Một tiến… hai lùi
Tư duy lúc tiến lúc lùi
Việc những cơ quan nghiên cứu hàng đầu về kinh tế, gồm Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR)… với các chuyên gia có uy tín như PGS-TS. Trần Đình Thiên, TS. Nguyễn Đình Cung, TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Đinh Tuấn Minh, TS. Phạm Thế Anh, Đậu Anh Tuấn… đều góp mặt trong một báo cáo là điều đáng chú ý.
![]() |
Nhà nước còn can thiệp nhiều vào thị trường làm méo mó phân bổ nguồn lực xã hội |
Công bố cuối tuần trước, “Báo cáo phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) Việt Nam 2014” là tài liệu quan trọng ở thời điểm này, khi Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp. Đặc biệt là gần đây cũng đã có nhiều bàn luận về vấn đề này, để “đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế”, như dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng.
“Ở Việt Nam hiện nay, không có gì đáng quan tâm hơn là xây dựng thể chế KTTT đầy đủ”, GS-TS. Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức giải thích lý do nhà xuất bản này tham gia xuất bản cuốn báo cáo nói trên.
Đánh giá tổng quát về nền KTTT Việt Nam trên các lĩnh vực từ năm 1986 tới nay, Báo cáo cho rằng, sự phát triển KTTT ở Việt Nam lúc chồi lúc sụt, mặc dù có nhiều nỗ lực cải thiện đem đến hiệu quả thực tế từ năm 2000, đặc biệt là trong những năm chuẩn bị gia nhập WTO. Nhưng, tốc độ cải thiện cũng chững lại kể từ năm 2008. Nhiều tiêu chí phát triển KTTT bị suy giảm và còn thấp hơn khá xa so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các tiêu chí liên quan đến hệ thống pháp trị và quản trị Nhà nước. Đồng thời, Nhà nước vẫn can thiệp nhiều vào các thị trường đất đai, lao động, vốn, thương mại quốc tế và trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh tế, làm méo mó phân bổ nguồn lực xã hội.
“Đã 20 năm gia nhập ASEAN, nhưng đến nay chúng ta đang ở nhóm 4 quốc gia kém nhất”, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI lưu ý. Bà nhấn mạnh, nếu không phát triển KTTT nhanh hơn nữa, chúng ta thậm chí lùi xuống và kém cả Lào, Campuchia. “Thể chế KTTT của Việt Nam có thể phát triển đầy đủ hơn nhiều so với cái ta đã có. Chúng ta phát triển KTTT nhưng tư duy về thể chế cứ có bước tiến lại có lúc lùi, thậm chí lùi tới 2 bước như sau khi gia nhập WTO, đã gây nên sự suy giảm kéo dài từ lúc đó đến nay ”, bà Phạm Chi Lan nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, nhìn lại về tư duy thì thấy rõ, đó là có lúc chúng ta phát triển mạnh DNNN, đổ quá nhiều nguồn lực vào đây, ồ ạt lập các tập đoàn kinh tế Nhà nước, vậy là khu vực tư nhân bị lép vế. Nhìn lại giai đoạn vừa rồi, thấy có quá nhiều DN tư nhân “chết”, thể hiện rõ hậu quả của sự ngập ngừng trong phát triển KTTT. Sự ngập ngừng này đã khiến trong suốt một thập kỷ qua, nền kinh tế cứ lên lại xuống, và đến hôm nay tuy không còn ở điểm đáy nhưng vẫn trong vùng đáy, theo quan điểm của ông Trần Đình Thiên.
Vấn đề ở đâu?
Các kết luận quan trọng được Báo cáo nêu là: Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật đầy đủ đảm bảo cho sự vận hành của nền KTTT hiện đại, nhưng mức độ phát triển KTTT chỉ ở trung bình thấp so với thế giới. Quy mô Nhà nước quá lớn và cồng kềnh, lại kém hiệu quả. Hệ thống pháp trị còn yếu. Nhà nước còn can thiệp nhiều vào thị trường. Hiệu quả cung ứng dịch vụ công, kiến tạo môi trường kinh doanh còn thấp.
Một trong những khuyến nghị quan trọng của báo cáo là để phát triển và hoàn thiện KTTT, thì việc quan trọng nhất của Việt Nam là nâng cao tính độc lập của tư pháp, không để các lợi ích nhóm can thiệp, tăng cường tiếng nói của người dân và DN, cần có chính sách quản lý đất đai hợp lý minh bạch. Tiếp theo là tăng cường kỷ luật ngân sách, thu hẹp bộ máy hành chính, giảm chi thường xuyên, chuyển dần một phần hoạt động đầu tư công sang cho khu vực tư nhân, tạo điều kiện cho DN tư nhân đầu tư vào các công trình công ích… “Ngay như lĩnh vực đường sắt, khu vực tư nhân chưa nhìn thấy cơ hội đầu tư”, TS. Đinh Tuấn Minh đưa ra ví dụ.
Còn đại diện Đại sứ quán CHLB Đức ở Việt Nam lại dẫn ra một trường hợp cụ thể vừa xảy ra để chứng minh góc khuyết khá lớn của nền KTTT ở Việt Nam, liên quan đến luật pháp, quản trị Nhà nước và bảo vệ nhà đầu tư, quyền tự do kinh doanh trong đó có quyền rút khỏi thị trường. Ông nói: Một DN của Đức đã muốn bán cổ phần họ đầu tư ở Việt Nam, nhưng cơ quan chức năng yêu cầu phải được thanh tra thuế. Sau 6 tháng, DN không được thông báo kết quả thanh tra, nhưng cơ quan chức năng lại đưa thông tin cho báo chí trước và báo chí nói DN trốn thuế. Từ trường hợp này, theo ông, Việt Nam cần tăng tính minh bạch, bảo đảm công bằng để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Võ Hưng (Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ) lại đưa ra hiện trạng suy giảm chất lượng của hệ thống giáo dục, sự lộn xộn trong hệ thống y tế với hàm ý phải chăng đó là hệ quả trong sự phát triển ngập ngừng. TS. Đinh Tuấn Minh cho rằng, nếu cơ hội cho tư nhân đầu tư vào y tế được tạo ra nhiều hơn, như chuyện cổ phần hóa ở Bệnh viện Giao thông vận tải, thì sẽ vừa giảm tải áp lực cho nhà nước, người dân lại được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Tuy nhiên, việc tìm ra lối đi nào để phát triển nền KTTT tại Việt Nam dường như vẫn khó đi đến hồi ngã ngũ. Ngay cả khi Báo cáo và ý kiến chuyên gia đồng nhất về hiện trạng chưa thật sự thị trường của nền kinh tế, thì vấn đề tư duy thế nào và hướng đi lẫn lộ trình ra sao… còn khá mông lung. “Đức là một nền KTTT, Chính phủ Đức cũng vẫn muốn phát triển DNNN và kiểm soát thị trường. Vì thế, KTTT ở Đức có lúc chững lại và những cuộc thảo luận sẽ không có hồi kết”, ông Ulrich Niemann, Giám đốc Bộ phận Chính trị Quốc tế, Viện Friedrich Naumann CHLB Đức chia sẻ thêm.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
