Ngân hàng kỳ vọng bứt phá năm 2021
![]() |
Ảnh minh họa |
Cởi bỏ dần gánh nặng nợ xấu, tăng thu từ dịch vụ
Một trong những chỉ tiêu cải thiện tích cực của nhiều ngân hàng năm qua nằm ở tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể. Đơn cử như trường hợp SHB, tại báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán mới công bố, trong năm 2020, SHB đã trích lập 4.534 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu, trong đó phần lớn là nợ xấu của Habubank. Với các giải pháp xử lý nợ quyết liệt, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, tỷ lệ nợ xấu của SHB giảm xuống mức 1,7% - mức thấp nhất kể từ khi nhận sáp nhập Habubank tới nay, tỷ lệ nợ xấu và nợ bán VAMC giảm xuống dưới 3%, hoàn thành mục tiêu NHNN giao. Việc tăng cường chi phí dự phòng của SHB cũng giúp cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại 31/12/2020 của nhà băng này ở mức 70%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao càng đảm bảo giúp SHB nâng cao tính an toàn cho chất lượng tài sản, chống chịu tốt hơn trong các giả định nợ xấu trên thị trường tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lợi nhuận trong tương lai sẽ ổn định hơn bởi áp lực trích lập dự phòng ít hơn.
Đại diện SHB cũng chia sẻ: Trong các năm tiếp theo, SHB sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và trích dự phòng để xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC. Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2022, SHB không còn trái phiếu VAMC.
Cũng ghi nhận điểm sáng trong xử lý nợ xấu, báo cáo tài chính sau kiểm toán của MSB cho thấy hiệu quả hoạt động được nâng cao khi ngân hàng kiểm soát tốt được chi phí hoạt động, CIR (chỉ số chi phí hoạt động trên tổng doanh thu thuần) năm 2020 giảm hơn 10% so với năm 2019. Ngoài những kết quả tích cực từ hoạt động kinh doanh, năm vừa qua MSB đã tích cực trong quản trị chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, thể hiện ở tỷ lệ nợ xấu mảng ngân hàng giảm từ 1,71% năm 2019 xuống còn 1,62% cuối năm 2020. Đồng thời ngân hàng cũng đã xử lý sạch phần trái phiếu VAMC vào quý III/2020, giữ đúng cam kết đã nêu ra trong Đại hội đồng Cổ đông năm 2020.
Thêm nữa, xét về bức tranh chung, cả hai nhà băng này đều ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Lợi nhuận trước thuế của SHB năm 2020 đạt 3.268 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch cổ đông đề ra và tăng 8% so với năm trước. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 15,4%. NIM đạt 2,8% - tăng 0,8% so với năm 2019. Đây cũng là kết quả kinh doanh tốt nhất trong thời gian qua của SHB. Việc luôn hoàn thành vượt mục tiêu ĐHĐCĐ đề ra trong suốt một thập kỷ qua cho thấy, nhà băng này đã luôn có sự chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh và đạt tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng, xây dựng các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu riêng cho từng phân khúc khách hàng nhằm mang đến cho khách hàng sự toàn diện cả về lợi ích và giá trị vượt trội.
Đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng bệnh dịch Covid-19 đầu năm 2020, MSB đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động cung cấp tín dụng cho các ngành nghề ít rủi ro, linh động hỗ trợ khách hàng bằng các sản phẩm thích hợp, là một trong các ngân hàng được NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng để đáp ứng kịp nhu cầu vốn cho nền kinh tế, năm 2020 ghi nhận tăng trưởng 57,49% so với 2019. Việc tích cực đẩy mạnh triển khai các sản phẩm dịch vụ với nhiều tiện ích nổi trội cũng giúp thu nhập từ hoạt động dịch vụ của SHB tăng 57,14% so với năm 2019 - đạt 820,67 tỷ đồng. Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi/tổng thu nhập đạt mức 33%. Tỷ trọng CASA/tổng tiền gửi của mảng ngân hàng đạt 28%. Cơ cấu nguồn vốn được tối ưu giúp MSB có mức NIM năm 2020 là 3,4%.
MBBank cũng ghi nhận thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm gần 5.850 tỷ đồng - tăng hơn 39% so với năm 2019. Nhờ việc sở hữu Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas Life và Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC), khoản thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm của MBBank liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này. Trong năm 2020, thu từ kinh doanh bảo hiểm chiếm hơn 71% tổng thu nhập dịch vụ của MBBank.
Đẩy mạnh số hóa
Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ nêu rõ, một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước tiên là ngành tài chính - ngân hàng. Theo thống kê trong thời gian qua, có 95% TCTD đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 39% tổ chức đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh công nghệ thông tin; 42% tổ chức đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Có 82,5% ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%; 58,1% ngân hàng kỳ vọng trên 60% khách hàng sử dụng kênh số và 44,4% ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt mức trên 50% nếu chuyển đổi số thành công.
Trao đổi với một số chuyên gia tài chính, quan điểm chung là năm 2021 các nhà băng sẽ chủ trương tập trung nguồn lực mạnh mẽ vào những dự án công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng như thúc đẩy hiệu quả phân khúc khách hàng mục tiêu. Như VietinBank mới đây đã ra mắt phiên bản VietinBank iPay Mobile 5.1, nhằm phục vụ khách hàng mọi dịch vụ trên Mobile từ việc mở thẻ, chuyển tiền, mua sắm... VietinBank cũng có kế hoạch xây dựng ứng dụng “chatbot” “đa nhiệm” hơn.
Cơ bản hoàn tất đề án sáp nhập Habubank, SHB đã và đang chuẩn bị rất kỹ chiến lược phát triển vững vàng song song với củng cố nội lực, sẵn sàng bứt phá ngay khi thời cơ tới. Trong đó đặc biệt ưu tiên số hoá hoạt động ngân hàng, tạo giai đoạn bứt phá dài hơi thời gian tới. Tương tự, trong hành trình chuyển đổi số, tháng 12/2020, MSB ra mắt TNEX - ngân hàng thuần số và hệ sinh thái cho Chủ cửa hàng và Người tiêu dùng đầu tiên tại Việt Nam. Dự kiến TNEX bắt đầu đem lại lợi nhuận từ quý II/2022 và đạt 3 triệu khách hàng vào năm 2023. Ngoài TNEX, MSB cũng dự kiến sẽ khởi động nhiều dự án lớn trong 2021như đầu tư xây dựng nền tảng Core-Banking hiện đại hơn để phục vụ cho lộ trình chuyển đổi số cho giai đoạn 2020-2025.
Thượng tướng Lê Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT MBBank tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của nhà băng này cũng nhấn mạnh, để hướng tới mục tiêu thuộc Top 5, phấn đấu Top 3 các NHTM về chất lượng và hiệu quả, dẫn đầu về số hoá, MBBank sẽ tập trung chuyển đổi số hóa toàn diện đối với hoạt động ngân hàng từ kinh doanh đến quản lý, vận hành, quản trị rủi ro, nhân lực.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) thực hiện mới đây cho thấy, các TCTD lạc quan hơn về mức độ rủi ro tổng thể năm 2021. Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,5% trong quý I/2021 và tăng 11,9% trong năm 2021; dư nợ tín dụng được các TCTD dự báo tăng 3,6% trong quý I/2021 và tăng 13% trong năm 2021; lợi nhuận kỳ vọng tăng so với năm 2020. |
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
