Ngân hàng ưu tiên vốn cho lĩnh vực thế mạnh của Tây Bắc
Đồng chủ trì Hội nghị có Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, Bí thư tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung.
![]() |
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chứng kiến Lễ ký các hợp đồng tài trợ vốn giữa các ngân hàng và DN |
Phát biểu tại Hội nghị về công tác đầu tư tín dụng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, bám sát chủ trương định hướng của Đảng và Nhà nước ngành Ngân hàng đã có những chính sách đầu tư tín dụng phù hợp khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực, từng bước nâng cao đời sống người dân, đồng thời kết hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Theo người đứng đầu ngành Ngân hàng, thời gian qua, một số chính sách tín dụng đặc thù của NHNN đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc khai thác thế mạnh, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực Tây Bắc, đơn cử như chương trình cho vay thí điểm theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ.
Hay như Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được ngành Ngân hàng phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai từ đầu năm 2014 đã góp phần gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất. Cụ thể, ngành Ngân hàng đã cùng các cấp chính quyền địa phương trong khu vực tổ chức được 41 hội nghị kết nối. Thông qua các hội nghị này đã có 2.201 DN được các ngân hàng ký cam kết cho vay với số tiền lên đến 20.893 tỷ đồng để phục vụ sản xuất, đến nay đã giải ngân được hơn 15.408 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, các ngành, lĩnh vực thế mạnh của vùng, đến cuối năm 2014, tổng dư nợ cho vay của ngành Ngân hàng tại vùng Tây Bắc đạt 149.383 tỷ đồng, tăng 16,10% so với cuối năm 2013, cao hơn mức tăng chung cả nước (mức tăng chung cả nước 14,16%) và chiếm tỷ trọng khoảng 3,76% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 60.861 tỷ đồng, chiếm 40,74% tổng dư nợ tín dụng toàn vùng và chiếm 8,17% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc.
Không chỉ vậy, thấu hiệu xuất phát điểm của khu vực còn thấp so với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên bên cạnh hoạt động tín dụng thương mại, thời gian qua ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Theo đó, bên cạnh việc chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đến các hộ nghèo, huyện nghèo, NHNN cũng đề xuất thực hiện chính sách tín dụng cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; kịp thời điều chỉnh giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách phù hợp với mặt bằng lãi suất chung, động viên hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong việc tự lực sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.
Kết quả, đến cuối năm 2014, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của khu vực Tây Bắc đạt 21.620 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 16,7% tổng dư nợ vay của toàn hệ thống NHCSXH, với hơn 1 triệu khách hàng còn dư nợ.
"Việc triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng đặc thù đối với ngành, lĩnh vực có thế mạnh của khu vực, các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, bộ mặt các vùng nông thôn trong khu vực có sự chuyển biến đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, từng bước góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội khu vực", Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thống đốc, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc đầu tư tín dụng nói riêng cũng như hoạt động ngân hàng nói chung tại khu vực Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân một phần cũng bởi cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực.
Khu vực Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao và có nhiều huyện nằm trong danh sách các huyện nghèo nhất cả nước (32/62 huyện nghèo, không tính các huyện nghèo của tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa thuộc khu vực Tây Bắc), nên nhu cầu vốn cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách là rất lớn trong khi đó nguồn vốn dành cho các mục tiêu này của NHCSXH còn rất hạn chế.
Bởi vậy, để Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng theo định hướng của Đảng và Nhà nước đã đề ra tại Nghị quyết 37-NQ/TW, trong thời gian tới NHNN tiếp tục tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP với các giải pháp đột phá phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/2013/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Bắc, trong đó tập trung cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy điện, khai khoáng, du lịch nhằm tạo ra sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực. NHNN sẽ cùng với các ngành, các cấp đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông tạo sự gắn kết giữa khu vực Tây Bắc và các khu vực khác.
"Chúng tôi sẽ chỉ đạo các NHTM tiếp tục mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh cho vay và cung ứng dịch vụ ngân hàng đến các khu vực cửa khẩu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của các DN đầu tư, kinh doanh tại các vùng kinh tế cửa khẩu", Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh và cho biết, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh trong khu vực, các Bộ, ngành xây dựng cơ chế đặc thù nhằm thu hút được các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài (ODA, FDI…). Đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo NHCSXH đẩy mạnh cho vay có hiệu quả đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại khu vực Tây Bắc nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp những chiến lược, kinh nghiệm quý báu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các đại biểu, các DN trong và ngoài nước tại Hội nghị quan trọng này đối với đồng bào vùng cao Tây Bắc. Phó Thủ tướng đề nghị sau Hội nghị này, các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư các nhà tài trợ trong và ngoài nước tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về Tây Bắc. Trên cơ sở đó, phát huy tiềm năng về vốn, công nghệ… để đầu tư vào khu vực trọng yếu này.
Với các bộ, ban, ngành và tỉnh Tây Bắc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện thể chế chính sách tạo điều kiện để phát triển vùng. “Các tỉnh cần huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết các hợp đồng tài trợ vốn giữa ngân hàng và DN với tổng mức tài trợ được ký kết dự kiến lên tới 3.536 tỷ đồng. Cụ thể, BIDV ký tài trợ vốn 3 dự án với tổng mức tài trợ 954 tỷ đồng, Agribank ký tài trợ vốn 3 dự án với tổng mức tài trợ 410 tỷ đồng, VietinBank ký tài trợ vốn 4 dự án với tổng mức tài trợ 1.832 tỷ đồng, ABBank ký tài trợ vốn 2 dự án với tổng mức tài trợ 340 tỷ đồng. |
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
