Ngân hàng - doanh nghiệp: Đề cao tinh thần đồng hành và chia sẻ
![]() |
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại hội nghị |
Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Phải từ hai phía Có bảo lãnh ngân hàng, doanh nghiệp cần lưu ý gì? |
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay
Trong bối cảnh như vậy, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô tiền tệ của thế giới và trong nước, thời gian qua, NHNN đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống triển khai nhiều giải pháp nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN thông tin, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã tập trung điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD; Đồng thời, điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế thông qua việc điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm.
Trong điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% (cao hơn mức tăng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Kết quả, đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Ngoài ra, NHNN cũng chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng hoạt động kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực chủ chốt.
Đối với địa bàn tỉnh Bắc Ninh, ông Bắc cho biết, các chi nhánh ngân hàng, TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, như giảm lãi suất cho vay, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, triển khai nhiều gói vay ưu đãi… Kết quả, đến 31/8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 154 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc 5,56%).
Về phía các NHTM, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, dư nợ tín dụng của BIDV trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong 5 năm qua tăng nhanh, tổng dư nợ đến ngày 26/9/2023 tăng 1,6 lần so với năm 2019, tăng trưởng trung bình là 16%/năm - cao hơn mức tăng trưởng bình quân hàng năm của BIDV. Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, BIDV đã tích cực triển khai nhiều giải pháp. Tính riêng địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong 8 tháng năm 2023 BIDV đã giảm lãi hỗ trợ cho hơn 2.800 khách hàng với tổng số tiền lãi đã giảm là hơn 39 tỷ đồng.
![]() |
Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Tiếp tục đưa cung - cầu vốn tới gần nhau hơn
Mặc dù toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn Bắc Ninh nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Giám đốc điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư xây dựng và thương mại Phương Thảo Phát (Hyundai Bắc Ninh) chia sẻ, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động lớn, đơn hàng giảm khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể hồi sinh mạnh mẽ. Chính vì vậy, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn thiếu, dẫn đến thiếu cơ sở cho TCTD đánh giá, thẩm định hồ sơ vay vốn.
Trên cơ sở khảo sát tình hình của doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Nhân Phượng cũng thông tin, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu và sức mua của thị trường giảm nghiêm trọng. Vì vậy để giữ thị phần, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí hoạt động và tăng áp dụng các chính sách ưu đãi với khách hàng. Trước tình hình trên, đại diện Hiệp hội DNNVV tỉnh Bắc Ninh mong rằng các ngân hàng sẽ tiếp tục nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, về phía Chính phủ cũng cần có thêm chính sách hỗ trợ cho nhóm DNNVV, từ đó vực dậy những doanh nghiệp có điều kiện sản xuất kinh doanh phát triển tốt, hỗ trợ trong lúc doanh nghiệp đã đến lúc “kiệt quệ”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Tân Phượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, thông qua con số thống kê có thể thấy hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh ổn định. Kết quả cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên bám sát đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; một số chương trình tín dụng đã phát huy hiệu quả như gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ… Có thể thấy, ngành Ngân hàng đã tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng và đóng góp tích cực cho việc phục hồi kinh tế của tỉnh. Để tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Phượng đề nghị NHNN chi nhánh tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của NHNN, UBND tỉnh về các giải pháp tăng cường tín dụng cho nền kinh tế, tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Về phía ngân hàng, tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, giảm thủ tục không cần thiết… để từ đó có dư địa giảm lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp.
Kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đề nghị các TCTD tập trung tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất 1,5-2% đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; Chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp và triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ.
Đối với NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Ninh, Phó Thống đốc đề nghị Chi nhánh tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng. Trong đó, chỉ đạo các TCTD cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen; Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, thường xuyên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để nắm bắt, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, kinh doanh, cũng như những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Phó Thống đốc cũng mong muốn chính quyền tỉnh sẽ quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp xem xét, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để cùng ngành Ngân hàng kịp thời có các giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề vốn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
