Ngân hàng cơ cấu lại nguồn thu
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, đến cuối tháng 10/2022, tín dụng tăng 11,5% so với cuối năm 2021. Trước đó, tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 6 đã đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng trong quý III đã chậm lại đáng kể, chỉ thêm được 2,15%.
Tăng trưởng tín dụng chậm lại cùng với việc chi phí huy động vốn tăng do các nhà băng phải tăng lãi suất tiền gửi trong những tháng gần đây dưới áp lực của lạm phát khiến NIM (thu nhập lãi thuần) ngày càng mỏng.
![]() |
Ngân hàng cá thể hóa sản phẩm theo nhu cầu khách hàng |
Chính vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số để tiết giảm chi phí hoạt động các ngân hàng đang có xu hướng chuyển dịch nguồn thu từ tín dụng sang các lĩnh vực có tỷ suất sinh lời cao và ít rủi ro hơn. Theo đó hiện các ngân hàng đang chú trọng đẩy mạnh các nguồn thu khác như kinh doanh bảo hiểm, phát triển các dịch vụ: thanh toán, quản lý tài sản...
Minh chứng là trong kết quả kinh doanh quý III, thu ngoài lãi đã trở thành một điểm sáng tích cực trong bức tranh lợi nhuận của nhiều ngân hàng. Đơn cử như tại VIB, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng này đạt hơn 2.400 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, đóng góp 17% vào tổng thu nhập hoạt động. Còn tại Sacombank, thu ngoài lãi của nhà băng này đóng góp 39% vào tổng thu nhập hoạt động, trong đó tỷ trọng của lãi từ hoạt động dịch vụ đạt gần 24%. Với Techcombank, ngân hàng này cho biết thu phí từ dịch vụ thẻ tăng trưởng 69,5% – đạt 1.398,8 tỷ đồng; thu phí từ dịch vụ bảo hiểm cũng tăng trưởng 50% so với cùng kỳ.
Một nhà băng nữa cũng ghi nhận nguồn thu ngoài lãi ấn tượng đó là HDBank. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 1.024 tỷ đồng sau 9 tháng, chưa bao gồm phí bảo hiểm tại công ty tài chính HD Saison (đạt hơn 550 tỷ đồng) và gấp hơn hai lần cùng kỳ năm trước. Các dịch vụ khác như thanh toán, mua bán ngoại tệ cũng tăng trưởng cao. Chiến lược chuyển đổi số và phát triển ngân hàng số cũng ghi nhận kết quả tích cực. Số lượng và giá trị giao dịch qua kênh số đều tăng gấp hai lần cùng kỳ năm trước. Số lượng người dùng mới trong 9 tháng đầu năm tăng gấp gần ba lần cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, kết quả kinh doanh ấn tượng của các ngân hàng chính là “trái ngọt” từ việc sớm nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số và áp dụng các chuẩn mực quốc tế như Basel II, Basel III vào quản trị. Nhờ đó, dù mảng tín dụng đang đối mặt với khó khăn nhưng kế hoạch kinh doanh đã đặt ra từ đầu năm vẫn đang trong tầm tay của nhiều nhà băng.
Đại diện VPBank cho biết, ngân hàng tiếp tục đặt kỳ vọng lớn vào công nghệ để mở rộng hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính trở thành trụ cột sinh lời trong những năm tiếp theo.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc gia tăng thu ngoài lãi sẽ tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng theo hướng bền vững hơn, vì thu từ hoạt động dịch vụ ít rủi ro hơn nhiều so với từ tín dụng. Cùng với đó, ngân hàng sẽ gia tăng năng lực cạnh tranh trong cuộc đua khốc liệt giành thị phần trên thị trường hiện nay. Mặt khác, đây là hướng đi tất yếu để đáp ứng mục tiêu tại Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM lên khoảng 16 - 17% vào cuối năm 2025.
Chuyển đổi số vừa gia tăng trải nghiệm khách hàng, cải thiện nguồn thu ngoài lãi vừa nâng cao uy tín và thương hiệu là đòi hỏi từ thực tế cũng là con đường tất yếu các ngân hàng phải đi. Ông Phạm Xuân Hòe cho rằng, trong thập kỷ sắp tới, ngành Ngân hàng sẽ thay đổi nhiều hơn tất cả những gì đã diễn ra ở ngành công nghiệp này trong 100 năm qua. Các mô hình hoạt động lấy sản phẩm làm trung tâm trong quá khứ sẽ chuyển sang hướng tiếp cận dựa trên việc lấy khách hàng làm trung tâm, tạo nền tảng phát triển. Các ngân hàng sẽ khai thác cơ hội mới có sẵn trong các lĩnh vực lân cận như mua sắm, giáo dục, du lịch, ăn uống, giải trí... tạo ra một hệ sinh thái cung ứng dịch vụ “all in one” mà lĩnh vực tài chính, ngân hàng đóng vai trò điều phối và thúc đẩy mọi sự phát triển.
Các chuyên gia khuyến nghị, NHTM cần ưu tiên đầu tư cho công nghệ số thông qua việc sớm tìm các cổ đông chiến lược nước ngoài mạnh về vốn, tiềm lực công nghệ cao, năng lực quản trị hiện đại đối với phát triển ngân hàng số để tận dụng kinh nghiệm lợi thế của đối tác này vượt lên trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số.
Ngoài ra, ngân hàng cần có nhóm nghiên cứu chuyên biệt về ứng dụng công nghệ 4.0 trong sáng tạo và phát triển sản phẩm dịch vụ mới thực sự lấy khách hàng làm trung tâm, từng bước cá thể hóa sản phẩm theo nhu cầu, sở thích và tiến hành chiến lược maketing tới từng khách hàng qua các kênh mạng xã hội nhằm tận dụng lợi ích tối đa của công nghệ số...
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
