Môi trường kinh doanh: Nhận diện và hành động
Cải thiện môi trường kinh doanh: Gỡ bài toán “sợ trách nhiệm” Chất lượng điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực được cải thiện Môi trường kinh doanh: Phải nhân lên nỗ lực cải cách |
Khó khăn và mong mỏi
Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý II/2023 của hiệp hội EuroCham Việt Nam ở mức 43,5 điểm – mức thấp nhất trong lịch sử khảo sát BCI nếu loại trừ một vài quý đặc biệt khó khăn và bất thường trong thời kỳ diễn ra đại dịch Covid. Đáng chú ý khảo sát BCI quý II nêu rõ, các quy định không rõ ràng và thủ tục hành chính rườm rà là những rào cản chính hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, khi lần lượt chiếm tới 53% và 50% các ý kiến phản hồi (đều tăng so với BCI quý I). Song tình trạng này không phải xảy ra chỉ trong một quý đơn lẻ vừa qua mà những yếu tố này vẫn luôn đứng trong tốp đầu về các rào cản, chỉ là hiện nay các doanh nghiệp đang cảm nhận điều đó rõ ràng hơn.
Đây cũng chỉ là một phần nhỏ phản ánh bức tranh môi trường kinh doanh đang có rất nhiều thách thức hiện nay. Những bất cập, rào cản, khó khăn về điều kiện môi trường kinh doanh được cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia… phản ánh thường xuyên trong suốt thời gian qua. Không ít ý kiến lo ngại tình trạng này nếu không sớm được khắc phục có thể làm xói mòn các kết quả cải cách, suy giảm niềm tin của doanh nghiệp.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có 4 thách thức lớn đang đặt ra trong cải cách thể chế, hướng đến cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp: Phải thực hiện cắt giảm các thủ tục hành chính từ chính những quy định hiện hành; Quan ngại về khả năng nhiều chi phí mới sẽ phát sinh từ những quy định đang được cơ quan chức năng dự thảo và sẽ được ban hành trong thời gian tới; Những quy định, yêu cầu mới trong thương mại toàn cầu làm gia tăng chi phí mà doanh nghiệp buộc phải tuân theo (tức nằm ngoài tầm kiểm soát trong nước); Thách thức đến từ sự cạnh tranh giữa các nước trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư tốt hơn.
“Với đòi hỏi cấp bách trong thực tiễn hiện nay và những thách thức lớn đang đặt ra như vậy, có thể nói rằng cải cách thể chế là yêu cầu ngày càng quan trọng, thậm chí còn đặt ra cấp bách hơn cả những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tài khoá và chính sách tiền tệ trong ngắn hạn”, ông Hiếu nhấn mạnh và đặc biệt lưu ý, trong lúc chúng ta đang rà soát những quy định hiện hành để cắt giảm thì cũng cần tập trung vào kiểm soát việc ban hành quy định mới khiến gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật.
![]() |
Thủ tục hành chính rườm rà là những rào cản chính hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp (theo Khảo sát BCI quý II của EuroCham) |
Cắt giảm và tuyệt đối không phát sinh chi phí, thủ tục mới
Về kiến nghị cụ thể, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, các quy định mới làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp dù có thể cần thiết nhưng chưa thực sự cấp bách trong bối cảnh này thì không nên ban hành. Còn trong những trường hợp buộc phải ban hành - như buộc phải thực hiện theo một điều ước quốc tế hay để thực hiện thêm một điều khoản của luật mà không thể không ban hành - thì cũng cần có lộ trình phù hợp để áp dụng.
Bên cạnh đó, trong khó khăn hiện nay, doanh nghiệp tại một số ngành nghề, lĩnh vực như bất động sản, tài chính… có nhu cầu cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, quy định hiện hành đôi khi cản trở hoạt động đó. Do đó, cần thiết nghiên cứu xem xét cơ chế nới lỏng có thời hạn, có địa chỉ để giúp doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, vượt qua khó khăn. Đây cũng là biện pháp cải cách thể chế có hiệu quả và đã từng được áp dụng trong thời kỳ đại dịch Covid. Về lâu dài, cần nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên.
Cùng quan điểm, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chưa khi nào cộng đồng doanh nghiệp phải gồng mình đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Nguyên nhân có nhiều, trong đó một phần đến từ xu hướng cải cách hành chính có phần bị chững lại và xuất hiện tình trạng một số bộ phận công chức nhà nước có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc gần đây khiến doanh nghiệp càng rơi vào tình cảnh khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn, một trong những kiến nghị mà ông Đoan đưa ra là Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ các quy định không phù hợp. Mạnh dạn có những giải pháp có tính đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn; ban hành các chính sách thực sự phù hợp, hiệu quả, khắc phục tình trạng chậm triển khai; gắn với đó là động viên, khích lệ những cán bộ có trách nhiệm, dám nghĩ dám làm.
Nghị quyết 105 đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: (i) Thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu; (ii) Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; (iii) Hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân; (iv) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; (v) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc. |
Thực tế thời gian gần đây, trước thực trạng cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/7 đã ký ban hành Công điện 644 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, các lỗi được nhấn mạnh là không chỉ cải cách thủ tục mà phải cắt giảm chi phí tuân thủ; rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính là rào cản; xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân và doanh nghiệp.
Sau đó đúng 1 tuần, ngày 20/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Đáng chú ý liên quan đến giải pháp, nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Nghị quyết 105 đặc ra yêu cầu cụ thể về những đầu việc cần làm, lộ trình thời gian thực hiện rõ ràng đối với từng bộ, ngành liên quan để rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, nâng cao chất lượng quy định, thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực cụ thể; giảm tối đa các hoạt động thanh tra chưa cần thiết theo quy định và giảm triệt để việc chồng chéo trong hoạt động thanh kiểm tra thuế, bảo hiểm xã hội và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành khác; nhận diện và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc “tuyệt đối không ban hành quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết, trái quy định cho doanh nghiệp, người dân”. Người dân, doanh nghiệp rất ỳ vọng với những quyết tâm nêu trên, cùng với quá trình triển khai thực thi nghiêm túc, tránh nhiệm sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả với những kết quả thực tế sẽ thấy ngay trong nửa cuối năm, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp bức xúc cũng như phải gánh thêm trên vai những chi phí, thủ tục thời gian phát sinh vì thủ tục hành chính.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
