Ngân hàng Việt trên “sàn đấu” quốc tế
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách Global 2000 năm 2022 xếp hạng 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo bốn tiêu chí đánh giá: doanh thu, lợi nhuận thuần, tổng tài sản và giá trị thị trường. Forbes sử dụng số liệu tài chính của 12 tháng gần nhất tính đến ngày 22/4/2022 để xếp hạng các doanh nghiệp trên toàn cầu. Tuy nhiên, năm tài chính của Việt Nam là 31/12 hàng năm, và trong quý I/2022 hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam mới công bố báo cáo tài chính năm 2021 sau kiểm toán, nên số liệu của các doanh nghiệp Việt Nam mà Forbes lấy làm căn cứ xếp hạng là kết quả kinh doanh 12 tháng năm 2021.
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo Forbes, có 58 quốc gia trong danh sách Global 2000 năm 2022 với tổng doanh thu khoảng 47.600 tỷ USD, tổng lợi nhuận 5.000 tỷ USD, tổng tài sản 233.700 tỷ USD và tổng vốn hóa 76.500 tỷ USD. Trong danh sách này, về số lượng Mỹ đứng đầu với 590 công ty; tiếp theo là Trung Quốc / Hồng Kông (351) và Nhật Bản (196). Việt Nam có 5 đại diện lọt trong Top 2000 là Vietcombank (xếp hạng 950), VietinBank (xếp hạng 1.560), Tập đoàn Hòa Phát (xếp hạng 1.564), BIDV (xếp hạng 1.605), và Techcombank (xếp hạng 1.854). Như vậy có đến 4/5 doanh nghiệp Việt Nam trong xếp hạng này là ngân hàng. Nhân đây xin điểm lại những con số cơ bản trong kết quả kinh doanh năm 2021 mà các NHTM này công bố tại ĐHCĐ vừa tổ chức trong tháng 4/2022.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2021 đạt 27.389 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Huy động vốn, tín dụng đều tăng trưởng ở mức cao (tương ứng tăng 9% và 15% so với năm 2020); tỷ lệ nợ xấu rất thấp (0,63%), tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 424%; Vốn điều lệ đạt mức 47.325 tỷ đồng. Quy mô vốn hóa của ngân hàng đạt 16,7 tỷ USD.
Với BIDV, đến 31/12/2021 tổng tài sản ngân hàng này đạt 1.761.696 tỷ đồng- lớn nhất hệ thống; vốn huy động đạt 1.641.777 tỷ đồng, chiếm bình quân trên 11% thị phần tiền gửi toàn Ngành. Dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.677.310 tỷ đồng, chiếm trên 13% thị phần; Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,82%; Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 235%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 đạt 13.548 tỷ đồng, tăng 50,1% so với năm 2020. Giá trị vốn hóa thị trường của BIDV năm 2021 đạt 187,2 nghìn tỷ đồng (8,14 tỷ USD), đứng thứ 6 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo số liệu công bố tại ĐHCĐ VietinBank, kết quả kinh doanh năm 2021 của ngân hàng này như sau: Dư nợ tín dụng tăng 11,1% so với cuối năm 2020; Nguồn vốn huy động thị trường 1 tăng hơn 17,3%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7%; Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,26%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 180,4%.
Techcombank là NHTM tư nhân đầu tiên tại Việt Nam gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô” năm 2021, với lợi nhuận trước thuế đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, tăng 47,1% so với 2020. Tổng sản của Techcombank đạt 568,7 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu 0,7%; và tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 162,9%.
Những số liệu trên cho thấy cả bốn ngân hàng này có tốc độ tăng trưởng tốt trên cả bốn tiêu chí: doanh thu, lợi nhuận thuần, tổng tài sản và giá trị thị trường mà Forbes lấy làm cơ sở để xếp loại ngân hàng Việt với các doanh nghiệp khác trên thế giới. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt rất lớn giữa doanh nghiệp Việt Nam, mà ở đây là các ngân hàng (đặc biệt là những NHTM Nhà nước) với doanh nghiệp trên thế giới là ngoài việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh họ còn phải đảm nhận vai trò chính trong thực thi các chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN nhằm góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đơn cử, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, ngành Ngân hàng đi đầu trong triển khai nhiều chủ trương, chính sách và các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. NHNN quán triệt đến từng đơn vị trong toàn Ngành là phải “thắt lưng buộc bụng”, hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng. Cùng với việc thực hiện những chính sách chung của toàn Ngành, mỗi NHTM tùy vào khả năng của mình, đều tung ra các gói tín dụng ưu đãi cho những đối tượng khách hàng chịu tác động lớn nhất từ đại dịch như; y tế, giáo dục, xuất nhập khẩu…
Đặc biệt, thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, 16 NHTM đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ ngày 15/7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm lũy kế là 21.244 tỷ đồng, đạt 105,13% so với cam kết. Trong đó, xét riêng những ngân hàng được Forbes xếp hạng: Vietcombank giảm 4.635 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,35 triệu tỷ đồng cho 269.664 khách hàng. Tổng số tiền lãi mà BIDV giảm cho khách hàng là 4.128 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,46 triệu tỷ đồng cho 452.746 khách hàng. Trong khi đó, VietinBank đã giảm 2.259 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 2,3 triệu tỷ đồng cho 967.697 khách hàng. Techcombank đã giảm lãi 539 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 96.445 tỷ đồng cho 2.396 khách hàng…
Những thông tin trên cho thấy, nếu không phải nặng gánh trách nhiệm, hy sinh vì lợi ích chung của toàn nền kinh tế, thì chắc chắn vị trí của các ngân hàng Việt trên “sàn đấu” quốc tế sẽ cải thiện hơn.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
