Mua ngân hàng với giá 0 đồng: Có đầy đủ các khuôn khổ pháp lý
Xử lý bằng cơ chế
Quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu (XLNX), trong đó có việc mua lại NH với giá 0 đồng, đã được các nhà khoa học, chuyên gia trong ngành làm sáng tỏ thêm tại buổi Tọa đàm “Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống NH, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức mới đây.
![]() |
Oceanbank là một trong ba NH được mua lại với giá 0 đồng |
Theo các diễn giả, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của mình, NHNN đã mua lại cổ phần với giá 0 đồng của 3 TCTD là: NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), NHTMCP Đại Dương (Oceanbank) và NHTMCP Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank).
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh cho rằng, sở dĩ NHNN mua lại 3 NH trên với giá 0 đồng vì những NH này nợ “ăn” mất vốn tự có và đây là hành động “đầy sáng tạo”.
Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh nêu thêm 5 nguyên tắc, cho thấy mua NH 0 đồng là phù hợp: Thứ nhất, NHNN là NH mẹ của các NHTM, “con dại cái mang” nên NHNN phải lo chuyện này, không để NHTMCP đổ vỡ.
Thứ hai, NH là loại hình DN đặc biệt, kinh doanh bằng tiền gửi của người khác nên phải bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Thứ ba, ở các nước có NH nhỏ phá sản, nhưng những NH lớn có ảnh hưởng hệ thống thì không thể cho phá sản. Đặt trong trường hợp ở Việt Nam, khái niệm NH lớn hay nhỏ chỉ tương đối, nhưng nếu trong 3 NH trên, chỉ 1 NH phá sản coi chừng ảnh hưởng tới hệ thống.
Thứ tư, đặc điểm rất Việt Nam là chúng ta tái cơ cấu và XLNX chỉ sử dụng cơ chế chứ không phải bằng tiền. Cuối cùng, phải xử lý để đảm bảo trật tự.
Đặt vấn đề vì sao lại là NHNN mua 3 NH trên, TS. Trần Du Lịch giải thích, ở Việt Nam hiện nay, không ai đủ uy tín để có thể mua 3 NH trên, trừ NHTW. Nhất là để sau khi mua, người dân lại đem tiền gửi vào.
Đặc biệt, điều kiện tốt nhất để NH phục hồi chính là có tiền gửi, còn người dân không gửi tiền vào thì coi như NH đó “chết”. “NHNN mua NH 0 đồng là mua bằng cơ chế, bằng quyền của mình, sau khi phục hồi nó, tự nó phát triển chứ không phải mất tiền để trả nợ thay”, ông Lịch nhấn mạnh.
Bổ sung thêm ý kiến của ông Lịch, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc NHNN mua NH 0 đồng bằng cơ chế sẽ khiến cho dân chúng đang lo lắng có thể yên tâm gửi tiền trở lại, phục hồi nhanh tiền gửi.
Trong trường hợp NH bị mua lại thiếu thanh khoản, NHNN có thể gọi một số NHTM khác cho vay. NHNN cũng có thể cho vay đặc biệt theo phương thức tái cấp vốn và sau một thời gian thanh khoản trở lại bình thường thì phải trả lại ngay cho NHNN…
Đúng cơ chế
Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Luật NHNN và Luật Các TCTD đều quy định thẩm quyền và điều kiện NHNN được quyết định áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt đối với TCTD, trong đó có biện pháp mua cổ phần các TCTD nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.
Tại Khoản 12, Điều 4 Luật NHNN về nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN quy định: “Quyết định áp dụng biện pháp xử lý đặc biệt đối với TCTD vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và NH, gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống NH, gồm mua cổ phần của TCTD…”.
Bên cạnh đó, theo bà Nga, Khoản 3, Điều 149 Luật Các TCTD về thẩm quyền của NHNN đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt quy định: “NHNN có quyền trực tiếp hoặc chỉ định TCTD khác góp vốn, mua cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt”.
Để cụ thể hóa Luật NHNN và Luật Các TCTD, Điều 4, Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Thống đốc NHNN thẩm quyền “quyết định việc chỉ định TCTD tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc trực tiếp tham gia góp vốn, mua cổ phần” của TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Về việc xác định giá mua, theo bà Lê Thị Nga, Điều 5, Quyết định 48 cũng giao thẩm quyền cho Thống đốc NHNN quyết định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của NH đó, quyết định hình thức mua cổ phần và thời gian thực hiện mua cổ phần. Và theo Khoản 3 Điều 95 Hiến pháp thì Thống đốc phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về những quyết định này.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành để NHNN mua bắt buộc cổ phần của các NHTMCP yếu kém thì quy trình phải trải qua những bước cơ bản: TCTD gặp tình trạng kiểm soát đặc biệt, NHNN áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với TCTD đó; Định giá TCTD thông qua kiểm toán độc lập. Sau đó, NHNN quyết định giá trị thực vốn điều lệ và xác định số vốn điều lệ cần bổ sung và yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông để thông qua định giá và giá trị thực vốn điều lệ…
Từ lập luận trên, bà Lê Thị Nga khẳng định: Biện pháp NHNN mua lại cổ phần của các TCTD nằm trong diện kiểm soát đặc biệt đã được quy định khá rõ ràng, đầy đủ trong Luật NHNN, Luật Các TCTD và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên cả ba phương diện: thẩm quyền, điều kiện và trình tự, thủ tục áp dụng.
Đồng quan điểm với bà Nga, ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, mua cổ phần bắt buộc với 3 NH trên để xử lý các TCTD yếu kém trong tình hình hiện nay là hoàn toàn phù hợp, đúng quy định pháp luật, đúng trình tự thủ tục và giải quyết được các khó khăn cho các NHTMCP. Biện pháp này cũng bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, góp phần quan trọng ổn định thị trường tài chính tiền tệ.
Tin liên quan
Tin khác

Việt Nam cần chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với chính sách thuế quan

Cần đồng bộ các giải pháp để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững

Cần giải pháp mạnh để DNNVV tiếp cận vốn hiệu quả

Dẫn lối dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ cần liên kết để mở rộng cơ hội vay vốn ngân hàng
