Ngân hàng tầm khu vực: Cần sự hợp lực
![]() | Cải thiện môi trường kinh doanh: Nhìn từ tâm thế của ngành Ngân hàng |
![]() | Ngân hàng lớn dè dặt với mục tiêu kinh doanh 2019 |
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra 7 mục tiêu lớn; trong đó ngành Ngân hàng kỳ vọng năm 2020 sẽ có 1-2 NHTM nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á; đến 2025 sẽ có 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài… Với thực lực hiện có, để đạt được mục tiêu này thì không chỉ các NHTM phải rất nỗ lực mà còn cần hỗ trợ từ cơ chế, chính sách.
![]() |
Techcombank được xếp hạng thứ 76 trong bảng xếp hạng các ngân hàng mạnh nhất khu vực |
Chúng ta đang ở đâu
Hàng năm Tạp chí tài chính The Asian Banker đều công bố top 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Danh sách này được The Asian Banker lựa chọn dựa trên quy mô tài sản và một số tiêu chí khác để cho ra danh sách 500 ngân hàng hàng đầu (AB500Rank) và xếp loại 500 ngân hàng mạnh nhất dựa trên niềm tin về khả năng sinh lời lâu dài từ kinh doanh cốt lõi của các ngân hàng (Strength Rank) hay các ngân hàng mạnh nhất khu vực.
Xét về Strength Rank, theo số liệu tài chính năm 2018, Việt Nam có 14 NHTM nằm trong danh sách này, gồm: Vietcombank, Techcombank, MBBank, ACB, VietinBank, Agribank, BIDV, VPBank, HDBank, SCB, SHB, Sacombank, LienVietPostBank và Eximbank. So với năm 2017, số lượng ngân hàng Việt nằm trong danh sách giảm đi một; và các gương mặt cũng thay đổi. TPBank, VIB, SeABank, PVCombank tuột khỏi bảng xếp hạng, thay vào đó là SCB, Eximbank và Agribank.
Xét về thứ hạng, trong 100 ngân hàng được đánh giá mạnh nhất khu vực, ngoài Vietcombank còn có thêm Techcombank và MBBank. Ba ngân hàng này đều có sự tiến bộ vượt bậc. Vietcombank đã vượt từ vị trí 48 vươn lên 29 trong top 500 ngân hàng khu vực châu Á. Techcombank từ vị trí 101 đã vượt lên đứng thứ 76 của khu vực, xét trong số 14 ngân hàng Việt Nam thì chỉ đứng sau Vietcombank; tiếp sau là MBBank ở vị trí 94. ACB bất ngờ được đánh giá cao hơn cả 3 NHTM Nhà nước còn lại về khả năng sinh lời, đứng ở vị trí 149. VietinBank đứng thứ 164; Agribank 173; và BIDV là 176. Đứng cuối trong danh sách 14 ngân hàng Việt Nam được xếp hạng top 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực là Eximbank xếp thứ 352.
Xét về quy mô tổng tài sản (AB500Rank), BIDV đang dẫn đầu với vị trí 147; Agribank 156; VietinBank 162 và Vietcombank đứng thứ 169. 10 ngân hàng còn lại của Việt Nam đều đứng thứ 300 trở lên và cuối danh sách là Eximbank ở vị trí 482/500. Nếu so với bảng xếp hạng năm 2017 của The Asian Banker thì các ngân hàng Việt Nam đều có sự thăng hạng rất đáng kể. Ví dụ, xét về Strength Rank, ACB tăng 47 bậc; VPBank tăng 77 bậc; còn Sacombank thì nhảy tới 133 bậc, nhưng cũng chỉ đứng thứ 311/500.
Ngoài top 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam có 4 ngân hàng nằm trong top 500 thương hiệu ngân hàng mạnh nhất và có giá trị nhất trên thế giới năm 2019 (Brand Finance Banking 500) gồm: VietinBank; BIDV; Vietcombank; và VPBank.
Việc được định danh trên bảng vàng đã cho các NHTM Việt Nam thêm tự tin trong việc thực hiện mục tiêu ra biển lớn. Song với vị trí hiện tại từ mong muốn nâng hạng đến biến nó thành hiện thực là quãng khá xa.
Cách nào ra biển lớn?
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 đặt mục tiêu có 1-2 ngân hàng nằm trong top 100 khu vực về tổng tài sản. Thế nhưng đến nay chúng ta vẫn đang cách đích khá xa và với thực tế của các NHTM Việt Nam hiện tại thì kỳ vọng vẫn đặt vào 4 NHTM nhà nước lớn là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank. Bởi, chỉ xét về tổng tài sản, các ngân hàng này hiện chiếm trên 40% tổng tài sản của toàn hệ thống.
Tính đến cuối năm 2018, BIDV có tổng tài sản lớn nhất hệ thống với gần 1.313.038 tỷ đồng, tiếp đến là Agribank có tổng tài sản đạt gần 1.300.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của VietinBank cũng đạt 1.164.318 tỷ đồng; con số này tại Vietcombank là hơn 1.074.026 tỷ đồng.
Theo thống kê mới nhất của NHNN tại thời điểm 31/1/2019, tổng tài sản hệ thống ngân hàng Việt Nam đạt trên 11 triệu tỷ đồng, trong đó nhóm NHTM nhà nước (bao gồm cả các ngân hàng được mua lại bắt buộc) là 4,87 triệu tỷ đồng, chiếm 44%, tăng 0,13% so với cuối năm 2018. Tổng tài sản của nhóm NHTMCP là 4,59 triệu tỷ đồng, chiếm trên 41%, tăng 0,7%... Nhìn chung tốc độ tăng tổng tài sản của các NHTM nhà nước thấp, trung bình dưới 10%/năm.
Những năm gần đây, bị thúc ép bởi thời hạn áp dụng Basel II khiến việc tăng vốn của ngân hàng, nhất là các NHTM nhà nước ngày càng cấp bách. Đã có nhiều phương án được đưa ra, nhưng bản thân các ngân hàng lớn cũng chưa chắc chắn sẽ đạt được kế hoạch này.
Vietcombank dự kiến tăng tổng tài sản lên 1.202.910 tỷ đồng trong năm 2019 (tăng 12%); trong khi đó VietinBank khá rụt dè với khả năng tăng tổng tài sản thêm 5,5%. BIDV cũng đang loay hoay với nhiều phương án mà chưa chốt được bởi khó khăn về cơ chế, chính sách. Hơn lúc nào hết họ rất cần chính sách hỗ trợ, giải pháp căn cơ cho vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, trong hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung, 4 NHTM nhà nước có một vị trí đặc biệt quan trọng trong thực thi vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, đây còn là lực lượng tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước đồng thời là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường và góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô.
Do vậy, ít nhất là từ nay đến 2025, trong những trường hợp cần thiết, NHNN vẫn phải duy trì cả hai chức năng: chức năng sở hữu vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng đối với các NHTM nhà nước nhằm điều tiết thị trường. Do đó, việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn sẽ được cơ quan quản lý cân nhắc kỹ.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng cần sớm có phương án cho những trường hợp đặc biệt. Bởi việc tăng vốn không chỉ nhằm đáp ứng được các quy định của NHNN trong đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh mà còn góp phần “mở cửa” lên sàn ngoại như mục tiêu mà Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng hàng đưa ra.
Tất nhiên, việc niêm yết trên sàn quốc tế không chỉ phụ thuộc vào quy mô hoạt động, mà quan trọng hơn là làm thế nào để nhà đầu tư thấy được khả năng sinh lời lâu dài của ngân hàng. Có thể những ngân hàng Việt đầu tiên niêm yết trên sàn ngoại không phải đều là NHTM nhà nước, bởi những gương mặt như Techcombank, MBBank hay ACB đang được đánh giá cao về Strength Rank.
Theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng, để phát triển hệ thống các TCTD đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế thì cần chuẩn bị các điều kiện, tiền đề từ giai đoạn 2018 – 2020 với yêu cầu đầu tiên: lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính: Tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có của TCTD, bảo đảm mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định và đáp ứng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế; tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản… Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của TCTD.
Đến giai đoạn 2021 - 2025: Các TCTD tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động ở mức cao hơn. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai các chính sách và quy trình nội bộ lành mạnh; rà soát, đánh giá, bổ sung, chỉnh sửa các phương thức quản trị, điều hành tiên tiến dựa trên các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam… và thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài (riêng đối với Agribank niêm yết cổ phiếu của trên thị trường chứng khoán trong nước). Mục tiêu niêm yết trên sàn ngoại không chỉ dành cho các NHTM nhà nước mà cho cả các NHTMCP khi đảm bảo các điều kiện về vốn, cơ sở dữ liệu và đã hoàn thành áp dụng Basel II...
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
