Nan giải gỗ đóng tàu
![]() | Doanh nghiệp đóng tàu cần hỗ trợ gấp |
Ngư dân, DN gặp khó
Thiếu nguyên liệu, để đóng tàu vỏ gỗ đang là thực trạng chung ở nhiều địa phương khu vực duyên hải miền Trung. Tình trạng thiếu gỗ dùng cho đóng mới tàu cá đã và đang khiến cho nhiều ngư dân lẫn DN đóng tàu vỏ gỗ trên địa bàn gặp nhiều khó khăn…
![]() |
Thiếu gỗ nguyên liệu đang khiến cả ngư dân lẫn DN gặp khó |
Tại TP. Đà Nẵng, đội tàu của ngư dân Lê Văn Sang, ở quận Thanh Khê khá nổi tiếng ở miền Trung với đội tàu đánh bắt lẫn làm nghề hậu cần trên biển cần rất hùng hậu. Để phát triển đội tàu đánh bắt lẫn làm dịch vụ hậu cần, ngư dân Lê Văn Sang đang đóng mới thêm 2 con tàu hậu cần vỏ gỗ với tổng công suất gần 2000CV.
Tuy nhiên, do nguồn gỗ nguyên liệu khan hiếm, tiến độ đóng tàu gần như dậm chân tại chỗ. Tương tự, ngư dân Bùi Văn Bảy cũng ở quận Thanh Khê, đang đóng mới con tàu vỏ gỗ có suất trên 800CV. Ước tính để hoàn thành con tàu này cần khoảng 100 m3 gỗ, nhưng đến nay chủ tàu mới mua được gần một nửa trong số đó. Tuy nhiên, hiện ông Bảy vẫn chưa biết xoay xở ở đâu để mua đủ số gỗ nguyên liệu trên.
Thiếu gỗ để đóng tàu, đang khiến cho nhiều ngư dân ở Đà Nẵng lâm vào thế khó. Bởi, ngoài giá thành đóng các con tàu đội lên cao, do gỗ tăng giá, các ngư dân còn phải chịu thêm chi phí kéo dài khi đóng tàu như, chi phí bến bãi, chi phí nhân công, phí tổn phát sinh… trong khi chờ đủ gỗ nguyên liệu để tiếp tục đóng tàu…
Thiếu nguyên liệu để đóng tàu không chỉ gây khó cho ngư dân, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều DN, cơ sở đóng tàu tại miền Trung. Mặc dù, đơn đặt hàng để đóng tàu gỗ đang rất nhiều nhưng, nhiều cơ sở phải từ chối vì không thể xoay xở kịp nguồn nguyên liệu.
Ông Nguyễn Thanh, chủ một cơ sở đóng tàu ở quận Sơn Trà, (TP. Đà Nẵng) cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay cơ sở tiếp nhận nhiều đề nghị đóng tàu gỗ cho bà con ngư dân ở địa phương và cả một số tỉnh lân cận, nhưng phần nhiều trong số đó phải từ chối hợp đồng. Bởi, trên thị trường gỗ nguyên liệu đang quá khan hiếm.
Tương tự, ở cơ sở đóng tàu vỏ gỗ của ông Đỗ Văn Thành, tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), cũng đang thiếu gỗ để đóng 4 chiếc tàu vỏ gỗ cho ngư dân Quảng Ngãi và Quảng Nam. Chủ cơ sở này cũng cho biết, các công đoạn hoàn thành tàu gỗ diễn ra hết sức chậm chạp do thiếu nguồn nguyên liệu. Trong khi, chủ tàu đang rất nóng lòng, đóng xong tàu sớm để kịp vụ đánh bắt chính sắp đến.
Theo nhiều người, nguyên nhân chính khiến xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu gỗ đóng tàu như thời gian qua do một số nước trong khu vực bắt đầu hạn chế xuất khẩu gỗ tự nhiên. Ở thời điểm này, các loại gỗ chính để đóng tàu như kiền kiền, sến mủ, trâm, sao cát… có nguồn gốc từ Lào hay Campuchia đều rất khó mua.
Bên cạnh, sau sự cố môi trường, nhiều ngư dân đang chuyển từ đánh bắt gần bờ, trong lộng ra xa bờ, nên nhu cầu đóng mới tàu cá bằng gỗ có công suất lớn đang tăng cao ở miền Trung. Thêm một nguyên nhân nữa, việc Chính phủ quyết định đóng cửa rừng cũng trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu để đóng tàu gỗ.
Thay thế vật liệu mới?
Nhu cầu tăng cao, song khả năng đáp ứng có hạn đang khiến cho giá các loại gỗ trên thị trường đang “nhảy múa”. Từ đầu năm 2016 đến nay, giá các loại gỗ nguyên liệu trên thị trường liên tục tăng cao.
Theo đó, nếu như vào thời điểm này của năm 2015 giá loại gỗ sao chỉ dừng ở mức 13 triệu đồng/m3 thì năm nay đã lên đến 17 triệu đồng/m3; giá gỗ sến mủ dùng để làm be tàu đã tăng giá từ 17 triệu đồng/m3 lên 26 triệu đồng/m3...
Trong khi đó để hoàn thiện một con tàu cần khoảng 100 m3 gỗ các loại. Trong đó, chủ yếu tập trung làm phần khung tàu và chi tiết nhỏ hoàn thiện khác. Với giá gỗ đang tăng cao trên thị trường như hiện nay, chi phí để đầu tư đóng mới một con tàu gỗ của ngư dân đang tăng cao rất nhiều so với thời điểm trước đây.
Trước tình thế thiếu gỗ để đóng tàu, giải pháp tình thế đang được các ngư dân và DN lựa chọn đó là thay vì dùng gỗ ở các nước quen thuộc như Lào hay Campuchia một số cơ sở đã phải nhập gỗ từ Indonesia hay Malaysia. Trên thị trường, giá các loại gỗ này thấp hơn rất nhiều so với gỗ cùng loại có xuất xứ từ Việt Nam hay Lào, Campuchia.
Tuy nhiên, chất lượng không thể so sánh được với nhau. Có nhiều kinh nghiệm đóng tàu vỏ gỗ, ông Nguyễn Thanh cho biết, chất lượng gỗ nhập từ Indonesia hay Malaysia rẻ hơn, số lượng cũng nhiều hơn nhưng chất lượng không thể bằng gỗ ở Lào hay Campuchia. Nếu đóng tàu bằng gỗ kiền kiền, sến mủ bằng gỗ từ trong nước hay lân cận thì đến hơn 10 năm sau vẫn chưa bị bào mòn.
Trong khi, nếu được đóng với gỗ cùng loại xuất xứ từ những nước khác chỉ khoảng 5 đến 6 năm, con tàu đã phải lên đà để sửa chữa phần vỏ tàu. Ngoài việc, dùng gỗ từ những thị trường không quen thuộc các ngư dân ở miền Trung cũng đang phải “giật gấu, vá vai” khi đóng tàu vỏ gỗ.
Một số cơ sở đóng tàu vỏ gỗ đã phải ghép các khối gỗ ngắn lại với nhau để đóng tàu. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ mang tính tình thế. Bởi, thực hiện phương án này sức chịu đựng sóng gió, độ an toàn, tải trọng của con tàu sẽ bị giảm sút.
Về lâu dài, theo nhiều người việc thay thế gỗ bằng các nguyên liệu mới để đóng các tàu cá đang được xem là giải pháp căn cơ nhất. Trong đó, chủ yếu là đóng các tàu vỏ thép và vật liệu mới composite. Tại TP. Đà Nẵng cũng như một số địa phương khác ở miền Trung, chính quyền các cấp đang tuyên truyền, khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép, hay composite thay cho tàu vỏ gỗ.
Ngư dân Lê Văn Sang cho biết, việc chuyển sang đóng tàu bằng vỏ thép hoặc những vật liệu mới là lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, trong thực tế do các chi phí đóng mới tàu vỏ gỗ thấp hơn, lại phù hợp với điều kiện kinh tế, nên nhiều ngư dân vẫn có xu hướng đóng tàu vỏ gỗ theo truyền thống...
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
