agribank-vietnam-airlines

Năm 2025: Việt Nam sẽ viết tiếp câu chuyện thành công

Nhóm phóng viên
Nhóm phóng viên  - 
Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, đà tăng trưởng kinh tế tích cực, các nỗ lực cải cách mạnh mẽ cùng sự đồng hành của các đối tác quốc tế, đất nước đang vững bước trên hành trình chinh phục những mục tiêu lớn.
aa
Chuyển đổi số đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2024

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành những động lực quan trọng, trong khi đầu tư công, cải cách thể chế và tận dụng các cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế. Năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm bản lề, mang đến những triển vọng lạc quan, mở đường cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình và tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào

Nhóm Ngân hàng Thế giới cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam

Năm 2025: Việt Nam sẽ viết tiếp câu chuyện thành công

Trong năm 2024, Việt Nam đã duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện qua tỷ lệ lạm phát ở mức thấp; môi trường lãi suất ở mức tương đối thấp, và tỷ giá hối đoái tương đối ổn định… Đặc biệt, nền kinh tế tiếp tục thể hiện khả năng chống chịu mạnh mẽ trước những rủi ro toàn cầu, được hỗ trợ bởi hiệu suất vững mạnh của các ngành xuất khẩu, dòng vốn FDI và nhu cầu nội địa ổn định. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế năm 2024 vượt xa kết quả của năm 2023, nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và toàn cầu.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp quan trọng để xây dựng một hệ thống ngân hàng vững mạnh hơn, thông qua việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng vào tháng 1/2024. Điều này đã giúp NHNN giải quyết các thách thức tồn đọng liên quan đến nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Trong tương lai, có thể tận dụng tối đa những nỗ lực này để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì sự ổn định tài chính, và đáp ứng tốt hơn trước rủi ro với các cú sốc và sự biến động của thị trường.

Khi chúng ta bước vào năm mới 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức phát triển, điều thường thấy ở các quốc gia thu nhập trung bình đang nỗ lực chuyển lên mức thu nhập cao. Nổi bật nhất là việc thực hiện các cải cách thể chế toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực của khu vực công. Những nỗ lực tiếp tục nhằm tái cơ cấu các lĩnh vực trọng yếu như quản lý nợ công, đầu tư công, ngành Ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng cốt lõi, vốn con người (đặc biệt ở cấp giáo dục đại học), khu vực tư nhân (với trọng tâm là các doanh nghiệp trong nước), cũng như chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sẽ tiếp tục đóng vai trò cực kỳ quan trọng không chỉ trong ngắn hạn mà còn trên con đường phát triển dài hạn của Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao.

Trên hành trình đó, ngành Ngân hàng sẽ cần đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi xanh và thúc đẩy tài chính toàn diện. Tất cả những yếu tố này sẽ góp phần vào mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Nhóm Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ các cải cách trong lĩnh vực ngân hàng thông qua chương trình hỗ trợ kỹ thuật toàn diện của chúng tôi, với mục tiêu cuối cùng là tăng cường hệ thống ngân hàng và giảm thiểu rủi ro để hỗ trợ sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững của Việt Nam. Nhóm Ngân hàng Thế giới đã đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong hơn 30 năm qua và chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ thông qua cả đầu tư và tri thức để giải quyết những thách thức trong những năm tới.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam

Chuyển đổi kép - động lực cho tăng trưởng

Năm 2025: Việt Nam sẽ viết tiếp câu chuyện thành công

“Chuyển đổi kép - chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang trở thành xu hướng phát triển chiến lược của nhiều quốc gia, giúp hướng đến đồng thời các mục tiêu phát triển bền vững và số hóa, khai thác tối đa lợi ích từ quá trình chuyển đổi kép này. Nổi lên như một quốc gia năng động bậc nhất châu Á cũng như thế giới, Việt Nam cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế này, lấy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh làm động lực quan trọng để phát triển. Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều nỗ lực đa chiều của Chính phủ trong việc bắt nhịp chuyển đổi kép. Trong đó, Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Năm 2025 sẽ là một năm bản lề bởi Việt Nam phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong năm tới, chẳng hạn như kinh tế số sẽ chiếm 25% GDP và tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế đạt 10%...

Hưởng ứng những nỗ lực này, các doanh nghiệp đã và đang tiến hành thay đổi tổ chức và triển khai ứng dụng công nghệ ở quy mô lớn. Theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), tính đến năm 2023, khoảng 47% số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau. Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nghiên cứu kế hoạch chuyển đổi xanh. Khảo sát năm 2022 của PwC cho thấy, 40% doanh nghiệp đã có kế hoạch và đặt ra cam kết ESG. Hay 48,7% doanh nghiệp cho rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết, theo một khảo sát do Ban phát triển kinh tế tư nhân công bố năm 2024.

Thực tế, Việt Nam có những thuận lợi nhất định để triển khai chuyển đổi kép. Trong đó, những yếu tố nhân khẩu học như dân số 100 triệu với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động gần 70%, gần 80% dân số sử dụng internet, số lượng người sở hữu điện thoại thông minh tăng hơn gấp đôi so với thập kỷ trước… góp phần mở ra tiềm năng lớn về tiêu dùng số cho Việt Nam. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024, Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai vào năm 2030. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, hiện đang đứng thứ hai trong số các quốc gia đang phát triển về thu hút FDI vào năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. Làm thế nào để nâng cao trình độ hiểu biết về chuyển đổi số của Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu. Chương trình chuyển đổi số quốc gia là một ví dụ cho thấy những nỗ lực của Chính phủ để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số. Để tận dụng nhân khẩu học thuận lợi và đạt được tham vọng số của mình, các khoản đầu tư cần được chuyển hướng không chỉ vào các lĩnh vực mới như AI mà còn vào các lĩnh vực nền tảng như giáo dục số và cơ sở hạ tầng truyền thống. Bên cạnh đó, cả hai xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều đòi hỏi mức đầu tư khổng lồ và là thách thức hàng đầu. Do đó, ngân hàng toàn cầu như HSBC có vai trò tạo điều kiện khơi thông dòng chảy vốn, kết nối nhà đầu tư, cung cấp cho khách hàng kiến thức chuyên môn liên quan và dẫn vốn đi đúng hướng.

Một điểm quan trọng nữa trong năm sau chính là cần tiếp tục tập trung đầu tư cho hạ tầng, vì đây là một trong nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn FDI chất lượng vào Việt Nam. Chính phủ đang cho thấy một thái độ rất quyết liệt trong thúc đẩy đầu tư công, tập trung vào nhiều dự án hạ tầng chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế. Đây sẽ là một bệ phóng quan trọng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình.

TS. Võ Trí Thành,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh Đầu tư, cải cách là chìa khóa cho tăng trưởng 2025

Năm 2025: Việt Nam sẽ viết tiếp câu chuyện thành công

Mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới có thể không thay đổi lớn so với năm nay, nhưng bối cảnh vẫn chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn và không thuận lợi. Cụ thể, Mỹ có thể áp dụng thêm các biện pháp thuế quan không chỉ với Trung Quốc mà còn với các quốc gia khác, điều này sẽ tác động trực tiếp đến thương mại và xuất khẩu - hai động lực tăng trưởng quan trọng của nhiều quốc gia trong khu vực bao gồm Việt Nam. Chưa kể, chính sách thương mại của Mỹ có thể làm gia tăng nguy cơ lạm phát, nhất là khi các biện pháp thuế quan kết hợp với tình hình ngân sách có thể khiến đồng USD mạnh lên. Trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ chậm lại trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, không còn duy trì các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ như trước đây. Điều này sẽ hạn chế dư địa chính sách tiền tệ, trong đó có khả năng giảm lãi suất của Fed không nhanh như trước làm gia tăng áp lực lên các nền kinh tế khác, đồng thời dòng vốn đầu tư có thể quay trở lại Mỹ.

Tuy nhiên, giữa những khó khăn này vẫn có cơ hội. Các quốc gia có môi trường kinh doanh thuận lợi và quan hệ quốc tế tốt sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng, nhưng vẫn sẽ có những khoảng trống về nhu cầu mà Việt Nam và các quốc gia khác có thể khai thác để thúc đẩy xuất khẩu.

Ở trong nước, niềm tin có thể được phục hồi nếu thực hiện các cải cách mạnh mẽ. Điều này sẽ kích thích đầu tư tư nhân và thúc đẩy đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng. Tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế vẫn có thể duy trì hoặc tăng trưởng nếu được khai thác hợp lý.

Để tận dụng được cơ hội trên, theo tôi, cần giải quyết một số vấn đề quan trọng. Thứ nhất, bộ máy quản lý hoạt động tinh gọn, hiệu quả hơn nhưng không để xảy ra tình trạng bỏ trống địa bàn. Việc thúc đẩy các quy trình hành chính nhanh chóng và dứt khoát là yếu tố cần thiết để phục vụ mục tiêu phát triển. Thứ hai, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các động lực truyền thống như thương mại, đầu tư và tiêu dùng cần được duy trì và phát huy. Đồng thời, bổ sung thêm các động lực mới như chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn - những yếu tố mang tính dài hạn hiện vẫn tiến triển chậm…

Tóm lại, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ các xu hướng dịch chuyển toàn cầu, kết hợp với cải cách nội tại và cải thiện niềm tin. Đẩy mạnh đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác các nguồn động lực mới sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua thách thức và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Việt Nam cần linh hoạt đối phó với thách thức toàn cầu

Năm 2025: Việt Nam sẽ viết tiếp câu chuyện thành công

Trong năm 2024, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào ba động lực chính: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng từ 15-16% so với năm trước, nhưng chủ yếu nhờ vào khu vực FDI và ngành nông nghiệp. Về đầu tư, FDI vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 8,8%; đầu tư công tăng không đáng kể, trong khi đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước giảm 4-4,5% so với năm ngoái. Về tiêu dùng, tổng doanh thu bán lẻ tăng 8,6% nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 11% của năm ngoái. Như vậy, tăng trưởng kinh tế chủ yếu đến từ khu vực đầu tư nước ngoài, trong khi doanh nghiệp nội địa gặp nhiều khó khăn.

Dựa trên tình hình năm 2024, dự báo cho năm 2025 cho thấy các doanh nghiệp nội địa vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa công nghiệp giá trị thấp. Song, nói như vậy không có nghĩa là không có cơ hội tăng trưởng. Mà Việt Nam vẫn có một số động lực nhưng cần có giải pháp cụ thể để tận dụng lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng như kỳ vọng. Trong đó, ngành nông nghiệp, lâm sản và thủy sản vốn đã duy trì tăng trưởng ổn định trong suốt 5 năm qua được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt xuất khẩu. Đối với ngành công nghiệp chế biến cần chuyển hướng sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn để tận dụng lợi thế. Ví dụ, xuất khẩu trái cây nên được đầu tư vào công nghệ chế biến sâu và bảo quản để mở rộng thị trường.

Thời gian qua, cũng có lo ngại quyết sách mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng qua bài phát biểu của ông gần đây cho thấy tình hình không đến mức căng thẳng. Có thể nước Mỹ cân nhắc giữa lợi ích của họ với các nước khác, trong đó có Trung Quốc, nên khả năng xuất khẩu của nước ta không bị ảnh hưởng nhiều.

Về đầu tư, kỳ vọng vào sự khởi động của các dự án lớn như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, dự án điện hạt nhân… sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản vẫn gặp khó khăn do việc chờ đợi các chính sách pháp lý mới và tình trạng giá bất động sản chưa ổn định.

Có thể nói, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 8% vào năm 2025, Việt Nam cần rất nỗ lực mới có thể đạt được. Trong đó điểm mấu chốt là thúc đẩy giải ngân đầu tư công và cải thiện môi trường pháp lý nhằm khơi thông dòng vốn tư nhân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu. Việt Nam cũng cần linh hoạt trong việc ứng phó với các biến động quốc tế, đặc biệt là trong thương mại và đầu tư.

Về phía hỗ trợ từ ngành Ngân hàng, tín dụng phải tăng ít nhất 15-16% để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Song năm 2025 Quốc hội đã đặt mục tiêu lạm phát ở mức 4,5% cao hơn so với năm trước để dự phòng rủi ro bất thường. Nếu lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm và giá USD giảm, áp lực từ giá hàng nhập khẩu và tỷ giá sẽ không quá lớn giúp NHNN có thể nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế mà không gây rủi ro lạm phát. Tuy nhiên, khả năng này cũng có thể sẽ bị hạn chế do nhu cầu huy động trái phiếu Chính phủ trong thời gian tới dự báo có thể gấp đôi so với các năm trước nhằm tài trợ cho các dự án lớn như cao tốc Bắc Nam, điện hạt nhân…

Nhóm phóng viên

Tin liên quan

Tin khác

Bảo hiểm Agribank quyết tâm chuyển đổi số, hướng đến số hóa dịch vụ bảo hiểm

Bảo hiểm Agribank quyết tâm chuyển đổi số, hướng đến số hóa dịch vụ bảo hiểm

Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và triển khai Nghị quyết của Đảng ủy Agribank, Đảng ủy Bảo hiểm Agribank, HĐQT Bảo hiểm Agribank, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tại Bảo hiểm Agribank chính thức được thành lập do đồng chí Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ đề ra Chiến lược và lộ trình đầu tư, phát triển Công nghệ thông tin giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2035, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển khoa học công nghệ trong tình hình mới.
Sacombank hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao nhận thức tài chính số cho thế hệ trẻ

Sacombank hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao nhận thức tài chính số cho thế hệ trẻ

Sacombank vừa ký kết hợp tác với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam, phát động chiến dịch "Thanh niên xanh - Hành động nhanh" từ 2025 - 2028. Chiến dịch gồm nhiều hoạt động đào tạo và thực hành kiến thức, các cuộc thi khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và sự kiện đồng hành cùng cộng đồng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao nhận thức tài chính số, lan tỏa lối sống “Xanh – Khỏe – Đẹp” cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Tiên phong đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số

Tiên phong đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số

Tiên phong đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm và quản trị điều hành, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Agribank đã và đang có những bước tiến dài trong hành trình 37 năm xây dựng, lớn mạnh và phát triển bền vững. Bước vào kỷ nguyên mới, Agribank tiếp tục nỗ lực, khẳng định sứ mệnh tiên phong của doanh nghiệp đóng vai trò chủ lực của nền kinh tế.
Chatbot - “Trợ thủ đắc lực” trong cuộc đua nâng tầm trải nghiệm khách hàng ngân hàng

Chatbot - “Trợ thủ đắc lực” trong cuộc đua nâng tầm trải nghiệm khách hàng ngân hàng

Trong làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành ngân hàng, Chatbot đang dần trở thành một công cụ chiến lược, giúp các ngân hàng thương mại nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu quy trình vận hành và tạo dấu ấn cá nhân hóa trong chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, để khai thác trọn vẹn tiềm năng, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra trong hành trình ứng dụng công nghệ này.
Agribank tiên phong chuyển đổi số, sẵn sàng cho những bứt phá

Agribank tiên phong chuyển đổi số, sẵn sàng cho những bứt phá

Trong thời gian qua, toàn ngành Ngân hàng đã triển khai quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó, Agribank là một trong số rất ít các đơn vị đầu tiên trong hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tổ chức riêng một hội nghị quán triệt và thực hiện khẳng định sự chủ động sớm nhập cuộc, sẵn sàng bứt phá, cùng ngành Ngân hàng và đất nước bước vào kỷ nguyên mới...
Cách nào VPBank xây dựng ngân hàng số, không chi nhánh, phục vụ hàng triệu khách hàng

Cách nào VPBank xây dựng ngân hàng số, không chi nhánh, phục vụ hàng triệu khách hàng

Theo lãnh đạo VPBank, để hiện thực hóa "giấc mơ" xây dựng AI toàn diện, một tổ chức đơn lẻ là không đủ, thay vào đó việc xây dựng một hệ sinh thái số liền mạch và mạnh mẽ, đầu tư bài bản từ ban đầu sẽ là giải pháp phù hợp, một xu hướng không thể đảo ngược.
Techcombank nâng cao hiệu suất của lập trình viên hơn 30% nhờ AWS

Techcombank nâng cao hiệu suất của lập trình viên hơn 30% nhờ AWS

Nhờ triển khai dịch vụ Amazon Q Developer, Techcombank đã tối ưu hóa hiệu quả làm việc cho hơn 600 lập trình viên, thúc đẩy khả năng sáng tạo và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Sacombank và Microsoft Việt Nam ký kết hợp tác chiến lược về AI và dữ liệu, định hình tương lai ngân hàng số

Sacombank và Microsoft Việt Nam ký kết hợp tác chiến lược về AI và dữ liệu, định hình tương lai ngân hàng số

Vừa qua, Sacombank và Microsoft Việt Nam chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và Dữ liệu trong ngành tài chính – ngân hàng, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của Sacombank.
Ứng dụng AI nâng cao hiệu quả sáng tạo nội dung số

Ứng dụng AI nâng cao hiệu quả sáng tạo nội dung số

Chiều 11/3, tại Hà Nội, Thời báo Ngân hàng tổ chức khoá đào tạo chuyên đề: “Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung số”. Khoá đào tạo không chỉ tập trung vào các kỹ năng tác nghiệp báo chí hiện đại mà còn mở ra những góc nhìn mới về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa quy trình sản xuất, sáng tạo nội dung của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Phụ nữ Ngân hàng hội nhập cùng quá trình chuyển đổi số

Phụ nữ Ngân hàng hội nhập cùng quá trình chuyển đổi số

Ngày 07/03/2025, tại Hà Nội, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Standard Chartered tổ chức Hội thảo “Phụ nữ Ngân hàng hội nhập cùng quá trình chuyển đổi số”.
AI
B - Edu
B - Finance
B - Data