Ngân hàng mở rộng tiến trình hội nhập quốc tế
![]() |
Ngành Ngân hàng luôn quan tâm, chủ động tham gia tiến trình hội nhập quốc tế. |
Hội nhập mang đến nhiều lợi ích
Theo ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (NHNN), việc tham gia vào các mạng lưới quốc tế sẽ rất hữu ích đối với các ngân hàng thương mại trong nước. Đây là cầu nối quan trọng cho các ngân hàng trong nước mở rộng cơ hội hợp tác, tiếp cận các thông tin, kiến thức, sản phẩm mới.
Cơ hội này đã được nhiều ngân hàng nắm bắt từ rất sớm. Hiện, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) hợp tác với Opportunity Network cung ứng dịch vụ kết nối 28.000 doanh nghiệp ở 120 quốc gia để tìm kiếm đối tác mua bán hàng hóa, huy động vốn và mở rộng thị trường; hợp tác cùng Amazon cung cấp dịch vụ ngân hàng số trên điện toán đám mây; trở thành đối tác lớn và uy tín của nhiều tổ chức trong và ngoài nước trên lĩnh vực mua bán ngoại hối... Nhờ đó, các giao dịch tài chính, thanh toán và mua sắm của khách hàng không chỉ được thực hiện dễ dàng hơn mà còn được đảm bảo tính ổn định, an toàn và hiệu năng cao thông qua các công nghệ hàng đầu thế giới; trở thành ngân hàng 5 năm liên tiếp nhận giải thưởng Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam do tạp chí uy tín thế giới Global Finance công bố.
Trong khi đó, việc hợp tác với nhiều tổ chức thẻ quốc tế đã giúp Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành 5 loại thẻ quốc tế American Express, Visa, Mastercard, JCB, UnionPay từ năm 1990. Ngân hàng này đã ký hợp đồng hợp tác đến năm 2025 với Công ty Chuyển tiền Quốc tế MoneyGram International, Inc. để cung cấp dịch vụ chuyển và nhận tiền quốc tế tại gần 600 điểm giao dịch của Vietcombank trên toàn quốc; hàng triệu khách hàng bên ngoài lãnh thổ có thể dễ dàng gửi tiền về Việt Nam thông qua các đại lý tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ của MoneyGram trên toàn thế giới.
Ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động của ngân hàng, hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà băng thâm nhập thị trường quốc tế, mở rộng mạng lưới hoạt động. Đơn cử, tính đến hết quý III/2022, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có 4 dự án đầu tư tại nước ngoài, gồm: Ngân hàng liên doanh Lào - Việt (LVB) tại Lào, Công ty TNHH BIDV Quốc tế (BIDVI) tại Hong Kong (Trung Quốc), BIDV - Chi nhánh Yangon tại Myanmar và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) tại Campuchia.
Bên cạnh đó, nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng có cơ hội được tham gia thị trường ngân hàng trong nước. Chỉ tính riêng tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), trong 2 quý đầu năm 2022 đã nhận được khoản vay hợp vốn quy mô 700 triệu USD kèm quyền chọn gia tăng thêm 300 triệu USD đến từ 26 ngân hàng quốc tế - khoản vay hợp vốn trung và dài hạn lớn nhất được thu xếp cho một ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Là một bộ, ngành thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cũng đã thực hiện nghiêm túc những cam kết hợp tác, hội nhập trong các khuôn khổ đã tham gia và các thỏa thuận đã ký kết cả trên bình diện song phương và đa biên; tham gia tích cực vào quá trình đàm phán các FTA, góp phần vào việc đàm phán 9 FTA, trong đó có các hiệp định thế hệ mới quan trọng như CPTPP và RCEP.
Với trách nhiệm bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã trao Biên bản ghi nhớ giữa NHNN Việt Nam và Cơ quan Phòng chống tội phạm quốc gia Anh. Biên bản là cơ sở pháp lý rõ ràng để 2 đơn vị hỗ trợ lẫn nhau trong việc chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và các tội phạm nguồn có liên quan; hỗ trợ tích cực cho việc ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm luật cũng như quá trình điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan chức năng; gián tiếp mang đến những lợi ích tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an toàn, lành mạnh cho mỗi quốc gia.
Đáng chú ý, sau hơn 2 năm trở thành thành viên của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), NHNN cũng đã chủ động trong việc tham gia các hoạt động của BIS và triển khai các khuyến nghị của BIS liên quan đến hoạt động ngân hàng; những chủ đề thảo luận tại BIS có tác dụng hỗ trợ rất lớn cho công tác hoạch định và điều hành chính sách của NHNN; các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng do BIS cung cấp đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý dự trữ ngoại hối của NHNN...
![]() |
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp đoàn đại biểu quốc tế để kết nối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. |
Đặt kỳ vọng để vượt thách thức
Với nhiều hoạt động đã được triển khai, giới chuyên gia đánh giá ngành Ngân hàng đã chủ động tiếp cận các nguyên tắc, chuẩn mực cao nhất của hệ thống tài chính toàn cầu, góp phần đẩy nhanh việc hội nhập quốc tế của hệ thống tài chính - ngân hàng trong nước; góp phần đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động an toàn, hiệu quả, vững mạnh và nâng dần vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, tiến trình hội nhập quốc tế trong thời gian qua cũng đặt ra không ít thách thức đối với ngành Ngân hàng như tạo ra sự cạnh tranh về thị phần giữa các ngân hàng sẽ ngày càng khốc liệt; khả năng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về nghiệp vụ ngân hàng, am hiểu pháp luật quốc tế của mỗi ngân hàng cũng đòi hỏi cao hơn.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, tình hình địa chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi những tác động. Điều này đòi hỏi mỗi ngân hàng phải có cơ cấu tổ chức, trình độ quản lý vững vàng, có phương án phòng ngừa và quản trị rủi ro tốt hơn... để chống đỡ kịp thời, hiệu quả trước những “cú sốc” kinh tế bất ngờ.
Thách thức vẫn còn đó nhưng ngành Ngân hàng vẫn được đặt nhiều kỳ vọng. Tại cuộc gặp mặt lãnh đạo các ngân hàng thương mại diễn ra vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch tích cực, kịp thời, hiệu quả của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh... Do đó, Thủ tướng mong muốn hệ thống ngân hàng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, một chuyên gia nhìn nhận các ngân hàng Việt Nam một mặt cần phải nỗ lực nhiều để có thể đi sâu vào thị trường tài chính toàn cầu theo các thông lệ quốc tế, mặt khác cũng cần nắm bắt thông tin, phân tích tình hình để đưa ra dự báo tài chính trong việc sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, trước tiên là phải có phương án sử dụng dòng tiền đó vào các mục đích cụ thể và phải có kịch bản ứng phó với rủi ro từ dòng vốn đó.
Nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng, Vụ Hợp tác Quốc tế (NHNN) đã đặt ra mục tiêu không ngừng nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính, ngân hàng; tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả, triển khai hiệu quả hội nhập quốc tế, tích cực tham gia đóng góp định hình các thể chế đa phương và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và tìm phương án hợp tác cùng phát triển.
Ngoài ra, NHNN cũng sẽ tiếp tục triển khai một cách linh hoạt và chuyên nghiệp các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính, ngân hàng; tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu; tích cực tham gia đóng góp vào quá trình định hình và phát triển các thể chế đa phương; không ngừng nâng cao vị thế, tiếng nói của Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng tại các tổ chức tài chính, tiền tệ, ngân hàng quốc tế; tăng cường công tác hội nhập, hợp tác trên các diễn đàn tài chính - ngân hàng tại khu vực và thế giới...
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
