Mỹ sẽ bán nợ cho ai nếu Trung Quốc ngừng mua?
Thâm hụt kỷ lục
Theo Bộ Tài chính Mỹ, thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng lên mức cao kỷ lục 3,1 nghìn tỷ USD, trong năm tài khóa 2020 kết thúc vào ngày 30/9, gấp hơn 3 lần so với mức thâm hụt của năm tài khóa trước đó. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) vì thế đã tăng lên mức 16%, cao nhất kể từ năm 1945. Kết thúc năm tài khóa 2020, tổng nợ quốc gia của Mỹ lên tới 27 nghìn tỷ USD.
![]() |
Thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng cao kỷ lục vì Covid-19 |
Theo các nhà phân tích, góp phần lớn vào thâm thủng ngân sách năm nay là do Đạo luật CARES, với gói chi tiêu 2,2 ngàn tỷ USD để chi trả thất nghiệp bổ sung cho người lao động bị mất việc trong đại dịch Covid-19 và các khoản vay có thể miễn trả cho các doanh nghiệp để giữ chân người lao động.
“Mặc dù nền kinh tế Mỹ đang dần hồi phục, chi phí xử lý đại dịch vẫn đang chồng chất”, Kristjan Mee - chuyên gia nghiên cứu và phân tích tại Công ty quản lý tài sản Schroders cho biết. Theo vị chuyên gia này, nếu một gói kích thích trị giá hàng nghìn tỷ USD nữa được Quốc hội Mỹ thông qua trong khi doanh thu thuế thấp hơn, thì theo Mee, mức thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ lên tới gần 20% GDP.
Lẽ đương nhiên để có nguồn tài trợ cho gói cứu trợ này, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải phát hành nhiều trái phiếu Kho bạc hơn. Thế nhưng một nghịch cảnh là nhu cầu phát hành trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng cao đúng lúc bối cảnh địa chính trị có nhiều thay đổi khi mà Trung Quốc – quốc gia trước đây là nước mua nhiều trái phiếu Kho bạc Mỹ nhất – hiện đang cắt giảm lượng nắm giữ của mình. “Câu hỏi quan trọng sau đó là: ai sẽ tài trợ cho đợt phát hành lớn liên quan gắn liền với mức thâm hụt ngân sách rất lớn”, Kristjan Mee đặt vấn đề.
Theo Reuters, nợ của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng lên mức chưa từng thấy kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Trung Quốc trước đây là quốc gia nắm giữ nhiều nhất trái phiếu Kho bạc Mỹ, nhưng nước này đang dần loại bỏ những khoản nắm giữ đó trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang gia tăng.
Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, Trung Quốc chỉ nắm giữ 1,06 nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ vào tháng 8 năm nay, giảm khá mạnh so với con số 1,24 nghìn tỷ USD mà nước này từng nắm giữ vào cuối năm 2015. “Mặc dù các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài tiếp tục mua trái phiếu Kho bạc Mỹ, song điều đó không đủ để bù đắp sự thiếu hụt nhu cầu của các tổ chức lớn”, Mee nói.
Ai sẽ mua nợ Mỹ?
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên tồi tệ trong lĩnh vực thương mại và năm nay đã lan sang lĩnh vực công nghệ. Một hệ quả tất yếu, theo các nhà quan sát, Trung Quốc sẽ muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh bằng cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình sang các loại tiền tệ khác.
“Một bổ sung mới quan trọng là yếu tố chính trị, theo đó có khả năng Trung Quốc không muốn gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau với Mỹ liên quan đến dự trữ đồng đôla nhiều hơn”, Alan Ruskin - Chiến lược gia tại Deutsche Bank cho biết. Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, “Trung Quốc có thể sẽ tái sử dụng phần lớn khoản tích lũy dự trữ mới thành các tài sản không phải USD, bởi vì đây là một hình thức đa dạng hóa dự trữ tương đối thụ động, sẽ ít gây chú ý hơn nhiều so với việc chủ động bán tài sản USD hiện có”.
Vậy ai sẽ mua trái phiếu Kho bạc Mỹ? Kristjan Mee của Công ty Quản lý tài sản Schroders cho biết, các nguồn mua nhiều khả năng nhất có lẽ là một số quốc gia ở châu Á có nguồn dự trữ ngoại hối “đáng kể”. Chẳng hạn dự trữ ngoại tệ của Đài Loan và Singapore đã tăng “đáng kể” kể từ tháng Ba.
Ngoài ra theo Mee, Mỹ còn có “đặc quyền cắt cổ” trong việc phát hành đồng tiền dự trữ của thế giới. “Điều mỉa mai là đồng đôla suy yếu hơn nữa có thể thúc đẩy các ngân hàng trung ương (các thị trường mới nổi) tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ của họ, vì (các) ngân hàng trung ương (các thị trường mới nổi) thường can thiệp bằng cách mua đôla để ngăn chặn đồng tiền của họ tăng giá quá nhiều,” ông nói.
Theo vị chuyên gia này, rất nhiều nền kinh tế mới nổi là nền kinh tế xuất khẩu. Xuất khẩu của họ sẽ không còn hấp dẫn nếu đồng tiền của họ trở nên quá mạnh. Bằng cách mua vào đôla Mỹ, họ củng cố sức mạnh của đồng bạc xanh và làm suy yếu các đồng tiền mới nổi một cách tương đối.
Ngoài các người mua này, Ruskin của Deutsche Bank cho biết, Fed cũng có thể phải tham gia mua trái phiếu Kho bạc với quy mô lớn hơn nhiều khi Trung Quốc ngừng mua.
Điều đó là hoàn toàn có cơ sở khi Chủ tịch Fed Jerome Powell và một số quan chức khác đã từng nói rằng sẽ đến lúc Mỹ cần điều chỉnh vấn đề vay nợ, nhưng giờ chưa phải là lúc lo ngại về nợ vì tỷ lệ thất nghiệp còn cao và các doanh nghiệp đang khốn đốn vì đại dịch, đòi hỏi phải có các biện pháp kích cầu.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ

Thuế quan khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ suy giảm và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao

Các quan chức Fed chuẩn bị ứng phó với lạm phát cao hơn
