Moody's hạ triển vọng hệ thống ngân hàng Mỹ
Căng thẳng gia tăng
“Triển vọng của chúng tôi đối với hệ thống ngân hàng Mỹ là tiêu cực. Triển vọng này thể hiện kỳ vọng của chúng tôi đối với các nguyên tắc tín dụng cơ bản trong hệ thống này trong vòng 12 đến 18 tháng tới”, Moody’s cho biết trong một tuyên bố.
Tổ chức này cho biết, quyết định này được đưa ra sau một số vụ sụp đổ liên tiếp của hai ngân hàng khiến rủi ro gia tăng buộc các nhà quản lý phải can thiệp bằng việc đưa ra một kế hoạch giải cứu với người gửi tiền và các tổ chức khác bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hiện nay. “Chúng tôi đã thay đổi từ triển vọng ổn định sang tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ để phản ánh sự xuống cấp nhanh chóng trong môi trường hoạt động sau khi làn sóng rút tiền gửi tại ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), ngân hàng Silvergate và ngân hàng Signature (SNY) cũng như sự sụp đổ của SVB và SNY”, Moody’s cho biết.
Động thái này diễn ra sau hành động vào tối muộn ngày thứ Hai, khi Moody's cảnh báo rằng, họ đang hạ cấp hoặc đang xem xét việc hạ cấp một số tổ chức ngân hàng riêng lẻ khác. Các động thái này rất quan trọng vì chúng có thể tác động đến XHTN và do đó ảnh hưởng đến chi phí đi vay của ngành.
Mặc dù ghi nhận các hành động phi thường mà các cơ quan quản lý đưa ra để hỗ trợ các ngân hàng bị ảnh hưởng, nhưng Moody’s Investors Service cho biết, các tổ chức ngân hàng khác có các “tổn thất chưa thể hiện” (hay lỗ trên sổ sách) hoặc người gửi tiền không được bảo hiểm vẫn có thể gặp rủi ro. Trước đó, Fed đã thiết lập một chương trình để đảm bảo rằng các tổ chức gặp vấn đề về thanh khoản có quyền tiếp cận tiền mặt. Đồng thời, Bộ Tài chính Mỹ đã cung cấp 25 tỷ USD cho chương trình này, cam kết những người gửi tiền có hơn 250.000 USD tại SVB và SNY sẽ có toàn quyền tiếp cận vào số tiền gửi của họ.
Lo ngại chưa giảm
Nhưng Moody's nói rằng những lo ngại vẫn còn. Báo cáo của Moody's cho biết: “Các ngân hàng có khoản lỗ trái phiếu trên sổ sách và nắm giữ lượng tiền gửi không được bảo hiểm lớn vẫn có thể nhạy cảm hơn với sự cạnh tranh hút người gửi tiền hoặc rủi ro rút tiền ồ ạt, gây ra những tác động bất lợi đến nguồn vốn, thanh khoản, thu nhập và vốn”.
Moody's lưu ý rằng, khoảng thời gian kéo dài của lãi suất thấp kết hợp với các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ liên quan đến đại dịch Covid vừa qua đã khiến hoạt động ngân hàng trở nên phức tạp. Chẳng hạn, SVB có khoản lỗ trên sổ sách khoảng 16 tỷ USD từ danh mục đầu tư trái phiếu Kho bạc dài hạn mà họ nắm giữ. Khi lợi suất tăng lên đã làm xói mòn giá trị của những trái phiếu đó và tạo ra các vấn đề về thanh khoản cho SVB trong bối cảnh không thể huy động vốn tại các tổ chức truyền thống. Do đó, SVB đã phải bán lỗ những trái phiếu đó để đáp ứng các nghĩa vụ.
Lãi suất tăng khi Fed phải đối mặt với sự gia tăng liên tục của lạm phát. Moody’s cho biết họ kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục phải tăng lãi suất. “Chúng tôi cho rằng, áp lực với các ngân hàng sẽ tiếp diễn và trở nên trầm trọng hơn do việc thắt chặt chính sách tiền tệ đang diễn ra, với lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức cao hơn và trong thời gian dài hơn cho đến khi lạm phát trở lại trong phạm vi mục tiêu của Fed”, Moody's cho biết. “Các ngân hàng Hoa Kỳ hiện cũng đang phải đối mặt với chi phí tiền gửi tăng mạnh (sau nhiều năm chi phí huy động thấp), và điều này sẽ làm giảm thu nhập tại các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có tỷ lệ nắm giữ tài sản danh mục đầu tư chứng khoán có lãi suất cố định cao hơn”, Moody’s nhận định thêm và cho biết, họ dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay, càng gây thêm áp lực cho ngành ngân hàng.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
