yên đã ngã xuống khi thực hiện nhiệm vụ. Sự hy sinh thầm lặng của các anh các chị đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng quê hương Phú Yên, đồng thời viết thêm những trang sử trong quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Ngân hàng Việt Nam.
Xin gửi một nén hương lòng, mãi mãi nhớ về các anh chị đã hy sinh vì sự nghiệp chung.
Tin liên quan
Tin khác

Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Đà Nẵng biểu dương lao động giỏi
