Ngân hàng “bật” chế độ phòng dịch ở mức cao nhất
Chủ động phòng, chống dịch trên toàn hệ thống
Thời gian vừa qua, hầu như tất cả các phòng giao dịch của các ngân hàng đều đồng loạt kích hoạt chế độ phòng dịch cao nhất. Những yêu cầu như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… đều là những yêu cầu bắt buộc khi khách hàng bước chân vào các phòng giao dịch.
![]() |
Tại khu vực giao dịch, tất cả nhân viên ngân hàng đều phải nghiêm túc đeo khẩu trang, một số nơi còn trang bị cả mũ bảo vệ có màng chắn. Các nhân viên cũng phải đeo găng tay trước khi giao dịch với khách hàng nhằm bảo đảm phòng dịch cho cả khách hàng và nhân viên khi giao dịch. Đặc biệt, tiền thu về từ khách hàng đều phải được khử khuẩn cẩn thận trước khi chuyển đi nơi khác.
Anh Minh Quân (Hà Nội) cho biết, anh thấy khá hài lòng và an tâm khi đến giao dịch tại ngân hàng vì ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch, anh còn được hướng dẫn chi tiết cài đặt một số ứng dụng để giao dịch trực tuyến, bảo đảm hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, nhằm bảo vệ sức khỏe của nhân viên ngân hàng và góp phần vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngân hàng luôn thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch. Tại các điểm giao dịch, cũng như các phòng làm việc của ngân hàng đều trang bị đầy đủ thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang cũng như dung dịch rửa tay. Nhân viên của TPBank, kể cả đối với những nhân viên không phải giao dịch trực tiếp với khách hàng cũng đều phải thường xuyên đeo khẩu trang.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Agribank đã ngay lập tức tăng cường kích hoạt tất cả các biện pháp phòng dịch lên mức cao nhất với quyết tâm chủ động đối phó và chống dịch thành công. Theo đó, để đảm bảo sức khỏe cho đoàn viên người lao động và an toàn cho khách hàng khi đến giao dịch, Agribank dự kiến triển khai tiêm vaccine cho đoàn viên người lao động và người thân của đoàn viên người lao động.
Agribank yêu cầu toàn bộ các chi nhánh, đơn vị trong toàn hệ thống, đặc biệt là các chi nhánh khu vực biên giới và các địa bàn phát sinh ca lây nhiễm Covid-19 sẵn sàng các phương án ứng phó mọi tình huống dịch bệnh, không để xảy ra sự cố truyền thông. Đồng thời, yêu cầu các nhân viên, cán bộ nêu cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế và các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Agribank về các biện pháp phòng chống dịch; tất cả các cán bộ đi ra khỏi địa bàn có ca nhiễm mới trong cộng đồng khi trở về đơn vị phải báo cáo người đứng đầu đơn vị và thực hiện khai báo y tế, các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan y tế địa phương...
![]() |
Nhân viên ngân hàng sau giờ chiều đều phải sát khuẩn máy ATM mỗi ngày. |
Đại diện VietinBank cho biết, ngân hàng đã chuyển từ trạng thái “phòng ngự” sang “tấn công”; tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch giai đoạn vừa qua; bám sát và thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa bảo vệ tốt sức khỏe cán bộ, người lao động, đối tác, khách hàng, vừa bảo đảm tính liên tục, ổn định trong hoạt động của VietinBank.
Ban lãnh đạo VietinBank đã yêu cầu trang bị phương tiện làm việc để các đơn vị, cá nhân chủ động trong các phương án làm việc giãn cách; chủ động các phương án bảo đảm hoạt động của các đơn vị, kể cả làm việc từ xa, làm việc tại nhà...
Đối với Ngân hàng BIDV, ngay khi dịch bệnh lan nhanh và diễn biến phức tạp, đơn vị này đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên và người thân tiêm vaccine phòng Covid-19. Theo đó, BIDV sẽ chủ động liên hệ với Bộ Y tế và các cơ quan chức năng để đăng ký mua vaccine Covid-19 hỗ trợ cán bộ, nhân viên và người thân phòng dịch Covid-19. Mỗi nhân viên của BIDV cùng với 4 người thân sẽ được hỗ trợ trong đợt tiêm phòng lần này. Kinh phí được trích từ nguồn quỹ phúc lợi của ngân hàng.
Đẩy mạnh ngân hàng số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Để đảm bảo tiến hành các giao dịch, hạn chế tiếp xúc, ngoài việc nâng cao công tác phòng dịch, việc đẩy mạnh ngân hàng số cũng là một trong những trọng tâm mà nhiều ngân hàng hướng đến trong mùa dịch Covid-19.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vừa hỗ trợ thiết thực tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn các dịch vụ thanh toán số, góp phần hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
![]() |
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh trong mùa dịch Covid-19 |
Báo cáo mới nhất về xu hướng thanh toán của người tiêu dùng ở Việt Nam với những thay đổi trong hành vi thanh toán trong đại dịch Covid-19, hướng đến một nền kinh tế không dùng tiền mặt của Công ty thanh toán kỹ thuật số Visa cho thấy, tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng trưởng đáng kể qua tần suất sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc và mã QR.
Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Khảo sát của Visa cho thấy, người Việt Nam dành 3,1 giờ trực tuyến mỗi ngày, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, con số đó đã tăng vọt lên 4,2 giờ một ngày vào lúc cao điểm. Đó cũng là lí do, các doanh nghiệp Việt hiện cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số để thích ứng với sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Thanh toán thẻ không tiếp xúc được dùng nhiều nhất trong danh mục thực phẩm và ăn uống, với 67% người tiêu dùng tăng cường sử dụng phương thức này trong năm 2020. Thanh toán qua mã QR cũng đã tăng vọt trong đại dịch, đặc biệt trong các giao dịch hàng ngày như thanh toán hóa đơn (71%), mua sắm trong lĩnh vực bán lẻ (58%) và tại siêu thị (57%).
Sự an toàn và tiện lợi là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ tiền mặt sang các hình thức thanh toán số, với 58% người được khảo sát nói rằng sự an toàn của thanh toán kỹ thuật số so với tiền mặt là lý do chính của sự thay đổi này và hơn một nửa (56%) cho rằng thanh toán số ít rắc rối hơn.
Tính đến hết quý I/2021 thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR code tăng cả về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020, có mức tăng lên đến gần 150%. Chi phí sử dụng dịch vụ thanh toán người dân phải trả cũng tăng nhiều hơn. Vì vậy, trên tinh thần đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, nhiều ngân hàng đã miễn các loại phí giao dịch khi thanh toán trực tuyến.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Tin liên quan
Tin khác

Kiến thức tài chính – hành trang không thể thiếu trong học đường

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Giáo dục tài chính: “Bệ phóng” cho chiến lược tài chính toàn diện

Hà Nội bố trí 6.000 tỷ đồng uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội

“Tài chính thông minh”: Mô hình giáo dục tài chính thiết thực

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc
