Ngân hàng với thách thức lên sàn
![]() | Động lực mới để các ngân hàng lên sàn |
![]() | Thời gian tới, sẽ có nhiều ngân hàng lên sàn |
![]() |
HDBank là một trong ba nhà băng đã lên sàn thành công năm 2018 |
Đòi hỏi tất yếu
Tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, ngoài các mục tiêu chung về việc phát triển thị trường chứng khoán, một nội dung được quan tâm nhiều nhất đó là nhóm giải pháp cơ cấu lại hàng hóa trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với NHNN thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các NHTMCP theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các NHTM phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Biện pháp này được giới chuyên môn đánh giá là tạo thêm nhiều hàng hóa có chất lượng cho thị trường bởi các ngân hàng thường có giá trị vốn hóa lớn, tính minh bạch cũng được đánh giá là cao hơn so với nhiều ngành nghề khác. Bởi vậy, sự xuất hiện của cổ phiếu ngân hàng trên thị trường vừa tăng quy mô thị trường cũng như thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nhiều hơn.
Cần phải nhắc lại, không phải đến thời điểm này các ngân hàng mới nhận được “trát” gọi lên sàn. Tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018 cũng đã đặt mục tiêu đến 2020 hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTMCP trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Những đòi hỏi trên được cho là tất yếu. Khi đã là công ty đại chúng, theo quan điểm của một chuyên gia ngân hàng, việc lên sàn của các ngân hàng là cần thiết có thể giúp các ngân hàng thực hiện đa mục tiêu như vừa nâng cao tính thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Từ đó củng cố lòng tin đối với các nhà đầu tư, việc gọi vốn vì thế cũng trở nên dễ dàng hơn. Nhất là khi thời hạn phải áp dụng chuẩn Basel II đang đến cận kề.
Hiểu rõ đòi hỏi đó, bản thân các ngân hàng cũng muốn lên sàn khi trong năm 2018 có tới gần chục ngân hàng đánh tiếng lên sàn, nhưng gút lại đến cuối năm chỉ có 3 ngân hàng là HDBank, TPBank và Techcombank lên sàn thành công. Một số trường hợp khá đáng tiếc như OCB chuẩn bị khá kỹ nhưng do thị trường không thuận lợi nhất là giai đoạn nửa cuối năm thị trường chứng khoán liên tục đảo chiều, các mốc kháng cự 1.000 điểm, 900 điểm liên tục bị phá vỡ tác động mạnh đến giá các cổ phiếu trong đó cổ phiếu ngân hàng không nằm ngoài cuộc chơi. Sự sụt giảm này khiến không ít ngân hàng chùn bước không dám lên sàn.
Thừa nhận việc lên sàn mang lại lợi ích lớn, nhưng một CEO ngân hàng cho rằng, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng. “Ngân hàng lên sàn gia tăng tính minh bạch thực sự giúp phát triển về mặt dài hạn. Nhưng minh bạch cũng thách thức cho ngân hàng trong ngắn hạn vì rõ ràng số lượng thông tin mà ngân hàng phải công bố, mức độ tuân thủ cao hơn. Vấn đề nữa, nếu ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt, chắc chắn huy động vốn dễ dàng. Song nó sẽ tạo khó khăn cho những ngân hàng có kết quả kinh doanh chưa tốt khi lên sàn”, vị này phân tích những lợi ích cũng như thách thức khi lên sàn của ngân hàng.
Còn nhiều rào cản
Có hai cản trở khiến các ngân hàng gặp khó khăn khi thực hiện kế hoạch lên sàn là liên quan đến quyền lợi các cổ đông và thực trạng tình hình tài chính. Nhiều cổ đông lớn muốn duy trì quyền kiểm soát không muốn bất ổn trong cơ cấu cổ đông. Nếu lên sàn khiến việc kiểm soát cổ đông ra – vào khó khăn hơn. “Ngay cả các cổ đông chủ chốt, chiến lược, trong trường hợp ngân hàng lên sàn, nếu hết thời hạn phải cam kết giữ cổ phần, họ có thể bán nếu như thấy cần phải bán. Chẳng hạn, thời điểm giá cổ phiếu giảm quá họ cắt lỗ bán chứ không giữ lại. Trường hợp thông tin tiêu cực lại còn tạo ra hiệu ứng đám đông gây khó khăn cho ngân hàng. Còn nếu ngân hàng chưa lên sàn thông thường cổ đông chủ chốt phải cam kết giữ lại để giúp ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn”, một CEO ngân hàng dẫn chứng thêm lý do ngân hàng đắn đo khi lên sàn.
Để củng cố lòng tin của nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng, TS Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, áp lực bắt buộc các ngân hàng phải lên sàn là cần thiết. Khi đó các ngân hàng phải có trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ, rõ ràng thường xuyên hơn, kể cả thông tin nhạy cảm cũng phải công bố công khai… Điều này không chỉ giúp nhà đầu tư mà ngay cả người gửi tiền có cơ sở để đánh giá chính xác hơn về tình hình hoạt động của ngân hàng.
Khó khăn là không thể phủ nhận, nhưng giới chuyên môn cho rằng, các ngân hàng không thể chần chừ mãi được với việc lên sàn bởi date line cho việc lên sàn chỉ còn hơn 1 năm nữa và quan trọng hơn theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, thị trường chứng khoán những tháng đầu năm đang phục hồi tốt. Dự báo, có thể tăng ít nhất từ 15 - 20% so với năm ngoái và cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục là cổ phiếu dẫn dắt thị trường nên các ngân hàng gặp nhiều thuận lợi khi lên sàn trong năm nay.
Không bỏ lỡ cơ hội này, một số ngân hàng tiếp tục đánh tiếng cũng như hoàn tất các thủ tục để thực hiện kế hoạch lên sàn trong năm 2019. Đơn cử, NamABank đã thông báo chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch cổ phần trên UPCoM, trước khi niêm yết trên sàn HoSE. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, năm nay ngân hàng này tiếp tục đeo đuổi mục tiêu lên sàn. So với năm trước theo ông Tùng năm nay việc lên sàn của các ngân hàng sẽ thuận lợi hơn. Sự hào hứng của các NĐTNN về triển vọng kinh tế trong năm 2019 tốt hơn. Xét ở góc độ vĩ mô, đấy là điều kiện thuận lợi, nhưng việc lên sàn thành công hay không còn tuỳ tình hình tài chính, sức khoẻ định hướng của mỗi ngân hàng.
Ủng hộ đưa ra thời hạn để các ngân hàng có động lực lên sàn, nhưng theo TS. Thành cho rằng, nếu đòi hỏi 100% các ngân hàng lên sàn theo đúng kế hoạch đặt ra là rất khó, nhất là với một số ngân hàng đang có quy mô vốn nhỏ. Hiện tại, nhiều ngân hàng đang phải nỗ lực giải quyết những vấn đề nội tại còn tồn đọng từ giai đoạn trước đây như xử lý nợ xấu, sở hữu chéo… Đặc biệt là các ngân hàng trong diện yếu kém tình hình kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều, thương hiệu giảm sút thì việc yêu cầu lên sàn rất khó khăn nếu không nói gần như không thể thực hiện được trong một, hai năm tới.
“Ngân hàng kinh doanh kém hiệu quả, lợi nhuận thấp, uy tín cũng không cao khi lên sàn cầm chắc khả năng thất bại. Do đó, đối với nhóm ngân hàng này, cần có cơ chế đặc biệt chứ không nên bắt buộc phải niêm yết đúng hạn. Vì có ép thì họ cũng không thể làm được do sức khoẻ tài chính không cho phép, và có khi lại làm ảnh hưởng xấu đến thị trường”, một chuyên gia ngân hàng đưa ra quan điểm.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
