Mỹ trở thành “vua nợ”, nhưng giờ là cần thiết
Tổng thống Donald Trump đang sống với biệt danh "vua nợ". Trên đồng hồ nợ công, Mỹ luôn vay mượn mạnh mẽ - ngay cả khi nền kinh tế đang tốt chứ không nói đến thời điểm tồi tệ hiện tại.
![]() |
Ảnh minh họa |
Mỹ bước vào cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 hiện nay trong tình trạng khó khăn. Nợ trên GDP đã ở mức gần 80% ngay trước khi đại dịch xảy ra - một tỷ lệ cao hơn gấp đôi so với mức trung bình lịch sử. Giờ đây, nợ quốc gia đang tiếp tục bùng nổ - hiện đã ở mức gần 25 nghìn tỷ USD - vì Washington buộc phải giải cứu nền kinh tế Mỹ khỏi cú sốc lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong khi nợ quốc gia tăng mạnh là điều đáng sợ thì hầu hết ý kiến đều cho rằng, giờ không phải là lúc để cắt giảm khoản vay.
Các nhà kinh tế đồng thuận rằng, Mỹ phải tiếp tục tăng nợ để ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế rơi vào đình trệ toàn diện. Nhưng mặt khác, họ cũng chỉ ra việc không còn nhiều dư địa để nền kinh tế có thể trả nợ khi cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay qua đi. Ngay cả các cơ quan giám sát thâm hụt cũng đang thúc giục Mỹ cần tiếp tục vay nợ. “Chúng ta đã phạm một sai lầm rất lớn là tăng nợ nần khi nền kinh tế đang mạnh”, Maya MacGuineas - Chủ tịch Ủy ban lưỡng đảng về ngân sách liên bang có trách nhiệm nói với CNN Business. “Nhưng nếu chỉ vì chúng ta đã liều lĩnh và dại dột đi vào khủng hoảng như vậy mà giờ không nên vay nợ thêm nữa thì cũng không đúng”.
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây cũng bày tỏ sự hối tiếc về việc Mỹ đã không kiểm soát được tình trạng nợ nần từ nhiều năm trước. “Lý tưởng nhất là bạn sẽ đi vào một cú sốc bất ngờ như thế này với vị thế tài khóa mạnh mẽ hơn nhiều”, ông Powell nói trong cuộc họp báo tuần trước. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi các chính trị gia đừng quá lo lắng về điều đó vào thời điểm này. “Giờ không phải là lúc để cho mối quan tâm đó, đừng để nó cản đường chúng ta chiến thắng trong trận chiến này”.
Tất nhiên, sẽ có những hậu quả lâu dài khi núi nợ ngày tăng lên. Bởi cuối cùng, điều đó có nghĩa là lãi suất sẽ cao hơn, lạm phát sẽ nóng hơn và cả khả năng thuế cũng sẽ cao hơn. Nhưng hiện tại, tăng nợ vẫn là “sự cần thiết tuyệt đối”, bởi trọng tâm là giữ cho các DN, hộ gia đình và nền kinh tế Mỹ hoạt động.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự kiến thâm hụt ngân sách liên bang sẽ cán mức 3,7 nghìn tỷ USD trong năm nay, tăng từ mức 1 nghìn tỷ USD trong năm 2019. Theo Moody’s, thâm hụt liên bang dự kiến sẽ đạt 18,4% GDP vào năm 2020 và chỉ giảm dần trong thập kỷ tới. Trước đại dịch, Moody’s dự báo nợ của Mỹ sẽ đạt 100% GDP vào năm 2030. Còn trong dự báo mới nhất, Moody’s dự kiến nợ sẽ ở mức 128% GDP vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, cũng có tin tốt là Bộ Tài chính Mỹ dường như đang không gặp phải khó khăn gì, ít nhất là cho đến nay, với việc tài trợ thâm hụt. Lợi suất kho bạc 10 năm vẫn ở gần mức thấp nhất mọi thời đại khi đang chỉ xoay quanh mức 0,7%. Điều đó báo hiệu các nhà đầu tư dường như không mấy e ngại về tình hình nợ hiện tại của Mỹ.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ

Thuế quan khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ suy giảm và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao

Các quan chức Fed chuẩn bị ứng phó với lạm phát cao hơn

Nhà đầu tư toàn cầu vẫn thận trọng dù ông Trump hoãn thuế
