Ngân hàng song hành số hóa và xanh hóa
NHNN và Citibank chia sẻ thông tin về dịch vụ ngân hàng số hóa VPBank giành giải thưởng quốc tế Ngân hàng số hóa xuất sắc nhất dành cho SME |
Ngân hàng thực hành ESG
ACB vừa ký hợp đồng sử dụng dịch vụ GoGreen Plus của DHL nhằm giảm 100% lượng khí thải carbon cho các lô hàng chuyển phát nhanh quốc tế. Ngân hàng này ước tính có thể cắt giảm tới 14 tấn khí thải CO2 trong vòng 12 tháng. ACB cho biết, 93% nhân viên sẵn sàng thực hiện các sáng kiến ESG cùng ngân hàng trong năm ngoái, tiết kiệm 215 tấn giấy thông qua hoạt động số hóa quy trình, thay thế 32 tấn nhựa bằng các vật liệu thân thiện với môi trường... ACB đã trung hòa 181 tấn CO2 bằng cách sử dụng vật liệu thảm tái chế.
NamA Bank còn đặt mục tiêu trung hòa carbon và xây dựng hệ sinh thái toàn diện cho phát triển bền vững. Trong cấp tín dụng ngân hàng chú trọng và ưu tiên đối với những doanh nghiệp thực hành ESG, ưu tiên cấp tín dụng cho xe ô tô điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… Tương tự, VPBank cũng đang xây dựng khung quản lý rủi ro ESG, trong đó, cấu phần chính gồm cơ cấu quản trị, khẩu vị rủi ro, quy trình quản lý rủi ro, phát triển sản phẩm và dịch vụ bền vững, công bố thông tin quản lý rủi ro ESG.
Phát triển bền vững hướng về người dùng, Vietcombank đang thúc đẩy người dùng sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại trên ứng dụng ngân hàng điện tử thay vì sử dụng thẻ để giảm rác thải môi trường. Từ tháng 7/2023, ngân hàng này đã miễn phí cho các hình thức mở thẻ điện tử (thẻ phi vật lý) và các giao dịch trực tuyến, trong khi đó điều chỉnh mức phí đối với người dùng thẻ vật lý. Một số ngân hàng khác đang phát hành thẻ bằng vật liệu dễ tiêu hủy để bảo vệ môi trường thay thế cho các vật liệu nhựa và kim loại trước đây gây rác thải và hao tổn chi phí…
Các ngân hàng hiện nay vừa phát triển số hóa để mang dịch vụ hiện đại đến cho người dùng, bên cạnh xây dựng, phát triển ngân hàng xanh. Có thể nói các ngân hàng hiện nay vừa là chủ thể cung cấp giải pháp thanh toán điện tử, cung cấp tín dụng xanh bảo vệ môi trường; và chính các ngân hàng cũng đang thực hành ngân hàng xanh, giao dịch tài chính xanh. Ngân hàng xanh có những đặc điểm như dịch vụ điện tử và tự động hóa, ưu tiên cho vay hoặc đầu tư vào dự án có đánh giá các rủi ro liên quan đến môi trường, quan tâm đến các mục tiêu xã hội, mục tiêu phát triển bền vững và phát triển xanh; giám sát, hướng dẫn các dự án của khách hàng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thay đổi năng lực đánh giá của cán bộ ngân hàng và khách hàng về các hoạt động thân thiện với môi trường...
Nguồn tài chính xanh không thiếu, nhưng...
Ở Việt Nam đến thời điểm này mới có HSBC Việt Nam có sản phẩm huy động nguồn vốn xanh từ khách hàng doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể gửi tiền bằng VND và USD, với kỳ hạn ít nhất ba tháng. Một trong những khách hàng đầu tiên của HSBC Việt Nam gửi tiền gửi xanh là Công ty Syngenta Việt Nam - chuyên lĩnh vực công nghệ nông nghiệp. Hàng quý, khách hàng sẽ nhận được các báo cáo với thông tin danh mục đầu tư liên quan đến việc ngân hàng sử dụng nguồn tiền gửi của họ như thế nào. Sản phẩm tiền gửi xanh của ngân hàng này được sử dụng cho vay theo các quy định trái phiếu xanh của HSBC và bộ nguyên tắc tín dụng xanh, trong các lĩnh vực cho vay xanh đủ điều kiện.
Các khoản tín dụng xanh của ngân hàng cho vay những dự án bảo vệ môi trường thời gian qua chủ yếu được huy động nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, định chế tài chính quốc tế. Theo số liệu thống kê của NHNN, dư nợ tín dụng xanh tính đến tháng 6/2023 của các TCTD đạt hơn 528.000 tỷ đồng, chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. NHNN đặt mục tiêu phát triển dư nợ tín dụng xanh tăng lên khoảng 10% tổng dư nợ trong thời gian tới.
Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư VinaCapital cho biết, nguồn tài chính xanh trên thế giới hiện nay rất nhiều, các nhà đầu tư sở hữu vốn xanh cũng đang tìm thị trường để đầu tư, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển được giới đầu tư quốc tế quan tâm. Nguồn tài chính xanh thường có kỳ hạn dài, lãi suất thấp. Lãi suất tín dụng xanh chi phí thấp hơn khoảng 30% so với các nguồn vốn thông thường, sự chênh lệch tài chính trong sản xuất kinh doanh như vậy sẽ là một lợi thế cạnh tranh trong hàng hóa trên thị trường quốc tế và hiệu quả lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu Việt Nam không tranh thủ được thì các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… có thể tiếp cận trước sẽ cạnh tranh trực tiếp với chúng ta.
Phát triển kinh tế bền vững, nhiều quốc gia lựa chọn phát triển kinh tế xanh, trong đó chiến lược phát triển ngân hàng xanh đóng vai trò quan trọng. Việt Nam đã cam kết thực hiện Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) với mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Chúng ta phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt trội. Muốn thực hiện mục tiêu này chúng ta rất cần những nguồn vốn xanh. Song, cho đến nay hành lang pháp lý còn đang hoàn thiện, các chuyên gia khuyến nghị cần sớm có chính sách để thu hút các nguồn lực tài chính xanh đầu tư vào Việt Nam.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
