Ngân hàng hướng tới chuẩn mực quản trị cao hơn
![]() | Basel III - Mục tiêu hướng tới của ngân hàng Việt |
![]() | Ngân hàng nâng cao năng lực, phát triển bền vững |
![]() | Tăng vốn điều lệ giải tỏa nhiều áp lực cho ngân hàng |
Củng cố an toàn vốn là then chốt
Theo thống kê, hệ thống hiện có khoảng 20 NHTM triển khai chuẩn Basel II, trong đó có 12 ngân hàng hoàn thành cả ba trụ cột trước thời hạn. Với việc thực hiện đầy đủ các trụ cột của chuẩn mực vốn Basel II, các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện đáng kể sự lành mạnh về tài chính, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, góp phần tăng cường khả năng chống chịu trước cú sốc của nền kinh tế như đại dịch Covid-19, các biến động tiêu cực, các bất ổn bên ngoài diễn ra trong thời gian vừa qua. Điều đáng mừng nữa là đã dần xuất hiện một vài ngân hàng bắt đầu đưa vào những chuẩn mực cao hơn, hướng tới Basel III trong thời gian sớm.
![]() |
Nam A Bank và KPMG ký kết triển khai và áp dụng Basel III |
Theo đó, trong tháng 5/2022, SeABank công bố kết quả triển khai và áp dụng chuẩn mực Basel III vào hoạt động kinh doanh và hoạt động quản trị rủi ro của ngân hàng. Đây là một trong số không nhiều ngân hàng trong hệ thống áp chuẩn rủi ro Basel III vào hoạt động. Trước đó vào tháng 4/2022, Nam A Bank và KPMG đã ký kết triển khai và áp dụng Basel III tại ngân hàng này. Đây là một nỗ lực rất lớn của Nam A Bank khi mới chỉ trong năm 2021, ngân hàng được công nhận tuân thủ ba trụ cột theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN (chuẩn Basel II). Shinhan Việt Nam cũng cho biết đã triển khai áp dụng tỷ lệ LCR (tỷ lệ dự trữ thanh khoản) và NSFR (tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng) trong quản lý rủi ro thanh khoản theo chuẩn Basel III từ 20/4/2022…
Basel II được thiết kế để khuyến khích quản lý rủi ro bằng cách gắn các yêu cầu quy định vốn vào kết quả của các hệ thống và quy trình nội bộ, điều này tạo ra động lực để ngân hàng cải thiện rủi ro hiệu quả hơn.
Theo chia sẻ của một chuyên gia tài chính - ngân hàng, đảm bảo và đáp ứng được các tỷ lệ an toàn theo chuẩn Basel II là điều không dễ dàng với các ngân hàng Việt Nam khi triển khai, song Basel III thì những tiêu chí đề ra còn chặt chẽ hơn Basel II rất nhiều khi mục tiêu là đối phó với khủng hoảng tài chính, nâng cao tính bền vững của hệ thống… Vị chuyên gia này cho rằng, áp dụng Basel II hay Basel III thì điều cần nhất vẫn là đảm bảo được tiềm lực tài chính, có nền móng vững chắc mới có thể xây dựng và bồi đắp các hoạt động khác.
Một trong những báo cáo gần đây của Fitch & Ratings chỉ ra rằng, nhờ sự hỗ trợ bởi khả năng sinh lời tốt hơn và xu hướng tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, sức khỏe nguồn vốn của ngành Ngân hàng Việt Nam đã và đang được cải thiện. Tuy nhiên, để duy trì CAR bình quân ở mức 10%, theo tổ chức này, hệ thống ngân hàng có thể phải huy động thêm 10,7 tỷ USD (tương đương khoảng 2,9% GDP).
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính chia sẻ, đảm bảo an toàn vốn là yếu tố hàng đầu góp phần bảo đảm an ninh hệ thống các ngân hàng. Ngay trong Basel II, chỉ tiêu về vốn chủ sở hữu được coi như bộ phận quan trọng nhất để đảm bảo an ninh hệ thống tài chính - ngân hàng, bên cạnh các tiêu chí về quản lý, nhân sự, công nghệ…
“Các quy định của Hiệp ước vốn Basel sẽ khiến cho trách nhiệm của ngân hàng với chi phí mà ngân hàng bỏ ra rõ ràng hơn. Khi đã có sự quan tâm, chủ động thì các kế hoạch của ngân hàng tất yếu sẽ được triển khai hiệu quả hơn, giúp cho các hoạt động khác đi vào nề nếp. Từ đó cơ chế quản lý, hoạt động trong hệ thống ngân hàng sẽ trôi chảy, ý thức trong đào tạo, phát triển sản xuất kinh doanh của ngân hàng được đề cao hơn khi đảm bảo được bộ đệm vốn”, chuyên gia này cho hay.
Có chiến lược cụ thể, mục tiêu phù hợp
Có thể nói, để tiến tới được Basel II, ngân hàng đồng thời sẽ phải đảm bảo có một lượng vốn đủ nhiều, giúp cho việc chống chịu với các biến động bất thường của thị trường. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tăng vốn là thách thức với các ngân hàng để bồi đắp thêm gối đệm dự phòng, song đây cũng là cách giải quyết dễ tiếp cận hơn cả. Nếu không tăng được vốn thì những câu chuyện khác rất khó khả thi, và là điều kiện cần để đáp ứng chuẩn mực vốn theo chuẩn Basel II, và xa hơn là Basel III.
Yếu tố về mặt tài chính phụ thuộc vào năng lực tài chính của các chủ thể và khả năng của nền kinh tế. Vì thế, trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, các chỉ tiêu về mặt tài chính, nợ xấu, đảm bảo vốn chủ sở hữu… cũng là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng mà ngân hàng phải đặc biệt quan tâm. Đây được coi như chỉ tiêu cứng, dễ dàng nhìn thấy để đánh giá năng lực cạnh tranh, khả năng tài chính cũng như các an toàn rủi ro của hệ thống.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, thách thức về vốn chỉ là một bộ phận. Vẫn còn những quy định mang tính chuẩn mực về hoạt động có thể gây trở ngại lớn hơn với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo các chuyên gia, để tiệm cận và đạt được Basel II nâng cao, hay Basel III, ngân hàng không cách gì khác phải có chiến lược cụ thể với từng giai đoạn, từng bước đi cùng các giải pháp tổng thể, chỉ tiêu rõ ràng. Theo đó các ngân hàng có thể làm cuốn chiếu, giai đoạn nào sử dụng giải pháp nào cho phù hợp, thì đến cuối cùng kết quả ngân hàng đạt được mới thật sự hiệu quả và có ý nghĩa, chứ nếu chỉ đưa ra một mục tiêu rất lớn mà không có sự chia nhỏ từng giai đoạn thì khi khớp nối rất khó thành công.
Cũng theo lãnh đạo một NHTMCP, tư duy từ người đứng đầu tổ chức phải thay đổi mới thích ứng được với các yêu cầu chuẩn mực mới. Với những quy định, tiêu chuẩn mới đòi hỏi quan điểm, phương thức quản lý hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng phải thay đổi. Lợi nhuận phản ánh khả năng sinh lời của ngân hàng, nhưng yếu tố về quản trị rủi ro lại là chìa khoá bảo đảm an toàn cho cả ngân hàng và khách hàng.
“Quản trị rủi ro phải được thực thi trong tất cả các khâu hoạt động và vận hành của một ngân hàng. Trước hết phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm hoạt động có hiệu quả, sau đó mới tới câu chuyện lời lãi ra sao. Nói cách khác, tư duy quản trị rủi ro phải thay đổi và thích ứng phù hợp, vì là nền tảng mang tính quyết định cho hoạt động của các ngân hàng”, vị lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
